Đằng sau câu chuyện sử dụng AI “hồi sinh” người đã khuất để nói lời từ biệt

0707171758

NGUYỄN THANH VÂN
"Với công nghệ hiện nay, bạn không cần quá nhiều mẫu thông tin để một AI có thể học cách sao chép phong cách của một người", Haibing Lu, giáo sư phân tích và thông tin tại Đại học Santa Clara nhận định với Insider.
Năm 2020, một kỹ sư phần mềm trẻ Trung Quốc ở Hàng Châu đã tình cờ phát hiện ra một bài luận về công nghệ nhép môi (lip sync). Cơ chế của nó tương đối đơn giản - đó là sử dụng một chương trình máy tính để làm những chuyển động của môi khớp với các bản thu âm giọng nói.
Đằng sau câu chuyện sử dụng AI “hồi sinh” người đã khuất để nói lời từ biệt - Ảnh 1.

Vào lúc đó, hình ảnh người ông đã qua đời cách đây gần một thập kỷ chợt hiện lên trong tâm trí anh.
"Liệu tôi có thể gặp ông một lần nữa sử dụng công nghệ này", Yu Jialin tự hỏi mình.
Hành trình "tái hiện" người ông quá cố của anh, được nhà báo điều tra Tang Yucheng ghi lại hồi tháng 4 trên tạp chí Sixth Tone, là một trong một vài trường hợp ở Trung Quốc đang sử dụng trí tuệ nhân tạo để "hồi sinh" những người đã khuất.
Với việc kết hợp những công nghệ AI mới nổi, người Trung Quốc đã xây dựng các chương trình trò chuyện được gọi là “griefbot” với những đặc điểm và ký ức về người đã khuất với hy vọng có thể trò chuyện với người thân yêu của mình một lần nữa.
Với Yu, những công nghệ này mang đến cho anh cơ hội để nói những lời cuối cùng với người ông đã nuôi anh lớn khôn. Kỹ sư phần mềm 29 tuổi chia sẻ với nhà báo Tang rằng khi ông của anh qua đời, anh mới 17 tuổi.
Anh vẫn cảm thấy hối tiếc vì hai lần mình hành động gay gắt với ông. Một lần là khi anh hét lên với ông vì làm gián đoạn ván game đang chơi dở và lần thứ hai là khi anh nói với ông rằng không cần đến trường đón anh nữa.
Gia đình của anh đã không nhắc đến ông nữa sau khi ông qua đời.
"Mọi người trong gia đình đều cố gắng quên thay vì nhớ đến ông", Yu chia sẻ.
Griefbot và sự nổi lên của ChatGPT
Khái niệm griefbot đã được thử nghiệm trong nhiều năm qua, chủ yếu là các chương trình AI học cách bắt chước con người qua các kỷ vật, những bức ảnh và các bản thu âm của họ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI vào năm ngoái đã thúc đẩy sức mạnh và khả năng tiếp cận các “griefbot” lên một mức độ hoàn toàn mới.
Những mô hình cũ yêu cầu kho dữ liệu lớn. Nhưng hiện nay, những người không chuyên hoặc các kỹ sư đơn lẻ như Yu cũng có thể cung cấp các mô hình ngôn ngữ với những mẫu thông tin về quá khứ của một người và tái tạo gần như chính xác cách họ nhìn, nói và suy nghĩ.
"Với công nghệ hiện nay, bạn không cần quá nhiều mẫu để một AI có thể học cách sao chép phong cách của một người", Haibing Lu, giáo sư phân tích và thông tin tại Đại học Santa Clara nhận định với Insider.
Theo Giáo sư Lu - người chuyên nghiên cứu về AI, các hệ thống như ChatGPT, một chương trình dựa trên văn bản bắt chước gần giống văn phong của con người, đã học được cách hầu hết mọi người nói và viết một cách tự nhiên.
"Bạn chỉ cần điều chỉnh hệ thống một chút để có được sự tương đồng 99% với con người của bạn. Những sự khác biệt rõ ràng sẽ chỉ ở mức tối thiểu", Giáo sư Lu cho hay.
Với Yu, để dạy cho mô hình AI của mình rằng ông của anh là người như thế nào, anh đã lấy những bức thư cũ từ bà. Ông bà anh đã trao đổi thư với nhau khi họ còn trẻ và chúng tiết lộ một khía cạnh khác về người ông mà thậm chí Yu chưa từng biết đến.
Kỹ sư phần mềm này cũng tập hợp những bức ảnh và video từ hơn một thập kỷ trước và tìm lại những tin nhắn mà ông đã gửi cho anh.
Tuy nhiên, dù đã trải qua nhiều tuần thử nghiệm và huấn luyện, công nghệ này vẫn còn một chặng đường dài cần phát triển nếu con người mong đợi thứ gì đó giống như những bản sao robot trong bộ phim Black Mirror. Chatbot của Yu khi "tái tạo" ông vẫn còn hạn chế khi phải mất tới 10 phút để phản ứng trước mỗi yêu cầu.
