Đề xuất tham quan định kỳ trụ sở UBND TP HCM

Duy Minh

Well-known member
Sở Du lịch đề xuất tổ chức tham quan định kỳ trụ sở HĐND và UBND TPHCM ở số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 vào các ngày lễ, Tết dương lịch.

Sở Du lịch đề xuất ba phương án tham quan công trình kiến trúc nổi tiếng này trong thời gian tới.

Cụ thể, với phương án một từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ mở thêm ba đợt vào các ngày lễ lớn như kỷ niệm thành phố chính thức mang tên TP HCM vào 2/7; Quốc khánh 2/9 và chào mừng năm mới 2024. Thời gian vào hai ngày cuối tuần, bắt đầu từ 8h và 14h, mỗi đoàn tham quan sẽ cách nhau 15 phút. Thành phố dự kiến đón 168 đoàn với khoảng 5.040 khách.

Ở phương án hai, số đợt tham quan tăng lên 9, ngoài ba đợt như phương án một, còn thêm các ngày kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6), cách mạng Tháng Tám thành công (19/8); Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9), Nam kỳ khởi nghĩa (23/11); tuần lễ Du lịch TP HCM (2/12).

Dự kiến có 504 đoàn với 15.120 khách tham quan. Thời gian thực hiện giống phương án một.
1684294664354.png

Ở phương án ba, thành phố sẽ tổ chức 8 đợt định kỳ vào thứ bảy, chủ nhật cuối cùng hàng tháng. Việc tham quan sẽ bắt đầu từ tháng 5 với khung giờ giống với các phương án trên. TP HCM dự kiến đón khoảng 13.440 du khách thuộc 448 đoàn tham quan.

Sở Du lịch đề xuất áp dụng phương án ba bởi tổng số ngày tham quan đáp ứng được nhu cầu, lịch tổ chức cố định, dễ nhớ, khoảng cách giữa các lần hợp lý, thuận lợi cho xây dựng chương trình và góp phần kích cầu du lịch. Đơn vị an ninh thuận lợi hơn trong điều phối lực lượng.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là thời điểm tổ chức các đợt tham quan không gắn với các ngày lễ, ngày kỷ niệm như các phương án khác.

Trước đó, ở lần đầu tiên đón khách vào dịp lễ 30/4 và 1/5, trụ sở HĐND và UBND thành phố đã đón hơn 1.500 khách tham quan.

Trụ sở HĐND và UBND TP HCM được xây dựng trong 20 năm, bắt đầu từ năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.

Thời Pháp, tòa nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP HCM.

Cùng với Nhà hát Lớn, Bưu điện, Tòa án nhân dân..., trụ sở UBND thành phố là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TP HCM. Năm 2020, tòa nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
 

Đính kèm

Bên trên