Đoan Trường: Ấn Độ là một đất nước “cực đẹp, cực giàu, cực nghèo, cực giỏi, cực độc, cực đoan”

chanhhuy99

Well-known member
Ấn Độ là một đất nước vừa quen vừa lạ mà khi nhắc đến ít nhiều sẽ làm chùn bước những người ưa khám phá, thích mạo hiểm. Một đất nước được gắn liền với nhiều danh từ đáng sợ và tiêu cực như: dịch bệnh, đói nghèo, ăn xin, xâm hại, ô nhiễm, gia súc thả rông, dơ bẩn, kẹt xe, đeo bám, nói thách, bất bình đẳng, nhân quyền. Thế nhưng, đó có phải là tất cả những gì đặc trưng nhất về Ấn Độ mà nhiều người nhận xét?



Đoan Trường: Ấn Độ là một đất nước “cực đẹp, cực giàu, cực nghèo, cực giỏi, cực độc, cực đoan”
Nỗi băn khoăn cùng sự tò mò đã thôi thúc Đoan Trường thực hiện một chuyến đi trải nghiệm đến với cái nơi đầy rẫy định kiến. Đó cũng chính là lý do tại sao mãi cho đến tận hôm nay, sau nhiều lần chần chừ đắn đo vì những lời đồn, anh Trường mới chọn Ấn Độ là quốc gia thứ 54 cho chuyến đi đầy thú vị này!

Anh chia sẻ góc nhìn đa chiều về một “không như lời đồn”, một Ấn Độ với con người thân thiện, cảnh quan xinh đẹp, di tích mãn nhãn, phong tục khác lạ, ẩm thực giản đơn cùng với nền văn hóa đa sắc đã làm nên một một Ấn Độ “cực đẹp, cực giàu, cực nghèo, cực giỏi, cực độc, cực đoan” như bài viết cảm nhận sau đây:

Nội dung bài viết
Một quốc gia có quá nhiều cái “nhất” trên thế giới
Ấn Độ nằm trong top đầu các nước đông dân nhất, diện tích lớn nhất, hệ thống mạng xe lửa dài nhất trên thế giới. Top các đất nước có nhiều tôn giáo quan trọng, nhiều lễ hội nhất, nhiều Di sản văn hóa thế giới nhất, cung cấp nhiều nguyên liệu gia vị nhất, cung cấp nguồn nhân lực thuê bên ngoài cho ngành công nghệ thông tin nhiều nhất, là quốc gia lắm vàng nhất thế giới, cũng bị xếp hạng ô nhiễm nhất. Là cường quốc sản xuất phim ảnh Bollywood đứng nhất, top các nền kinh tế lớn nhất. Là quốc gia có nhiều giáo đường nhất thế giới với hơn 300.000. Ấn Độ có số lượng bưu điện lớn nhất thế giới. Là nước sản xuất và tiêu thụ xoài lớn nhất thế giới. Là vương quốc bò lớn nhất thế giới. Là quốc gia thờ nhiều loài động vật nhất từ bò, khỉ, lợn cho đến rắn, chuột, voi. Do vậy, Ấn Độ cũng là nơi có nhiều vị Thần nhất.



Vùng đất của những mảng màu đối lập đến khó tin
Phụ nữ Ấn sau khi có chồng hầu như chỉ ở nhà chăm sóc, đưa đón con cái đi học và nội trợ. Việc kinh doanh, buôn bán là bổn phận và trách nhiệm của cánh đàn ông. Đàn ông bán quần áo, thức ăn, rau cải, trái cây, nước uống, thậm chí may vá, cắm hoa, đi chợ. Phong tục cưới hỏi ở đây là phụ nữ đi… cưới đàn ông nên khi bên nhà trai yêu cầu sính lễ, nhà gái phải đáp ứng đầy đủ nếu muốn kết hôn. Vì thế sau khi cưới, đàn ông phải ra đường bươn chải để kiếm tiền nuôi vợ con.

Người Ấn xem bò là một vị thần nên không ăn thịt bò, không nuôi bò do vậy bò được thả rông đi kiếm ăn khắp góc chợ, bãi rác. Đôi khi chúng được người dân cho ăn bánh mì, bánh ngọt, rau cải và hoa quả. Sự thật như đùa là bò ở đây là duy nhất trên thế giới không ăn cỏ mà ăn thức ăn của người. Người dân rất mừng rỡ khi được bò ị ngay trước cửa nhà vì mang đến sự may mắn, tài lộc. Một chú bò nằm chắn ngang giữa đường phố xe cộ dập dìu, thế là tắc đường, kẹt xe mà cũng chẳng có ai đến đuổi đi, ngay cả khách qua đường. Chú bò còn nằm đó thì các bác tài vẫn kiên nhẫn không bấm còi, vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Ngoài ra, nhiều nơi trong thành phố vẫn còn nhiều động vật và gia súc như chó-chim-khỉ-quạ-ngựa-bò đang sống chen lẫn và… tham gia giao thông cùng con người.



Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, quốc gia nằm trong top nghèo nhất thế giới này vẫn ‘sản sinh’ ra 70 triệu phú mỗi ngày.
Thủ đô New Delhi thật hoa lệ theo nghĩa đen “hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo”. Người giàu sống trong những biệt phủ xa hoa lộng lẫy hay các căn hộ sang trọng nằm ngay cạnh các trung tâm mua sắm sầm uất. Cách đó không xa, người nghèo sống trong những khu “nhà” ổ chuột hay nói chính xác hơn là những túp lều xập xệ rách nát dưới cái thời tiết khắc nghiệt xuống dưới 0 độ C vào mùa đông và hơn 45 độ C vào mùa hè.

