Đam mê công nghệ của Ấn Độ đe dọa cuộc sống hàng triệu lao động

TUVM

Well-known member
Thu nhập của Vaishali Kanal không phụ thuộc vào khối lượng hay thời gian làm việc hàng tháng, mà phụ thuộc vào việc liệu làng cô có tín hiệu Internet hay không. Từ sáng sớm, Kanal - 25 tuổi - thường phải để lại đứa con nhỏ ở nhà tại Palatpada, một ngôi làng hẻo lánh ở miền Tây Ấn Độ, và đi làm việc tại một công trường xây dựng ở gần đó.

"Nếu con tôi thức hoặc đang khóc, tôi sẽ mang cháu theo mình. Thật khó khăn để làm công việc nặng nhọc và chăm sóc cho một đứa trẻ sơ sinh", Kanal chia sẻ với Wired.

Một chương trình việc làm toàn quốc đầy hứa hẹn
Cô phải làm việc rất vất vả nhưng nhiều khi không được trả công do một trục trặc trong chương trình của chính phủ Ấn Độ, trong khi chương trình vốn được cho là sẽ giúp những người bị thiệt thòi nhất của quốc gia này như Kanal, một người nông dân bản địa tại quận Palghar của bang Maharashtra.

Được áp dụng từ năm 2005, Đạo luật Mahatma Gandhi Đảm bảo Việc làm cho vùng Nông thôn trên Toàn quốc (MGNREGA) nhằm giúp người lao động ở nông thôn có thu nhập ổn định khi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng công như xây dựng đường xá, đập nước và đào giếng.

Mục đích của chương trình này là cung cấp cơ hội việc làm ở gần nơi sinh sống cho người dân của vùng nông thôn, để họ không phải di cư tới những thành phố lớn.

Với 266,3 triệu người đăng ký và 144,3 triệu người đang làm việc trong khuôn khổ MGNREGA, đây là chương trình việc làm lớn nhất trên thế giới.

Cho đến năm 2022, những người tham gia các dự án xây dựng thường được đánh dấu trực tiếp trên danh sách bởi một trợ lý chương trình việc làm ở địa phương hoặc người giám sát tại công trường.

Tuy nhiên, kể từ tháng 1, chính quyền Ấn Độ đã yêu cầu những người tham gia MGNREGA thực hiện chấm công trên một ứng dụng điện tử có tên Hệ thống Giám sát Di động Quốc gia (NMMS). Các quản lý địa phương phải đăng ảnh chụp người lao động lên hệ thống để chứng minh họ có đi làm.


cong nghe tai An Do anh 2
Những người lao động trong chương trình việc làm MGNREGA của Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Mặc dù vậy, ứng dụng này không hoạt động tại những khu vực hẻo lánh, có kết nối Internet yếu hoặc hay bị gián đoạn. Những người chỉ trích chính sách của chính quyền Ấn Độ nói rằng việc thiếu kết nối Internet là một vấn đề có thể được dự đoán từ trước.

Họ cũng khẳng định những lao động thuộc nhóm yếu thế trong xã hội một lần nữa bị bỏ lại phía sau bởi nhu cầu tung ra các công nghệ hào nhoáng nhưng thiếu tính thực tế của chính phủ quốc gia Nam Á.

Giải pháp công nghệ hào nhoáng nhưng thiếu hiệu quả
"Mối ưu tiên của chính phủ Ấn Độ không phải người lao động mà là công nghệ, dù cho công nghệ này có hiệu quả hay không", Brian Lobo, một nhà hoạt động làm việc tại quận Palghar cho biết.

Bộ Phát triển Nông thôn Ấn Độ, cơ quan phụ trách MGNREGA, đã từ chối bình luận về những vấn đề mà chương trình việc làm này đang gặp phải.

Những người lao động sử dụng NMMS phải nộp lại điện thoại 2 lần mỗi ngày - một lần khi họ bắt đầu làm việc, lần còn lại là vào cuối ngày.

"Nếu tín hiệu Internet không đủ mạnh, ảnh sẽ không được tải lên hệ thống. Tại khu vực của chúng tôi, đây luôn là một vấn đề lớn", Jagadish Bhujade, trợ lý chương trình việc làm tại khu vực Vikramgad - nơi có ngôi làng của Kanal, chia sẻ.


cong nghe tai An Do anh 3
Người lao động của chương trình MGNREGA xếp hàng để được điểm danh bằng ứng dụng NMMS. Ảnh: Article 14.
Kanal kể rằng có những ngày cô phải vội vã đến chỗ làm chỉ để phát hiện ra nơi này mất tín hiệu Internet và không có cách nào để đăng nhập vào ứng dụng.

"Khi tình trạng này xảy ra, tôi sẽ phải đi bộ về nhà. Một số công trường cách nhà khá xa và tôi không có đủ tiền để mua vé xe buýt", cô cho biết.

