Đi tìm giá trị của tuổi trẻ

Nguyễn May

Well-known member
Do tâm lý lứa tuổi, không ít người trẻ thường cảm thấy mơ hồ, mông lung, vô định trước ngưỡng cửa tương lai, băn khoăn đi tìm câu trả lời “tôi là ai” và đầy hoài nghi khi nhìn nhận bản thân. Những trang sách về tuổi trẻ ra đời những năm gần đây đưa người đọc bước vào hành trình đi tìm và khẳng định giá trị của mình.

Tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII vừa được tổ chức, cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyễn đã được vinh danh ở hạng mục “Sách được bạn đọc yêu thích” cho thấy mức độ quan tâm và yêu thích của độc giả cho cuốn sách nói riêng và cho đề tài dành cho người trẻ nói chung. Tại sao “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” lại được yêu thích đến vậy?

sach-moi.jpg
Một cuốn sách viết cho người trẻ mới xuất bản.

Có lẽ là bởi, thay vì những trang viết chia sẻ cảm xúc đơn thuần, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” thuộc “phe hành động”. Cuốn sách được chia làm 5 phần: “Tôi đã học như thế nào?”, “Học đi đôi với hành”, “Đi cũng là một cách tự học”, “Lấp lánh trước khi tỏa sáng” và “Quà tặng kèm”. Ngay từ những trang đầu, tác giả Rosie Nguyễn đã viết: “Khi đã đi qua gần hết thời đôi mươi, ngấp nghé ở ngưỡng ba mươi, nhìn lại tôi mới thấy tiếc nuối. Thấy bây giờ cuộc sống có quá nhiều cơ hội, nhiều điều phải làm, nhiều thứ để học, mà mình lại không có đủ thời gian cho ngần ấy thứ. Nghĩ nếu mà mình biết những điều này khi còn đi học, khi mình còn trẻ tuổi, chắc hẳn cuộc sống mình sẽ khác, chắc mình sẽ bớt đi nhiều vất vả gian nan”. Và “nếu có thể quay ngược quá khứ, trở lại thời mười tám đôi mươi”, Rosie Nguyễn sẽ đầu tư cho sức khỏe bằng luyện tập thể lực, sẽ đọc sách để “không những nâng cao kiến thức mà còn tạo động lực thúc đẩy ta hành động tốt hơn”, sẽ học trực tuyến trên mạng thay vì ngồi thương khóc một mối tình đã chết, sẽ can đảm bước ra khỏi vùng an toàn để đi du lịch bụi, từ đó hiểu đời hiểu người hơn sau mỗi chuyến đi, sẽ làm nhiều hoạt động thiện nguyện, sẽ làm thêm để có các mối quan hệ, để học cách giao tiếp và xử lý tình huống...

Nhà báo Trương Anh Ngọc trong cuốn sách “Đi khi ta còn trẻ” khẳng định: “Tuổi trẻ và năng lực dồi dào tạo ra một nguồn động lực lớn cho việc khám phá. Không có cách khám phá bản thân nào tốt nhất bằng việc tự đặt chính ta vào những hoàn cảnh buộc ta ra quyết định và hành động”. Sống tích cực, tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này và nhìn lại chính bản thân mình để hiểu tại sao mình phải hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi người. Chúng ta cần quan tâm đến những người khác, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm hơn đến những giá trị bên trong mình.

Những năm gần đây, có khá nhiều cuốn sách viết cho người trẻ được xuất bản, thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ sách của nhà báo Phan Đăng với “39 câu hỏi cho người trẻ” và “39 cuộc đối thoại cho người trẻ” là những trang viết sắc sảo và đầy sức nặng. Nếu các câu hỏi là những gợi mở cho người trẻ trên con đường tìm kiếm câu trả lời thì các cuộc đối thoại mang đến những câu chuyện, những thông điệp được chắt lọc từ kinh nghiệm và vốn sống dạn dày của 39 trí thức đến từ nhiều lĩnh vực và thuộc nhiều thế hệ như GS.TS Trần Ngọc Vương, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, nhà văn Nguyễn Bình Phương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng... Qua đó giúp độc giả trẻ biết thêm về lẽ đời, lẽ người, hiểu thêm về những được - mất, thăng - trầm trong cuộc sống.

Với tác giả Ngô Di Lân, thông điệp anh gửi đến người trẻ Việt trong cuốn sách “1% mỗi ngày - không ngừng chinh phục bản thân” đó là: “Điều chúng ta cần làm là luôn cố gắng để hoàn thiện hơn mỗi ngày”. Những trang sách được Ngô Di Lân bắt đầu với mục tiêu thôi thúc độc giả trẻ suy xét kỹ lưỡng khi đọc, thậm chí lên tiếng phản biện. Và như thế, giữa người viết và người đọc như có một cuộc đối thoại đầy màu sắc mà qua đó người đọc trẻ có thể tìm thấy những gợi ý để tự tin bắt đầu hay bước tiếp.

Cũng mang ý nghĩa khơi mở, “Trò chuyện cùng Gen Z” - cuốn sách được biên soạn từ những cuộc trò chuyện của chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, giúp bạn đọc “có thể tự đặt câu hỏi gần đúng nhất cho chính mình trước mỗi tình huống cụ thể. Có câu hỏi đúng tất sẽ có câu trả lời thích hợp”. Ông chia sẻ: “Trong cuộc đời, các bạn sẽ phải học hoài học mãi. Học để thích nghi với cuộc sống, học để không bị bỏ lại. Vì vậy, các bạn cần có một nền tảng trí tuệ và kiến thức tốt để biết nên học như thế nào, học cái gì nhằm phục vụ cho những mục tiêu ngắn hay dài hạn trong cuộc đời của bạn”.

Ngoài ra, có 2 cuốn sách “chữa lành” cho người trẻ được nhiều độc giả quan tâm là “Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi của cuộc đời mình” của tác giả Amber Rae và “Mọi câu trả lời đều có trong ta” của nhóm Limdim mà thông điệp gửi đến người trẻ đơn giản là: “Hãy trở thành viên kim cương rực rỡ, hoặc chỉ là một chiếc lá xanh rung rinh trong nắng, một dòng suối róc rách hát ca, một tia nắng sớm mai hiền lành... Không sao cả nếu chúng ta là một điều bình thường nhỏ bé. Bởi chỉ cần được sống là mình, bạn sẽ thấy cuộc đời trọn vẹn biết bao...”.
 
Bên trên