"Đỉnh kinh" - Những ám ảnh giàu thông điệp

Nguyễn May

Well-known member
Với văn chương, ngoài tài năng còn phải có đủ vốn sống, vốn từ. Bùi Tuấn Minh chứng minh anh là nhà văn đã trải nghiệm, chắc tay khi đặt đề tài vào trong các tầng văn hóa khác nhau.

Tháng 12/2024, nhà văn, Trung tá Bùi Tuấn Minh giới thiệu với bạn đọc yêu văn học và đồng nghiệp tập truyện ngắn Đỉnh kinh, NXB Hội Nhà văn. Tập sách gồm 17 truyện ngắn, trong đó đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thể hiện đậm nét.

Đỉnh kinh - Những ám ảnh giàu thông điệp - 1

Nhà văn Bùi Tuấn Minh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Phần lớn các tác phẩm trong tập truyện ngắn Đỉnh kinh đã từng nhận được giải thưởng trong các cuộc thi viết về đề tài người lính, về lực lượng Công an nhân dân. Có thể điểm ra một số tác phẩm tiêu biểu trong tập sách như truyện ngắn Phía khuất, giải A cuộc thi sáng tác văn học nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ, do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Bộ Công an tổ chức năm 2023.

Nội dung tác phẩm Phía khuất xoay quanh câu chuyện về một chiến sĩ công an được tăng cường sang chiến trường Campuchia.

Bùi Tuấn Minh đã kể chuyện về Cảnh trong Phía khuất đầy tình huống bất ngờ. Họ đã đối mặt trong một tình huống đầy gay cấn. Và trong tình huống nào, người lính như Cảnh luôn ngời sáng phẩm chất dũng cảm, thông minh, dám xả thân vì cuộc sống yên bình của đất nước Campuchia, vì tình hữu nghị của hai dân tộc.

Không chỉ riêng Phía khuất, đề tài về người lính nói chung, người chiến sĩ công an nói riêng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Campuchia còn có mặt trong truyện ngắn Trở lại Nongchan, Doi biển, Bình minh Drắc Drao.

Đỉnh kinh - Những ám ảnh giàu thông điệp - 2

Nhà văn Bùi Tuấn Minh (phải) và tác giả bài viết - nhà thơ Ngô Đức Hành (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bình minh Drắc Drao từng đoạt giải B trại sáng tác văn học do Bộ Công an phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2022 nhân dịp Kỷ niệm 60 năm lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Qua từng tác phẩm, tác giả đã gợi lên những giai đoạn lịch sử của đất nước, truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn về lòng vị tha, tình yêu cuộc sống, con người.
Truyện ngắn Đỉnh kinh, tác phẩm được lấy tựa đề làm tên chung cho tập sách cũng đã đoạt giải B cuộc thi viết về lực lượng ngoại tuyến, Bộ Công an. Với cách dựng truyện thông minh, cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ hàm súc và tiết chế, tác giả đã làm nổi bật hình tượng cao đẹp của người lính.

Đỉnh kinh - Những ám ảnh giàu thông điệp - 3

Bìa tập truyện ngắn "Đỉnh kinh" (Ảnh: NXB Hội Nhà văn).

Với văn chương, ngoài tài năng còn phải có đủ vốn sống, vốn từ. Bùi Tuấn Minh chứng minh anh là nhà văn đã trải nghiệm, chắc tay khi đặt đề tài vào trong các tầng văn hóa khác nhau. Mây trôi rừng chiều, Đáy hồ trăng hát, Mưa Ắng Bằng, Nơi bờ vực ngoái lại... thấm đẫm văn hóa dân tộc miền núi.

Bùi Tuấn Minh tâm sự: "Tôi viết hơn một năm, tâm huyết, đầu tư kỹ lưỡng cho tác phẩm này". Điều tác giả chia sẻ, bao hàm ý tứ cả về phương diện lao động văn học, nghiêm túc, miệt mài, đến hình thức sang trọng, kỹ lưỡng của tác phẩm.

Hiện nay Bùi Tuấn Minh là trung tá, giảng viên tại một mái trường đào tạo nhân lực của ngành Công an. Anh mê văn chương và đến với văn chương từ rất sớm. Năm 2006, ở tuổi 22, Bùi Tuấn Minh xuất bản tập sách đầu tiên, đến nay đã có 5 tập sách. Bùi Tuấn Minh là người đa tài, giàu năng lượng, sáng tác cả văn xuôi và thơ.

Nghĩ về nghiệp viết, nhà văn chia sẻ: "Văn chương luôn mang đến những giá trị tích cực, nhất là những giá trị nhân sinh, giúp tôi được sống trong những cuộc đời khác và thấy được nhiều hơn những điều tốt đẹp của con người".

Nhà văn, trung tá Bùi Tuấn Minh đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, như: Giải A cuộc thi sáng tác văn học của Bộ Công an về đề tài Hình tượng người chiến sĩ Cảnh vệ Công an nhân dân năm 2023; Giải A cuộc thi viết do Công đoàn Công an nhân dân tổ chức năm 2023, giải C năm 2021; Giải B trại sáng tác văn học của Bộ Công an về đề tài Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân năm 2022; Giải B cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng trinh sát ngoại tuyến, Bộ Công an năm 2024; giải thưởng cuộc thi viết của Bộ Giáo dục đào tạo năm 2021...

Đọc Đỉnh kinh của Bùi Tuấn Minh, nhà văn, đại tá Sương Nguyệt Minh nhận xét: "Dựng truyện khéo, cấu trúc chặt chẽ, ngôn ngữ hàm súc và tiết chế; viết văn bằng tâm thế của người trải nghiệm sống được chắp cánh tưởng tượng bay bổng... đã làm nên một cây bút truyện ngắn Bùi Tuấn Minh điềm tĩnh, sắc sảo, đôi khi lọc lõi". Theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, đọc Đỉnh kinh người đọc sẽ bị ám ảnh bởi sự bất chợt, chia ly mất còn.

Nhà văn, PGS. TS. Phùng Gia Thế, nhận định: "Truyện ngắn của anh hấp dẫn bởi chi tiết và tình huống. Truyện nào cũng ngồn ngộn chi tiết, nhưng đó là những chi tiết đã được chắt lọc, nghiền ngẫm và cảm xúc hóa, gắn với sự đa dạng của các tình huống truyện và chiều sâu tâm lý nhân vật".

Đọc Đỉnh kinh của Bùi Tuấn Minh cho thấy anh là người biết cách kể chuyện. Bút pháp xen lẫn, lồng vào nhau giữa phi hư cấu và hư cấu. 17 truyện ngắn trong tập thường có kết cấu bất ngờ đột biến, hoặc tương phản, hoặc liên tưởng.

Nói như nhà văn, thượng tá Nguyễn Thế Hùng, quan trọng là cách kể chuyện, chứ không nhất thiết phải là nội dung câu chuyện. Về mặt này, Bùi Tuấn Minh đã tạo nên một phong cách truyện ngắn mang tên anh.

Bùi Tuấn Minh là nhà văn thế hệ 8X, đang bước vào tuổi "chín" cuộc đời cũng như về sáng tạo văn chương. Tuổi 40 là đỉnh của mọi năng lượng trong đời mỗi con người. Anh hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ 2025-2030, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
 
Bên trên