Nhưng việc này còn dễ hơn là khi mạng Internet hoạt động vào đầu ngày nhưng bị gián đoạn vào cuối ngày. "Điều này có nghĩa là không có bằng chứng rằng chúng tôi đã làm việc trong cả ngày và chúng tôi có nguy cơ không được trả lương. Thật là một sự sỉ nhục", Kanal cho hay.

Thông thường, Kanal làm việc khoảng 15 ngày mỗi tháng nhưng chỉ có thể chấm công được từ 7 đến 8 ngày trên hệ thống do mạng Internet thường xuyên bị gián đoạn tại làng của cô.

"Tôi đã bị mất tiền lương vì vấn đề này. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi không thể để mất tiền", Kanal nói. Chồng của cô giờ đây phải tới các thành phố Thane hoặc Vasai trong khu vực để tìm việc.

Theo Vinod Thackre, một trợ lý khác của chương trình việc làm tại khu vực Vikramgad, hiện tượng ngày càng phổ biến. Từ khi ứng dụng NMMS được ra mắt, khoảng 300 người lao động từ ngôi làng của ông đã nghỉ việc.

"Có 500 lao động tham gia vào chương trình MGNREGA vào đầu năm nay. Giờ đây chỉ còn 200 người. Phần lớn trong số họ đã di cư đến các thành phố để tìm việc", Thackre cho biết.

Chính phủ cho biết việc số hóa quy trình chấm công giúp giảm tình trạng tham nhũng trong hệ thống. Tuy nhiên, các nhà phê bình đã chỉ ra nhiều bằng chứng chống lại nhận định trên.

"Có rất nhiều trường hợp những tấm ảnh đám đông, tàu thuyền hoặc sách được đẩy lên hệ thống và thậm chí còn được chấp nhận. Điều này có nghĩa những người quản lý còn không bận tâm đến việc xem lại các bức ảnh", Nikhil Dey, nhà sáng lập tổ chức bảo vệ quyền của người lao động và nông dân Mazdoor Kisan Shakti Sangathan (MKSS) cho biết.

Nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Quỹ Thúc đẩy Kỹ thuật số, Osama Manzar, nhận định việc triển khai NMMS là một dấu hiệu thể hiện chính quyền Ấn Độ chỉ muốn tạo ra các công cụ kỹ thuật để thể hiện hình ảnh một đất nước được số hóa.

Vấn đề trong cách tiếp cận của Ấn Độ với các giải pháp công nghệ
Vào năm 2015, chính phủ của Thủ tướng Modi đã công bố Digital India, một chiến dịch số hóa các dịch vụ công. Manzar tin rằng chính quyền đang cố để thể hiện chiến dịch này là một thành công trong mắt người dân.

"Việc chính quyền có thể nói rằng hàng triệu người được tiếp cận các ứng dụng dịch vụ công giúp cho hình ảnh của Ấn Độ với cộng đồng quốc tế. Dù vậy, dân số lớn của Ấn Độ đồng nghĩa với việc số người có thể tiếp cận ứng dụng này chắc chắn sẽ cao", Manzar phân tích.


cong nghe tai An Do anh 4
Người lao động biểu tình phản đối việc triển khai ứng dụng NMMS và hệ thống thanh toán ABPS ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Ảnh: Peoples Dispatch.
Trong khi đó, theo Raman Jit Singh Chima, giám đốc chính sách châu Á của tại tổ chức Access Now, khối tư nhân cũng là một nhân tố tác động đến đà triển khai các ứng dụng này. "Các doanh nghiệp phát triển các công cụ số để hợp thức hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng điện tử có sẵn, thay vì cân nhắc nhu cầu của người dân", ông Chima nhận định.

Dù lý do có là gì, việc triển khai NMMS cũng gặp phải những phản ứng tiêu cực từ người dân. Vào tháng 2, hàng nghìn người lao động của MGNREGA từ khắp cả nước đã tổ chức cuộc biểu tình kéo dài 100 ngày tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, yêu cầu bãi bỏ quy định sử dụng NMMS.

Vấn đề trong quá trình triển khai NMMS càng trở nên phức tạp hơn bởi một giải pháp công nghệ khác, được áp dụng cho những lao động trong chương trình MGNREGA.

Vào cuối tháng 1, Ấn Độ yêu cầu những người lao động nhận tiền lương thông qua Hệ thống Thanh toán Aadhaar (ABPS), được phát triển trên công nghệ nhận diện sinh trắc học Aadhaar gây tranh cãi của chính quyền nước này. Hệ thống đòi hỏi người lao động phải có thẻ làm việc, tài khoản ngân hàng và thông tin sinh trắc học được liên kết với cơ sở dữ liệu của Tập đoàn Thanh toán Quốc gia Ấn Độ.

Các nhà phân tích đánh giá rằng việc chuyển sang sử dụng ABPS là một quá trình phức tạp và không giúp đẩy nhanh tốc độ trả lương cho người lao động.
 
Bên trên