Dazai Osamu - một trong những nhà văn hiện đại của Nhật Bản

linh_449

Linh Linhh
Dazai Osamu được xem là một trong những nhà văn hiện đại của Nhật Bản có tác phẩm được dịch ra ở phương Tây sớm nhất kể từ sau Thế chiến II. Những tác phẩm của ông phản ánh vô cùng chân thực tâm thức của người dân Nhật Bản sau chiến tranh, nỗi niềm hoang hoải về một thời quá vãng, cũng như tâm thức tuyệt vọng, sụp đổ niềm tin vào một đế chế vẫn luôn tự hào là hậu duệ thần Mặt trời.
Tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Dazai là Thất lạc cõi người, một tiểu thuyết mang yếu tố tự thuật của tác giả, được viết dưới dạng ghi chép của chàng trai trẻ tên là Oba Yozo (phần này khá giống với những lá thư tự sự của một thanh niên điều trị bệnh trong Viện điều dưỡng Kenkodojo ở Chiếc hộp Pandora), miêu tả tâm tư của cậu khi không thể hiểu được con người sao có thể hành động như thế. Yozo từ nhỏ đã hoài nghi con người dẫn đến những hành vi điên rồ nhằm chứng tỏ bản thân, rồi dằn vặt lương tâm, triền miên trong những đêm dài mâu thuẫn nên sống tiếp hay tự vẫn. Điều này khá giống với xuất thân của chính tác giả. Ông sinh ra trong một gia đình đại địa chủ ở vùng Nagaki, quận Aomori, cha là quan chức cao cấp, mẹ là quý tộc nhưng ông chẳng lấy làm tự hào với thân phận ấy. Ngược lại ông luôn hồ nghi liệu bản thân có phải con ruột của gia đình Tsushima hay không. Việc ép mình vào khuôn phép trong một gia đình quý tộc khiến ông luôn cảm thật nghẹt thở. Vậy nên Thất lạc cõi người là một bi kịch lúc nào cũng có cảm giác mình bị bỏ rơi, thiếu thốn tình thường, và cũng là nỗi mặc cảm rằng mình không xứng đáng được sống khi phải sống trong một xã hội đề cao sự hoàn hảo, coi trọng xuất thân.
Tà dương của Dazai cũng mang hơi hướm hoài niệm về một thời xa vắng và ý thức tự hủy của một gia đình quý tộc. Tiểu thuyết là câu chuyện về một danh gia vọng tộc đang trên đà sa sút, rơi vào khủng hoảng, khi những giá trị truyền thống bị xem nhẹ. Các nhân vật trong truyện như chới với giữa ánh chiều tà, loay hoay khẳng định vị thế của gia tộc , mà không biết rằng tất cả đã qua. Người giữ lại ý niệm "quý tộc" nhất chính là người mẹ, vẫn bền bỉ giữ gìn ánh sáng leo lét của vầng hào quang danh giá, là điểm tựa cho những đứa con trong gia đình, như cũng như cây đèn cạn dầu, bệnh tật liên miên cũng đến lúc tắt lịm.
Chiếc hộp Pandora lại là câu chuyện hoàn toàn khác so với Thất lạc cõi người hay Tà dương. Chúng ta tưởng rằng sẽ tìm thấy những bi ai, những suy nghĩ tiêu cực dễ khiến người ta sa ngã vào niềm đau đớn của kiếp người ư? Không hề! Có thể nói Chiếc hộp Pandora như một liều thuốc an thần xoa dịu những con người khốn khổ, gieo cho họ một mầm cây hy vọng. Giống như con thuyền của Noah trong sự kiện Đại hồng thủy mà Chúa đã trừng phạt loài người, cuốn sách của Dazai mang theo cái hương vị nhiệt huyết của tuổi trẻ trong công cuộc tái thiết một nước Nhật mới. Tác giả đã để cho nhân vật của mình tỏa sáng dù cho đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, giống như người dân Nhật Bản, rũ bùn đứng lên, sáng lòa, con người khi bước ra từ nỗi đau mà vẫn giữ được nét ngây thơ trong sáng chính là sự thanh cao bậc nhất.
 

Đính kèm

Bên trên