"Chào ông. Ông thử đoán xem cháu là ai?", Yu hỏi chương trình.
"Ông" đã phản hồi bằng một câu trả lời chung chung: "Cậu là ai không quan trọng. Cuộc sống là một phép màu kỳ diệu".
Tuy nhiên, khi Yu cung cấp cho AI này nhiều thông tin hơn về ông của mình, nó bắt đầu thể hiện chính xác hơn các thói quen và sở thích của ông. Chẳng hạn, nó đã ghi nhớ chương trình yêu thích của ông.
"Happy Teahouse đã ngừng phát sóng" Yu nói với chatbot.
"Thật đáng tiếc. Chương trình mà tôi muốn xem nhất đã không còn chiếu. Tôi muốn xem một vài tập nữa", "ông" trả lời.
Đó là khoảnh khắc Yu thấy rằng ông của anh đang ở đâu đó. Chương trình cuối cùng đã đủ phức tạp để Yu cảm thấy anh có thể mang "công trình" này khoe bà của anh. Bà im lặng xem khi người chồng quá cố trả lời những câu hỏi của mình rồi cảm ơn cháu trai, đứng lên và ra khỏi phòng.
Yu nói rằng bà của anh cần chatbot này để giải tỏa cảm xúc và nỗi buồn. "Nếu không thì sao bà lại cảm ơn tôi", Yu nói. Yu cũng từ chối chia sẻ những cuộc trò chuyện thân mật với ông.
"Nhưng tôi nghĩ cuối cùng ông đã tha thứ cho tôi", anh nói.
Sự thương tiếc thay đổi theo thời gian
Bà Sue Morris, Giám đốc dịch vụ tang lễ tại Viện Ung thư Dana-Farber ở Boston cho biết, việc con người thay đổi cách tiếc thương người quá cố khi công nghệ phát triển là điều diễn ra tự nhiên.
Vào những năm 1980, người ta viết ra các câu chuyện về những người thân yêu để tưởng nhớ họ, bà Morris - người hiện dạy tâm lý tại Trường Y Harvard cho hay. Hiện nay, việc lưu giữ hình ảnh và video về người quá cố trở nên phổ biến hơn rất nhiều đặc biệt là trong thời đại kỹ thuật số.
Các nhà tâm lý học thường hỗ trợ các khách hàng đang đau buồn bằng cách yêu cầu họ nói với một chiếc ghế trống như thể người thân của họ đang ngồi đó và tưởng tượng ra câu trả lời của người đó.
"Có vẻ các griefbot chính là bước tiến công nghệ từ đó", bà Morris nhận định.
Tuy nhiên, các “griefbot” đó đã lấy đi một phần quyền kiểm soát từ những người sử dụng. Nhiều người đối mặt với nỗi buồn bằng cách kiểm soát cách thức và thời điểm họ xử lý cảm xúc.
"Bạn lựa chọn thời điểm xem ảnh và video của mình cũng như sẽ xem chúng trong bao lâu", bà Morris nói.
Theo bà, một yếu tố bất ngờ, chẳng hạn một tin nhắn được hẹn giờ vô tình từ chatbot có thể khiến ai đó vô cùng đau buồn.
"Có thể 98% thời gian, chương trình sẽ nói điều phù hợp, nhưng nếu không phải vậy với một tỷ lệ nhỏ thì sao? Liệu điều đó có khiến ai đó rơi vào vòng xoáy suy sụp hơn?", bà Sue Morris đặt câu hỏi.
Dù vậy, nếu những “griefbot” này có gây đau buồn cho một số người thì lịch sử cũng cho thấy các chuẩn mực xã hội liên tục thay đổi khi nói về những người đã khuất, Mary Frances O'Connor, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Căng thẳng xã hội, Mất mát và Đau buồn thuộc Đại học Arizona nhận định.
Theo Mary Frances O'Connor, khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến với công chúng vào thế kỷ 19, nhiều người chụp ảnh với thi thể của người thân và treo chúng trong phòng khách.
"Ngày nay, chúng ta nghĩ treo những bức ảnh này trong phòng khách thật đáng sợ nhưng nó rất phổ biến vào thời điểm đó".
Sự phát triển mạnh mẽ của các griefbot ở Trung Quốc
Khi AI nói chung trở nên phổ biến ở Trung Quốc, có một vài câu chuyện về những “griefbot” mới. Một người đàn ông Trung Quốc đã sử dụng AI để "tái tạo" người thân quá cố. Một blogger Thượng Hải 24 tuổi tên là Wu Wuliu đã gây chú ý trên mạng xã hội vào tháng 3 khi nói rằng anh đã huấn luyện cho một chatbot bắt chước người bà đã khuất của anh.
Đằng sau câu chuyện sử dụng AI “hồi sinh” người đã khuất để nói lời từ biệt - Ảnh 2.

