'Doanh nghiệp công nghệ là chìa khóa giúp Việt Nam hùng cường'

Từ Minh Quân

Well-known member
QUẢNG NINH - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những hiến kế của các doanh nghiệp công nghệ lớn tại VEFT 2023, và tin rằng đây là cơ sở để giúp Việt Nam thay đổi diện mạo.

Thông điệp được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2023 (VFTE) diễn ra sáng 11/12, tại Quảng Ninh. Hội thảo với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động" quy tụ nhiều lãnh đạo Chính phủ, chuyên gia, người đứng đầu doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ.

Theo Phó Thủ tướng ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã tận dụng được nhưng chưa mang lại nhiều sự thay đổi. Đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải có cách tiếp cận hoàn toàn mới. Trong đó, đội ngũ các doanh nghiệp làm công nghệ là chìa khóa cho lời giải Việt Nam có vươn ra thế giới mạnh mẽ hay không. "Đất nước có hùng cường hay không là do đội ngũ này quyết định", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kinh tế số góp phần tăng trưởng GDP Việt Nam

Trước phần chỉ đạo của Phó thủ tướng, mở đầu sự kiện, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ năm 2019 đến nay, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển. Trong đó, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%, tỷ trọng made in Việt Nam tăng từ 21 lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện Việt Nam có trên 1.400 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu đang tiến đến mốc 10 tỷ USD.

Ngoài ra, theo tham luận của ông Lê Bá Tân, Trưởng ban Kỹ thuật Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel kinh tế số chiếm 16,5% GDP tại Việt Nam năm 2023.Việt Nam cũng xây dựng kinh tế số với chiến lược đến năm 2025 định hướng đến năm 2023, trong đó, đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP năm 2025 và tối thiểu 30% GDP năm 2030.

Đơn cử tại tỉnh Quảng Ninh, kinh tế số cũng góp phần tạo đà tăng trưởng cho GRDP. Ông Cao Tường Huy, Phó bí thư Tỉnh uỷ dẫn chứng đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GRDP. Còn đến năm 2023, kinh tế số chiếm 1/4 GRDP của tỉnh. Để làm được điều này, chìa khóa cho sự phát triển là việc chuyểnnền kinh tế từ nâu sang xanh, trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng.

Doanh nghiệp mong muốn phủ sóng 5G toàn quốc

Ngoài nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế số, các chuyên gia tại hội thảo cũng hiến kế cho doanh nghiệp phát triển công nghệ 5G, mở rộng thị trường ra nước ngoài, áp dụng công nghệ số trong du lịch...

Ông Lý Quốc Chính, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông(VNPT) cho biết doanh nghiệp cần tạo ra một hệ sinh thái các ứng dụng trên nền tảng 5G.

Chuyên gia từ Viettel Lê Bá Tân, cũng nhấn mạnh 5G là nền tảng kết nối không thể thiếu trong chuyển đổi số ngành công nghiệp với ưu điểm tốc độc cao, độ trễ thấp, vùng phủ sóng rộng, đáp ứng chất lượng đa dịch vụ...

Song song đó, 5G còn đem đến lợi ích trong khía cạnh phát triển du lịch. Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng Ban Chuyển đổi số Tổng Công ty viễn thông MobiFone, cho biết 5G đang hỗ trợ phát triển ngành du lịch như: kết nối robot giám sát sân bay, kết nối chia sẻ thông tin du lịch mạng xã hội, đảm bảo các hành trình diễn ra thông suốt, hỗ trợ (trợ lý) tại các sân bay, smart hotel, hỗ trợ truyền thông tin khẩn cấp tại sự kiện (khu du lịch)...

Ngoài ra, tại diễn đàn, đại diện cho doanh nghiệp công nghệ, ông Phạm Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty NTQ Solution có 10 phút chia sẻ về kinh nghiệm đưa dịch vụ IT của Việt Nam vươn tầm thế giới. Tham luận gồm hai nội dung tổng quan về thị trường toàn cầu và bài học kinh nghiệm phát triển dịch vụ IT của NTQ tại nước ngoài.

Sau ba giờ thảo luận, hội thảo kết thúc lúc 11 giờ. Bên cạnh các phiên thảo luận, điểm nhấn của VFTE 2023 còn nằm ở các gian hàng triển lãm đến từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, giao thông vận tải.

Sự kiện còn có hoạt động trao giải "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2023". Trong đó, Top 40 được trao giấy chứng nhận và hoa cùng lúc. Sau đó, Ban tổ chức vinh danh các giải Vàng, Bạc, Đồng cho bốn hạng mục riêng. Bốn sản phẩm nhận giải Vàng gồm:

- Sản phẩm công nghệ số tiềm năng: Hệ thống robot Delta trong sản xuất bánh kẹo - Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ cao VAS

- Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho thị trường nước ngoài: Trung tâm phát triển toàn cầu (Global Development Center - GDC), Công ty Cổ phần NTQ Solution

- Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho xã hội số: Nền tảng truyền hình số trực tuyến quốc gia VTVgo, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam

- Sản phẩm số xuất sắc cho Kinh tế số: Nền tảng hậu cần GHTK app, Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm
 
Bên trên