Dân 'du mục số' đổ xô đến Việt Nam

TRUONGTRINH

Well-known member
Ở một quán cà phê bãi biển Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận), Sam bật laptop bắt đầu buổi dạy tiếng Anh cho bốn học viên.


Chàng trai người Anh 33 tuổi từng đi qua 51 quốc gia nói có thể làm việc bất cứ đâu miễn là có Internet. Bốn năm trước, Sam lần đầu đến Việt Nam và thuê xe máy đi từ Cà Mau đến Hà Giang cùng 5 người bạn.

Sau chuyến đi đó, anh nhiều lần quay lại "vì trót mê đất nước này". Đợt gần nhất đầu năm 2023, kỳ nghỉ hai tháng của Sam biến thành nửa năm. Anh kết hợp vừa làm việc vừa đi thăm thú khắp nơi.

Sam thuê căn hộ 12 triệu một tháng ở quận Tân Phú (TP HCM) vì "xa trung tâm nhưng gần gũi với nhịp sống địa phương". Hàng ngày, ngoài 5 tiếng dạy tiếng Anh mỗi ngày cho các học viên ở khắp thế giới, Sam chạy xe máy khám phá các tỉnh lân cận TP HCM. Thỉnh thoảng, anh đổi gió bay ra Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng.

"Tôi thích quán cà phê có tầm nhìn ra triền núi, cánh đồng, dòng sông hoặc biển để làm việc", anh nói. Chi phí sinh hoạt hàng tháng của Sam khoảng 1.000 USD (20-25 triệu đồng) tùy số chuyến đi chơi nhưng anh thừa nhận "quá rẻ so với những gì nhận được ở đất nước này".


Sam trò chuyện với người dân địa phương trong chuyến đi phượt Hà Giang, tháng 2/2023. Ảnh nhân vật cung cấp


Sam trò chuyện với người dân địa phương trong chuyến du lịch Sapa tháng 12/2022. Ảnh nhân vật cung cấp


Soheil Asghari, chàng trai người Iran quyết định rời Malaysia sau 8 năm để sang Việt Nam. Hàng ngày anh vẫn dành 10 tiếng làm việc cùng các đồng nghiệp cũng đang lang bạt ở các nước khác. Trong cuộc trò chuyện với họ, anh thường nói Việt Nam "là vùng đất đáng trải nghiệm".

Chàng trai làm việc trong ngành truyền thông đang thuê căn hộ ở quận Bình Thạnh (TP HCM) giá 19 triệu đồng. Ở đây một thời gian Soheil mới phát hiện rất nhiều người ngoại quốc giống anh cũng đang theo đuổi sống này. "Tôi không nghĩ ở đây lại có nhiều người có chung ý tưởng với mình đến vậy", anh nói.

Sam và Soheil Asghari là những ví dụ tiêu biểu của cộng đồng "digital nomad" (du mục kỹ thuật số), những người làm việc từ xa không bị ràng buộc về vị trí địa lý, tận hưởng cuộc sống linh hoạt để khám phá nhiều nơi trên thế giới.

Khởi phát từ đại dịch và bùng nổ khi các lệnh phong tỏa được bãi bỏ, đến hết năm 2022, thế giới có khoảng 35 triệu người chọn lối sống này, theo thống kê của Digital Nomad Report. Số digital nomad tăng nhanh và dần trở nên phổ biến đến mức 52 quốc gia trên thế giới đã cung cấp thị thực dành riêng cho họ với thời hạn từ 6 tháng đến 10 năm như Argentina, Na Uy, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Italy, Bồ Đào Nha.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), cho biết trước đại dịch đã ghi nhận một bộ phận người ngoại quốc sau khi về hưu chọn lối sống làm chuyên gia trực tuyến và đi du lịch qua nhiều quốc gia. Nhưng sau hai năm đại dịch, người "du mục kỹ thuật số" ngày càng đông.

Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của cộng đồng du mục kỹ thuật số. Phân tích cơ sở dữ liệu về những người làm việc từ xa trên toàn thế giới, mới đây các chuyên gia tại Nomad Listđã công bố 10 điểm đến có lượng du mục kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất 2023. Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM có tên trong danh sách với vị trí thứ 2, 7 và 9.


Tỷ lệ (%)Tỷ lệ tăng trưởng digital nomad đến Việt NamNguồn: Nomad List1919-53-53-88-881 7001 7006060166166-19-19-85-856736731091091010-51-51-89-891 7441 7445555Hà NộiĐà NẵngTP HCM

Ông Lộc nhận định thực tế này là tất yếu bởi đây là ba trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của cả nước, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, giao thông thuận lợi có thể đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, các tiêu chí về mức độ an toàn, phí sinh hoạt rẻ, cảnh đẹp, ẩm thực phong phú hay quy trình dễ dàng xin thị thực du lịch trực tuyến và lưu trú tại đây tối đa 90 ngày cũng là lý do khiến Việt Nam được lựa chọn.