Giống như chatbot ông của Yu, chatbot của Wu chỉ đưa ra những phản hồi hạn chế.
"Nhưng tôi cảm thấy thật tốt khi có thể nhìn thấy bà và trò chuyện nhiều hơn với bà", Wu chia sẻ.
Wu cho biết anh đã sử dụng Chat GPT mặc dù việc truy cập vào nền tảng này đã bị hạn chế ở Trung Quốc từ 24/2.
"Tôi ước tôi nhìn thấy video này sớm hơn. Bà của tôi đã qua đời vào mùa đông năm ngoái. Tôi đã không chuẩn bị. Tôi không có bất kỳ bản ghi âm hay bức ảnh rõ nét nào của bà", một bình luận hàng đầu trên trang của Wu chia sẻ.
Trong Lễ Thanh minh năm nay, một nghĩa trang ở Trung Quốc đã sử dụng phần mềm GPT và AI bắt chước giọng nói để tái tạo những người được chôn cất trong các cơ sở của họ. Nghĩa trang này cho biết hàng nghìn người đã sử dụng nền tảng của họ và chi phí là khoảng 7.300 USD để tái hiện một người đã khuất.
Việc tìm kiếm kết nối con người thông qua chatbot trở nên ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Xiaoice, một trợ lý chatbot Trung Quốc 2018 đã xuất hiện với hình dáng một cô gái tuổi teen đã có hơn 660 triệu người sử dụng. "Cô gái" này có thể là một người bạn tâm giao và có thể nhận quà từ người hâm mộ.
Đằng sau câu chuyện sử dụng AI “hồi sinh” người đã khuất để nói lời từ biệt - Ảnh 3.

Các phiên bản trước đó của “griefbot” đã xuất hiện ở một số nơi khác trên thế giới. Một vài công ty và dự án nghiên cứu tại Mỹ cũng cung cấp các griefbot, chẳng hạn như Replika.
Tại Canada, một người đàn ông tên là Joshua Barbeau đã tái hiện người bạn gái quá cố vào năm 2021 sử dụng Project December. Bạn gái của Barbeau qua đời sau khi mắc một căn bệnh hiếm gặp cách đây 8 năm và anh chia sẻ với The San Francisco Chronicle rằng việc trò chuyện với chatbot giúp anh hàn gắn những mất mát trong lòng.
Một bộ phim tài liệu Hàn Quốc mang tên "Meeting You" đã khắc họa khoảnh khắc một người mẹ trẻ đoàn tụ với cô con gái 7 tuổi đã mất bằng công nghệ thực tế ảo. Một số người xem lo ngại chương trình thao túng cảm xúc nhưng người mẹ trong tập phim cho biết cô cảm thấy vô cùng biết ơn về trải nghiệm này và nói rằng nó giống như "một giấc mơ đẹp".
Vấn đề đạo đức
Tuy nhiên, griefbot và các sản phẩm phát sinh từ nó có thể đặt ra những tình huống khó xử nghiêm trọng về đạo đức, Giáo sư Lu nhận định.
Theo ông, danh tính của người đã khuất có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Họ có thể cung cấp dữ liệu của người này cho AI, sau đó giả vờ là nhà ngoại cảm giao tiếp được với linh hồn người đã khuất.
Bên cạnh đó, Giáo sư Lu cũng đề cập đến thách thức trong việc thu thập sự đồng ý từ người đã qua đời.
"Trong tương lai khi mọi người đều biết về công nghệ này, có lẽ bạn có thể ký một tài liệu nói rằng con cháu có thể sử dụng kiến thức của mình hoặc không".
Công ty HereAfter.AI có trụ sở tại Mỹ đã cung cấp một tùy chọn trải nghiệm cho những người đăng tải các đặc điểm của mình lên mạng. AI sẽ tìm hiểu từng người qua những hình ảnh, nhật ký âm thanh và bảng hỏi rồi tạo thành một hình ảnh đại diện số hóa để có thể trò chuyện với bạn bè và gia đình họ sau khi họ qua đời.
Người sáng lập công ty này - James Vlahos đã dành nhiều tháng ghi lại cuộc sống và ký ức của người cha bị bệnh nan y, để cung cấp dữ liệu cho "Dadbot" sau khi ông không còn nữa.
Thế nhưng, Giáo sư Lu cho rằng hầu như ít có ai qua đời trong thời đại hiện nay cho phép điều đó được thực hiện. Nếu họ không đồng ý, đó sẽ là vấn đề nan giải, thậm chí cả khi người sử dụng thông tin cá nhân là con cháu họ.
"Điều đó không có nghĩa là nếu một người qua đời thì những người khác có quyền công khai sự riêng tư của người đó, thậm chí cả người thân trong gia đình", Giáo sư Lu cho hay.
Với Yu, kỹ sư phần mềm, chatbot ông của anh không còn nữa. Yu quyết định xóa nó và nói rằng anh sợ rằng mình sẽ quá phụ thuộc vào AI để được hỗ trợ về cảm xúc.
"Những cảm xúc đó có lẽ sẽ nhấn chìm tôi, khiến cho tôi không thể làm việc và sống cuộc đời của riêng mình", Yu chia sẻ.
 
Bên trên