Đi tìm xe bánh bò hiếm hoi giữa lòng Hà Nội

Thanh Tuấn

Well-known member
Để thưởng thức bánh bò trắng, thực khách phải tìm mỏi mắt mới thấy xe đẩy duy nhất còn bán thứ quà dân dã một thời của người dân phố cổ Hà Nội.
Nhắc đến bánh bò, người ta thường nghĩ ngay đây là món chỉ có ở miền Nam. Nhưng ít ai biết rằng, ở khu vực phố cổ Hà Nội, cùng với bánh đậu xanh lá dứa, bánh chín tầng mây, có món bánh bò cũng được coi là thức quà chiều gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Được người dân quanh khu phố cổ giới thiệu, tôi tìm đến xe bánh bò duy nhất vẫn còn bán của chị Nguyễn Thị Lệ Hằng.
Chị Hằng (áo kẻ) đẩy xe bánh bò đi quanh khu vực phố cổ buổi chiều từ khoảng 14 giờ 30 phút đến 18 giờ. Ảnh: Thạch Lựu
Chị Hằng (áo kẻ) đẩy xe bánh bò đi quanh khu vực phố cổ buổi chiều từ khoảng 14h30 đến 18h. Ảnh: Thạch Lựu
Chị Hằng sống ở Hàng Bún, nay gần 50 tuổi. “Tôi được mẹ chồng truyền cho nghề làm bánh bò. Cụ đi bán 40 năm quanh phố, sau đó đến lượt tôi kế nghiệp”.
Chị Hằng chia sẻ, từ khi nối nghiệp mẹ chồng, tính đến nay, cũng ngót nghét 26 năm chị ngày ngày đẩy xe bánh bò đi lang thang quanh khu phố cổ.
Theo chị Hằng kể, gia đình chồng của chị là người Hoa sinh sống tại khu phố cổ Hà Nội, lập nghiệp bằng nghề bán bánh bò.
Hỏi về tên bánh, chị Hằng giải thích ngắn gọn: “Do khi ủ bột có men, bột sẽ bò lên vành tô nên gọi như vậy”.
Qua 26 năm làm bánh cùng chồng, chị cho biết đây là loại bánh khó chiều, phải “ấp ủ” như con nhỏ thì mới ra được những mẻ bánh chất lượng. Món bánh này ngày càng vắng bóng có lẽ cũng vì thế.
Gạo làm thành bột bánh bò là gạo 203, được tuyển chọn kỹ càng. Không chọn gạo quá mới vì khi làm, bánh bị dính, không có độ xốp. Trải qua quá trình ủ cùng với một số nguyên liệu khác, đến khi bột nở đạt thì đem hấp chín. Chị Hằng và chồng thường bắt đầu làm mẻ bánh bò cho mỗi ngày vào khoảng 5h. Đến tầm 12h trưa là có bánh bán tại nhà.
Gọi bánh bò là món “khó chiều” vì ngoài kỹ thuật ủ còn có yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến độ nở, có thể làm bánh bị đặc. Mặt bánh đạt thường có nhiều bong bóng nhỏ do quá trình lên men và thoát khí khi hấp. Mỗi ngày, chị Hằng chỉ làm khoảng 8kg bánh bò. Thời gian hấp chín mất khoảng một tiếng rưỡi. Tuy vậy, chị vẫn hấp hoàn toàn bằng bếp củi vì bếp điện “không giúp bánh nở đạt như mong muốn”.
Bánh bò trắng như hoa buổi, xốp, mềm, thơm đặc trưng mùi men. Ảnh: Thạch Lựu
Bánh bò trắng như hoa buổi, xốp, mềm, thơm đặc trưng mùi men. Ảnh: Thạch Lựu
Ngoài làm bánh bò, chị Hằng còn làm thêm bánh đậu xanh lá dứa, bánh chín tầng mây vị hoa quả hoặc cà phê ca cao. Bởi thế, dạo quanh trên phố rất dễ nhận ra xe hàng của chị. Một người phụ nữ nhỏ nhắn, đầu đội nón, chậm rãi đẩy chiếc xe với cái bánh bò to, tròn, trắng như hoa bưởi được che kín bằng lớp khăn. Bên cạnh là bánh chín tầng mây vị hoa quả xanh xanh, đỏ đỏ nhìn rất thích mắt. Khách đến mua hàng, chị Hằng sẽ lật miếng vải ra, khéo léo lấy dao bản to cắt bánh bò thành miếng chữ nhật vừa ăn.
Mới nhìn qua bánh bò, thường mọi người sẽ nghĩ bánh giống bánh bao. Tuy nhiên, khi cầm chiếc bánh lên tay, ngửi rõ ngay thấy mùi men thơm trộn với mùi gạo. Lấy tay xé miếng bánh nhỏ, đưa vào miệng, người ăn cảm nhận độ mềm, xốp, có chút dai nhẹ. Ngay sau đó là vị chua dịu, đong đưa với cái ngọt rất thanh khiến ai ăn lần đầu cũng phải tò mò mà nếm miếng tiếp theo.
Xe đẩy của chị Hằng mang theo bao thức quà chiều mà ai ngày bé cũng ao ước được ăn. Ảnh: Thạch Lựu
Xe đẩy của chị Hằng mang theo bao thức quà chiều mà ai ngày bé cũng ao ước được ăn. Ảnh: Thạch Lựu
Khách đến mua bánh, cần bao nhiêu thì chị Hằng cắt từng đó. Chủ yếu là khách quen quanh phố cổ, ăn từ khi mẹ chồng chị bê mâm gỗ có chân gập đến lúc chị đẩy xe đi bán. Chị Nguyễn Thu Trang (38 tuổi) chia sẻ đây là món quà chiều hồi còn sống ở phố Phan Huy Ích, chị rất thích. Chị vẫn nhớ như in ngày đó, đứa trẻ con nào như chị đều ngóng cổ ra ngoài đường, chờ cô bán bánh bò cắp cái mẹt đi rao: “Ai bánh bò”.
Ngày nay, giữa bao thức quà hiện đại, miếng bánh bò nhẹ như bông vẫn được người dân yêu thích như vậy có lẽ không chỉ bởi hương vị độc đáo. Đây còn là thức quà tuổi thơ giản dị ai cũng từng mỗi buổi chiều, đứng ngoài cửa trông, háo hức vểnh tai nghe tiếng rao “ai bánh bò” để xin mẹ mua cho.
 
Bên trên