Theo các chuyên gia, hiện chưa có thống kê số dân du mục kỹ thuật số đến Việt Nam hay tác động đến lao động thị trường lao động, việc làm nhưng số liệu thống kê cũng phần nào cho thấy xu hướng này. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng gấp 2,1 lần, đến Hà Nội gấp 4 lần và đến TP HCM gấp 3,06 lần so với cùng kỳ năm 2022.


Soheil Asghari bên góc làm việc trong căn hộ quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 10/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Soheil Asghari bên góc làm việc trong căn hộ quận Bình Thạnh, TP HCM, tháng 10/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Như với Sam, chất lượng sống tốt, cuộc sống an toàn, đồ ăn ngon và cảnh đẹp là những lý do anh chọn đến Việt Nam vừa làm việc vừa trải nghiệm những chuyến đi ngắn ngày. "Giờ giấc linh hoạt, nhịp sống dễ chịu, an toàn và hàng xóm tốt bụng là những thứ có lẽ khó để tôi tìm thấy ở những quốc gia khác", Sam nói.

Còn với Soheil Asghari, khi ở Việt Nam anh có cơ hội di chuyển bằng xe máy bởi hệ thống phương tiện công cộng chưa phát triển như Kuala Lumpur, nhưng mức phí này không đáng kể. Một bữa ăn món Việt Nam chỉ mất 50.000 – 100.000 đồng, được anh cho là "quá rẻ". Người dân cởi mở và luôn sẵn lòng giúp đỡ người nước ngoài khiến Soheil Asghari cảm thấy như ở nhà. Anh cũng đánh giá Việt Nam là một trong số ít quốc gia có đường truyền Internet tốt, phủ sóng khắp các tỉnh, thành nên rất yên tâm khi làm việc. Đặc biệt, thu nhập anh kiếm được thoải mái cho các chi phí ăn uống, đi lại, mua sắm và du lịch.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch Xã hội, đánh giá du mục kỹ thuật số là lối sống, không phải loại hình du lịch. Họ tìm đến quốc gia khác với mong muốn giảm áp lực công sở, tận hưởng thiên nhiên, văn hóa.

Tệp khách hàng này thường lựa chọn căn hộ dịch vụ thay vì khách sạn, dành khoảng 50% ở đây còn lại di chuyển các điểm du lịch khác. Dân du mục kỹ thuật số thường cần ba tháng đến một năm để trải nghiệm đời sống văn hóa bản địa. Vì thế, sự thay đổi trong chính sách thị thực lưu trú Việt Nam cho người nước ngoài có thể đáp ứng cơ bản được nhu cầu này.

Ông Phương lưu ý việc khai thác tệp khách hàng này đúng cách. Về nguyên tắc, họ vẫn đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam bằng cách tiêu tiền thông qua những dịch vụ cơ bản như lưu trú, ăn uống hoặc đi lại. "Do vậy, cần phát triển các loại hình đúng cách, phục vụ đúng, trúng nhu cầu của khách hàng", chuyên gia nói.

Jon Connell, 32 tuổi, từng đến Việt Nam ba lần, dự định sẽ chuyển sang vừa làm việc từ xa, vừa du lịch ở TP HCM vào đầu 2024. Anh thừa nhận sự thay đổi về chính sách thị thực là điều thu hút những du mục kỹ thuật số như anh.

"Trước đây tôi phải chật vật xuất cảnh rồi trở lại Việt Nam sau một tháng để xin visa mới nhưng nay đã rất thuận tiện. Tôi hy vọng sẽ có những ngày thật tuyệt ở đất nước này", Jon nói.

Bên cạnh thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, cho rằng nếu các doanh nghiệp trong nước biết nắm bắt cơ hội dân du mục kỹ thuật số tìm đến Việt Nam để chiêu mộ, thu hút lao động chất lượng cao về đầu quân, có thể thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn lao động dồi dào.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo để tận dụng được lợi thế này, cơ quan quản lý phải chú trọng đầu tư nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, chăm sóc sức khỏe. "Khi mọi yếu tố về môi trường sống, công việc được đảm bảo, việc các du mục kỹ thuật số chọn nơi ‘an cư’ là việc đương nhiên", chuyên gia nói.

Còn với Sam, ngoài những trải nghiệm tuyệt vời, anh mong muốn TP HCM có thể giảm thiểu những trải nghiệm khó chịu như kẹt xe và khói bụi hàng giờ liền hay nguy cơ bị giật điện thoại lúc tản bộ ở vỉa hè.

"Nếu khắc phục được tất cả những điều này, tôi muốn có cơ hội được làm việc tại đây lâu dài", người đàn ông 33 tuổi nói.

Ngọc Ngân - Quỳnh Nguyễn
 
Bên trên