TRng
Well-known member
Hình thành gần 200 năm, Hổ Quyền ở Huế là đấu trường chết chóc giữa những con hổ dũng mãnh và các chú voi khổng lồ.
Di tích Hổ Quyền nằm trong Quần thể di tích của Cố đô Huế, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1993. Đây là đấu trường đặc biệt được xây dựng để tổ chức các trận đấu sinh tử giữa voi và hổ, phục vụ nhu cầu giải trí của nhà vua, quan lại và dân chúng.
Đấu trường Hổ Quyền được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng, tọa lạc tại phường Thủy Biều, quận Thuận Hóa, TP Huế, cách Kinh thành Huế khoảng 4km. Di tích này đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) ngày 26.9.1998.
Đấu trường Hổ Quyền có hình dạng vành khăn với hai vòng tường thành, thiết kế gợi nhắc đến kiến trúc đấu trường La Mã cổ đại (Roma, Italy). Vòng tường trong có chiều cao 5,9m và vòng tường ngoài cao 4,75m, nghiêng một góc từ 10 đến 15 độ, giúp tạo sự vững chắc.
Chu vi vòng tường ngoài là 145m, đường kính của lòng chảo là 44m, thiết kế chắc chắn để bảo đảm an toàn cho khán giả trong các trận đấu. Tường xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa, đảm bảo vững chãi, đến nay công trình vẫn còn nguyên vẹn dù đã tồn tại gần hai thế kỷ.
Vị trí cao nhất trong khu vực là nơi để nhà vua ngồi xem trận đấu giữa voi và hổ, bên trái là các bậc thang dành cho vua quan, còn bên phải dành cho các quan lại và binh lính.
Đối diện với khu vực khán đài của vua là hệ thống 5 chuồng hổ được xây dựng từ hai vòng tường thành và các bức vách tạo ra các chuồng riêng biệt, gồm 3 chuồng nhỏ và 2 chuồng lớn.





