Điều gì khiến eSport ngày càng hấp dẫn

quan03

Trần Anh Quân
Số người chơi đông đảo, quy mô thị trường lớn, nhiều ông lớn rót vốn... giúp bộ môn thể thao điện tử gia tăng tính hấp dẫn theo thời gian.

Năm 2009, game Liên Minh Huyền Thoại ra mắt, khái niệm thể thao điện tử cũng bắt đầu manh nha. Những người lạc quan nhất cũng không thể nghĩ rẳng hơn 10 năm sau, thể thao điện tử thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp game toàn cầu.

Technavio dự báo giai đoạn 2022-2027 quy mô thị trường sẽ tăng thêm hơn 351 triệu USD, mức tăng trung bình 21,81% mỗi năm. Khu vực châu Á -Thái Bình Dương sẽ chiếm 43% tăng trưởng của thị trường. Trước đó, năm 2017 đơn vị này định giá thị trường thể thao điện tử toàn cầu là 927,95 triệu USD.

Thể thao điện tử có một lượng khán giả khổng lồ không thua kém bất cứ môn thể thao truyền thống nào. Năm 2022, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSport là 532 triệu người, theo Newzoo. Với tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% (giai đoạn 2020-2025), đơn vị này dự báo, sẽ có hơn 640 người theo dõi bộ môn này vào năm 2025.

eSport trở thành một trong những ngành có bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh:VIRESA.

eSport trở thành một trong những ngành có bước phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh:VIRESA.

Sự tăng trưởng của thể thao điện tử cùng tiềm năng sinh lời, khiến nhiều ông lớn không tiếc tiền đầu tư vào các đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp. Họ cũng tổ chức các giải đấu lớn hoặc thâu tóm những công ty phát hành game.

Theo đó, Samsung chi hàng triệu USD tổ chức World Cyber Games - giải đấu eSport tầm quốc tế với sự góp mặt của 17 quốc gia khác nhau vào năm 2000 với gải thưởng là 200.000 USD và nâng lên tới hai triệu USD ba năm sau đó. Tập đoàn Tencent cũng từng bỏ ra số tiền khổng lồ mua 93% cổ phần của Riot Games, nổi tiếng với hai game Liên Minh Huyền Thoại tháng 2/2011.

Tại Việt Nam, thể thao điện tử không nằm ngoài sự sôi động của thế giới. Theo số liệu từ Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA), năm 2020 lượng người chơi các bộ môn thể thao điện tử là 18 triệu người. Đây cũng là năm thể thao điện tử trở thành bộ môn thi đấu chính thức tại SEA Games 31, khi Việt Nam đăng cai tổ chức.

Thời gian qua, Việt Nam tổ chức nhiều giải đấu chuyên nghiệp như: hệ thống giải Vietnam eSports Championship (VEC) và Giải sinh viên toàn quốc UEC - University eSports Championship (UEC) của VIRESA. Các giải đấu tự phát khác có giải thưởng lớn cho game thủ như mùa giải VCS hè 2022 tiền thưởng 1,2 tỷ đồng, WCS Việt Nam 2022 tổng giá trị giải thưởng 3,7 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội phát triển thể thao điện tử tại Việt Nam. Năm 2021, CMG.ASIA và NRG eSport hoàn tất thương vụ mua lại đội GAM của game Liên Minh Huyền Thoại, đội tuyển hàng đầu tại Việt Nam với khoản tiền không tiết lộ. Ông Andy Miller, đồng sáng lập kiêm CEO NRG cho rằng Việt Nam là nơi hoàn hảo để khởi động sự mở rộng toàn cầu của NRG.

Đại diện VTC Game cho biết, thể thao điện tử Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển với dự báo tăng trưởng 28% trong 5 năm tới, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Phong trào tập luyện thường xuyên diễn ra từ cấp độ nghiệp dư cho đến chuyên nghiệp, hệ thống giải phong trào trong sinh viên cũng được chú trọng. Các nhà đầu tư, nhà tài trợ cũng sẵn sàng bỏ ngân sách vào eSport để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, điều này giúp cải thiện nhiều cho các vận động viên đi theo con đường chuyên nghiệp.

Về hướng phát triển bền vững, vị đại diện VTC Game cho hay, eSports Việt vẫn còn nhiều bài toán phải giải như: xây dựng được hệ thống quản lý chuyên nghiệp; hệ thống giải vô địch quốc gia các cấp độ định kỳ; quy chuẩn hành xử trong và sau thi đấu; hệ thống khen thưởng, kỷ luật; hợp đồng chuyên nghiệp giữa các vận động viên và câu lạc bộ chủ quản. Đặc biệt, cần phải có các cơ sở giáo dục, đào tạo, quản lý và xem eSports là một nghề. Người học eSports trở thành streamer, saster - bình luận viên, huấn luyện viên... làm việc cho tại công ty games.

Hiện số lượng game thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam khoảng 1.000 dựa trên thống kê về thành tích, thu nhập qua các giải thi đấu, theo đại diện VTC. Ngoài GAM đã được rót vốn bởi một doanh nghiệp nước ngoài, các câu lạc bộ eSport khác tại Việt Nam vẫn còn phát triển theo hướng tự phát. Các game thủ chuyên nghiệp có tuổi đời ngày càng ngắn (18-23 tuổi) và bị đào thải nhanh chóng bởi các lớp kế cận tài năng và nhiệt huyết hơn.

Theo eSports earning,Việt Nam đang xếp thứ 23 thế giới, hạng 5 Đông Nam Á sau Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia về thu nhập từ thi đấu thể thao điện tử chuyên nghiệp.
 
Bên trên