Đà Nẵng lo khách quốc tế dịch chuyển đi nơi khác

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Thiếu sản phẩm du lịch mới, giá phòng cao...khiến khách quốc tế đến Đà Nẵng 9 tháng đầu năm còn kém xa so với trước dịch và có xu hướng dịch chuyển vào Nha Trang.

Đà Nẵng là điểm sáng trong bức trang phục hồi du lịch sau đại dịch so với cả nước. Ba tháng mùa hè, thành phố nhộn nhịp với những sân bay chật kín khách, bãi biển đông đúc, nhiều khách sạn kín phòng. Khách nội địa vẫn chọn Đà Nẵng là điểm đến trong mùa hè.

Thống kê của ngành du lịch, 9 tháng đầu năm 2023, khách nội địa đến Đà Nẵng do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 4,2 triệu lượt, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2022 và bằng 142% so với cùng kỳ 2019. Sau mùa hè, thành phố bước vào mùa mưa, đã không còn cảnh nhộn nhịp của thị trường khách nội địa.

Thành phố thận trọng đưa ra chỉ số phục hồi thị trường khách quốc tế, khi mục tiêu năm 2023 đón 1,5 triệu lượt khách. Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ 2022, đạt 314% kế hoạch. Tuy nhiên con số này so với năm 2019 (trước dịch Covid-19), chỉ bằng 67%.

Khách Hàn Quốc đã quay trở lại Đà Nẵng năm 2023 nhưng chủ yếu đi theo khách lẻ và có xu hướng dịch chuyển vào Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Đông


Khách Hàn Quốc đã quay trở lại Đà Nẵng năm 2023 nhưng chủ yếu đi theo khách lẻ và có xu hướng dịch chuyển vào Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Đông

Điều khiến nhiều đơn vị lữ hành lo lắng là khách quốc tế đi lẻ tăng cao, làm sụt giảm nguồn thu cho doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, hết quý 3, có đến 80% khách quốc tế đi lẻ, chủ yếu là khách Hàn Quốc (hơn 770.000 lượt), trong khi khách đi theo đoàn chỉ chiếm 15-20% trong tổng khách lưu trú.

Nguyên nhân khách quốc tế đến Đà Nẵng còn khiêm tốn chủ yếu là thị trường Trung Quốc (chiếm 20% tổng lượng khách quốc tế năm 2019), chưa phục hồi, trong khi thị trường tiềm năng Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng.

Thêm vào đó, sau hơn hai năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến du khách cắt giảm chi tiêu, ngày lưu trú và chọn điểm đến gần, dẫn đến việc khôi phục mở đường bay quốc tế và khai thác các thị trường quốc tế gặp khó khăn.

Điều khiến ngành du lịch và các đơn vị kinh doanh lữ hành lo lắng, là sự dịch chuyển của du khách Hàn Quốc, vốn đang chiếm tỷ lệ 48% tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, đang có sự dịch chuyển và lựa chọn những điểm đến mới có nhiều sản phẩm du lịch mới.

"Khách Hàn Quốc, Nhật Bản đang đến Nha Trang (Khánh Hòa) nhiều hơn Đà Nẵng vì giá phòng. Nha Trang chỉ từ 700-800.000 đồng/phòng, còn Đà Nẵng giá vẫn từ 3-4 triệu. Các tour du lịch, hãng lữ hành họ sẽ chọn địa điểm rẻ hơn", ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nói tại hội nghị tổng kết du lịch 9 tháng đầu năm, chiều 12/10.

9 tháng đầu năm 2023, Khánh Hòa đón hơn 1,45 triệu lượt khách quốc tế, gấp 9,6 lần so với cùng kỳ 2022. Nếu như Trung Quốc, Nga là thị trường truyền thống của Nha Trang trước đây, thì sang năm nay vị trí dẫn đầu thuộc về khách Hàn Quốc. Tính riêng tháng 7, địa phương này đón hơn 130.000 lượt khách Hàn Quốc và dự kiến con số này cả năm 2023 là 900.000 lượt.

Nhiều hạ tầng du lịch ở Đà Nẵng đang chậm đầu tư, thiếu sản phẩm du lịch mới. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhiều hạ tầng du lịch ở Đà Nẵng đang chậm đầu tư, thiếu sản phẩm du lịch mới. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Triết cho rằng, ngoài sự hấp dẫn về các điểm du lịch mới, thì giá cả cạnh tranh là yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút khách quốc tế trở lại Đà Nẵng. Do đó, ngành du lịch Đà Nẵng cần nghiên cứu, có các kiến nghị đề xuất kỹ hơn để thành phố xem xét và sớm ban hành các nghị quyết, chính sách riêng đối với ngành du lịch.

"Đà Nẵng có rất nhiều vấn đề thuộc ngành du lịch chưa có chính sách riêng, chưa được ưu tiên, như phát triển như kinh tế đêm, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nguồn nhân lực du lịch; cơ chế chính sách đặt hàng với các hiệp hội trong việc xúc tiến, thu hút khách đến Đà Nẵng...", ông Triết nói.

Đà Nẵng đang chậm đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch, như chưa xong quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, phân khu Ven vịnh Đà Nẵng chưa được phê duyệt; thiết kế ý tưởng cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành, thiết kế đô thị khu vực ven biển chưa được thông qua.

Thêm vào đó, chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng; các điểm dừng chân phục vụ các tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa hoạt động do vướng kết luận Thanh tra Chính phủ (các dự án tại Sơn Trà); chậm triển khai các Đề án tạo điểm dừng chân của các địa phương. Điều này làm hạn chế khả năng tạo ra sản phẩm du lịch mới.

HĐND TP Đà Nẵng qua rà soát đầu tư công đã nhận định việc đầu tư, quan tâm cho lĩnh vực xã hội khá nhiều, trong khi liều lượng đầu tư cho lĩnh vực du lịch "chưa thực sự thỏa đáng". Do đó, ông Triết đề nghị UBND thành phố cần đề xuất để HĐND thẩm tra, thẩm định và cân đối ưu tiên danh mục thứ tự, khi đó các công trình, dự án về du lịch sẽ hài hòa.

Ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng trong bối cảnh dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến du lịch, ngành phải tính toán, linh hoạt trong việc tìm kiếm và xúc tiến tại các thị trường mới, cũng như làm mới sản phẩm du lịch và đầu tư sản phẩm mới.

"Nguồn lực chúng ta khó, điều kiện khó thì việc đầu tư sản phẩm mới sẽ khó. Trong khi một số thị trường truyền thống sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển trong năm 2024-2025, nên ngành du lịch phải nghiên cứu thị trường và xúc tiến khai thác thị trường mới", ông Cường nói và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay.

Ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu khách quốc tế năm 2024 đạt 2,5 triệu lượt; 2025 đạt 2,8 triệu lượt, vẫn thấp hơn năm 2019 với 3,24 triệu lượt. Điều này cho thấy thành phố vẫn còn dè dặt kỳ vọng khách quốc tế nhộn nhịp trở lại trong ngắn hạn
 
Bên trên