Những người nghèo nhất chỉ kiếm được chưa tới 2 usd (48 ngàn vnđ) mỗi ngày bằng cách làm những công việc như khuân vác, quét dọn, rửa bát trong các quán ăn hay múa rối, làm xiếc, ca hát, đánh đàn và xin ăn trên đường phố. Nhiều cao ốc hiện đại mới xây sát bên cạnh những khu dân cư tồi tàn. Những chiếc xe hơi đời mới phóng vun vút trên đường phố, trong khi bên vệ đường là những người vô gia cư đang nằm co ro vì cái đói. Khác với sự lộng lẫy thường thấy trên những bộ phim Ấn Độ, tôi choáng váng khi chạm vào thực tế, sự nghèo khó của người dân nơi đây hiện diện mọi lúc mọi nơi. Mức sống cực thấp nên giá trị đồng tiền cũng thấp nhất.



Xứ sở của những điều đặc biệt, kỳ lạ và khó hiểu
New Delhi là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới như khói bụi, nguồn nước, không khí, rác thải. Quanh năm chìm trong một lớp bụi mờ nhưng nghịch lý là cả thành phố đang phủ đầy cây xanh, nằm giữa những cánh rừng rộng lớn, những công viên mát mẻ và những bãi cỏ xanh mướt dọc hai bên đường. Người dân thì vẫn vô tư đi bộ, tập thể dục và đặc biệt là tập yoga ngoài trời.

Thay vì gật đầu khi đồng ý như hầu hết các quốc gia khác, người Ấn lại lắc đầu, còn gật đầu lại là biểu hiện của sự từ chối. Những cái lắc lư đầu còn có hàm ý thay cho lời cảm ơn, sự đồng tình. Ra ngoài đường nếu thấy người lạ lắc đầu và mỉm cười với mình thì đó là thể hiện sự thân thiện. Khi mua một món đồ nào đó mà sau khi trả giá, nếu thấy họ lắc đầu thì có nghĩ là “OK”.


Đủ loại xe cộ chen chúc nhau chạy đầy đường mà chẳng theo một trật tự, biển báo nào hết, gần như mạnh ai nấy chạy. Trong đó, xe lam chiếm số lượng nhiều nhất và thuận tiện nhất. Các bác tài đua tốc độ cao, lạng lách, đánh võng điêu luyện, tự biết tránh (nhường) nhau, bất chấp làn đường và đèn giao thông nhưng kỳ lạ thay, hầu như chẳng bao giờ có tai nạn hay va quẹt xảy ra ?! Có lần tôi phải hét lên kinh hãi vì tưởng chừng chiếc xe lam đang chở mình như muốn đâm thẳng vào những chiếc xe máy chạy vun vút phía trước. Bạn cứ thử tưởng tưởng chỉ trên một con đường nhỏ có hàng trăm người đi xe máy, xe đạp, xe lam, xe kéo, taxi, xe hơi chen chúc nhau trên các con đường bụi bặm mú mịt cùng với những con vật đi lang thang, các em bé chạy khắp nơi, những người dân qua đường đông đúc, người vô gia cư nằm ngủ dọc theo các lề đường bên cạnh những hàng rong, nhà vệ sinh, bãi rác, bến xe dù. Điều này thật sự khiến bạn cảm thấy ngạt thở và cảm thấy kinh khủng.



Người Ấn không có thói quen đội mũ bảo hiểm khi chạy xe máy, thắt dây an toàn khi lái xe lam. Họ cũng không bao giờ chịu đội nón, che dù hay đeo khẩu trang mặc kệ nắng mưa, khói bụi, dịch bệnh.

Khi đi mua sắm, phải kiên nhẫn chờ cho tới 10h30 các cửa hàng, quán ăn mới mở cửa. Đây cũng là giờ ăn sáng của người Ấn. Còn dân công sở bắt đầu làm việc vào lúc 10h nên thường theo mang hộp cơm nhà làm.


Tiền tip là tiền thưởng cho những người phục vụ tận tình như lái xe, dọn phòng, hướng dẫn viên, nhân viên phòng vệ sinh, khuân vác, bồi bàn, nài voi… Tuy không bắt buộc nhưng tiền tip đã trở thành thông lệ nơi đây, nên tip từ 50 đến 100 Rupee (15 đến 30 ngàn vnđ) vì thu nhập hằng ngày rất thấp.


Thói quen “nói thách thật cao, mặc cả thật lâu” là nét đặc trưng mua bán của người Ấn, không chỉ ở chợ, điểm tham quan, quán ăn hè phố, quầy lưu niệm mà còn ngay tại các cửa hàng sang trọng có niêm yết giá rõ ràng. Trả giá nào cũng ‘dính’ vì người bán luôn nói thách từ 4 đến…6 lần. Những người trong đoàn tôi phải mất đến 20 phút để trả cái giá ban đầu từ 6.000 Rupee xuống còn 1.500 Rupee cho một chiếc khăn choàng, thế mà vẫn bị hớ bởi ngay sau đó, những người khác đã mặc cả được với giá 1.200 Rupee.

 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên