Cuộc đua rót tiền vào logistics cho thương mại điện tử

TUVM

Well-known member
Sự tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử những năm gần đây kéo theo nhu cầu tăng cao về kho bãi, trung tâm phân loại và xử lý hàng hóa dành riêng cho bán lẻ trực tuyến.

“Chi phí logistics ở Việt Nam rất cao, gần như gấp đôi đến gấp 3 các nước trong khu vực và chiếm đến 20% tổng chi phí vận hành của các doanh nghiệp. Do đó, thị trường này còn rất nhiều dư địa để tối ưu hóa”, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam, chia sẻ bên lề sự kiện khánh thành trung tâm phân loại mới ở Bình Dương gần đây.

Với tổng nhu cầu giao nhận lên đến 150 triệu gói hàng mỗi tháng, theo ông, hạ tầng logistics phục vụ riêng cho thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam cần nâng cấp và phát triển về nhiều mặt. Đây là lý do Lazada đưa hạng mục đầu tư này vào một trong những hoạt động vận hành chủ chốt ở thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp tăng tốc đầu tư
Ông Dũng cho hay Lazada Logistics đã xuất hiện ở Việt Nam và xây dựng năng lực lõi khá lâu, từ năm 2015 có trung tâm phân loại đầu tiên. Năm 2017, doanh nghiệp đưa vào hoạt động trung tâm phân loại tự động và mới đây là một trung tâm phân loại tự động khác với các công nghệ học máy, AI, nâng công suất lên 1 triệu đơn hàng/ngày.

“Đây là trung tâm phân loại lớn nhất Đông Nam Á của chúng tôi, với mức đầu tư nằm trong top 5 dự án về logistics của Lazada trong toàn hệ thống 6 nước. Những công nghệ tại đây cũng lần đầu được ứng dụng đối với Lazada. Sắp tới, chúng tôi sẽ xem xét mở rộng mô hình trung tâm này ở miền Bắc”, ông nhấn mạnh với Zing.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp sở hữu hệ thống trung tâm phân loại, kho bãi lưu trữ, xử lý hàng hóa và mạng lưới bưu cục rộng hơn 150.000 m2 ở Việt Nam. Hệ thống này, theo ông, không chỉ phục vụ cho các đơn hàng của Lazada mà từ một năm qua đã bắt đầu hỗ trợ cho nhiều đối tác khác.

logistics anh 1
Trung tâm phân loại hàng hóa mới khánh thành ở Việt Nam nằm trong top 5 dự án được đầu tư mạnh nhất của Lazada toàn Đông Nam Á. Ảnh: Lazada.
Thị trường TMĐT hiện tại cũng ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ của Shopee và Tiki vào hệ thống kho bãi, đóng gói hàng hóa và vận chuyển, bên cạnh hợp tác với các đơn vị logistics bên ngoài.

Đơn cử, Shopee đang có 3 trung tâm chia chọn ở Việt Nam đặt tại các vị trí chiến lược để đảm bảo hàng hóa lưu thông 24/7, với một số công nghệ hiện đại để phân loại hàng hóa vào một số khu vực kho đặc thù như kho làm mát, kho hàng giá trị cao.

Thậm chí, các mô hình kho lưu trữ tự quản, kho mini phục vụ nhóm nhà bán hàng nhỏ lẻ cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, với thời gian thuê và kích thước kho linh động. Phân khúc này không chỉ thu hút các start-up mà nhiều công ty logistics cũng chủ động mở rộng thêm mô hình để tăng tính cạnh tranh.

Chia sẻ với Zing, ông Aric Austin, CEO MyStorage - một trong những đơn vị vận hành kho mini đầu tiên ở TP.HCM - cho biết cơ sở kho tự quản mới được mở rộng vào tháng 6/2022 đến nay đã đạt tỷ lệ lấp đầy lên đến 98%. Tăng trưởng doanh thu toàn hệ thống trong những năm qua cũng luôn ở mức cao, khoảng 50-80%/năm, kể cả thời kỳ giãn cách xã hội.

Hiện đơn vị này phục vụ hơn 1.700 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, thông qua 4 cơ sở kho quanh TP.HCM và Đồng Nai, với tổng diện tích kho gần 2.000 m2.

"Chúng tôi dự tính năm nay sẽ nhân đôi số lượng kho tự quản từ 117 kho hiện nay lên 250 kho đủ kích cỡ. Đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ mở rộng đến các thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ", ông Aric Austin tiết lộ kế hoạch.

Dư địa còn lớn?
Theo ông Aric Austin, sự bùng nổ của thị trường TMĐT những năm qua đã làm gia tăng lực lượng doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến, đặc biệt ở quy mô vừa và nhỏ, song song đó là nhu cầu thuê kho bãi của họ.


logistics anh 2
Kho tự quản, kho mini mới xuất hiện vài năm trở lại đây ở Việt Nam theo sự bùng nổ của TMĐT. Ảnh: MyStorage.
Ông cho rằng đây là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp logistics nói chung và kho mini, kho tự quản nói riêng.

Ghi nhận của Zing cho thấy một số kho mini còn có thêm khu vực co-working space để khách thuê làm việc, tiếp đối tác, họp hành, thậm chí nghỉ ngơi.

Theo xếp hạng của eMarketer, Việt Nam là một trong top 5 quốc gia phát triển TMĐT hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế đạt 20%.

Với ông Đặng Anh Dũng, nếu so với tỷ trọng hiện tại của kinh tế số chỉ 5%, rõ ràng dư địa cho ngành TMĐT còn rất lớn.

Theo ông, bất cứ doanh nghiệp TMĐT nào cũng có áp lực phải cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận, nhưng ông cho rằng việc đầu tư vào công nghệ và logistics không chỉ đảm bảo tăng trưởng cho sàn mà còn giúp hoàn thiện một mô hình kinh doanh bền vững về mặt tài chính.

"Việc vận hành toàn bộ hành trình của một gói hàng (parcel journey) cho phép chúng tôi tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí giao hàng. Chúng tôi cũng hoàn toàn chủ động trong việc tối ưu hóa vận hành bởi sở hữu toàn bộ dữ liệu từ đầu đến cuối", ông Dũng nói.

Đánh giá tổng quan, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, cho rằng logistics cho TMĐT ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu. “E-logistics (logistics cho TMĐT - PV) thời gian tới sẽ cần hướng đến những kiện hàng kích thước lớn hơn, cồng kềnh hơn, cũng như tự động hóa ở nhiều khâu hơn. Tôi cho rằng sẽ cần sự chung tay của nhiều bên để cùng số hóa các khâu và phát triển nhân lực”, ông nói rõ.

Nhưng cũng vì vậy, ông dự báo e-logistics sẽ còn phát triển nhanh hơn trong thời gian tới, khi có nhiều đơn vị cùng gia nhập vào cuộc đua này.

Doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống đồng bộ, cùng với việc định lượng được chính xác thời gian nhập xuất hàng hóa, vận chuyển, trả hàng và thanh toán sẽ là người chiến thắng
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam
Trước thềm cao điểm mua sắm cuối năm ngoái, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cũng đề cập đến sự thiếu hụt kho bãi chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường TMĐT.

Bà nhấn mạnh sức mua bán lẻ vốn thay đổi theo mùa nên một chuỗi cung ứng hiệu quả phải thực sự linh hoạt.

Doanh nghiệp cần xây dựng và áp dụng một hệ thống quản lý, truy xuất đơn hàng thông minh, bên cạnh các công nghệ mới có thể ghi nhận hàng tồn hoặc cảnh báo rủi ro cháy nổ.

"Doanh nghiệp nào sở hữu hệ thống đồng bộ trên, cùng với việc định lượng được chính xác thời gian nhập xuất hàng hóa, vận chuyển, trả hàng và thanh toán sẽ là người chiến thắng", vị chuyên gia tại Cushman & Wakefield khẳng định.
 
Bên trên