Doanh thu du lịch TP HCM cao nhất 5 năm

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Mặc dù lượng khách chưa bằng so với trước dịch, doanh thu du lịch TP HCM tăng 25% so với trước dịch, đạt 160.000 tỷ đồng năm 2023.

6 tháng đầu năm, TP HCM đạt doanh thu du lịch cao nhất nước với hơn 80.800 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu du lịch thành phố tiếp tục đà tăng trưởng trong 6 tháng kế tiếp và cả năm 2023 đạt 160.000 tỷ đồng. Con số này tăng 22% so với năm ngoái, tăng 25% so với năm 2019 và cao nhất trong vòng 5 năm từ 2019 đến 2023.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở du lịch TP HCM, đánh giá thành phố đạt được sự tăng trưởng trong doanh thu là nhờ 3 yếu tố chính. Đầu tiên là nhờ vào quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch từ sau dịch. Khi du lịch mở cửa, sở du lịch và các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố đã cùng đi khảo sát thực tế, đánh giá và xác định lại các tour tuyến, sản phẩm du lịch, thực hiện kế hoạch mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhờ kế hoạch này, thành phố hình thành được một bộ sản phẩm du lịch để các doanh nghiệp có tài nguyên khai thác các tour nội đô, khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, từ đó chi tiêu nhiều hơn vào các hoạt động vui chơi, khám phá.

Đoàn khách tàu biển 200 người khám phá tour đường thủy nội đô TP HCM. Ảnh: Sở Du lịch TP HCM


Đoàn khách tàu biển 200 người khám phá tour đường thủy nội đô TP HCM vào tháng 11. Ảnh: Sở Du lịch TP HCM

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Vietluxtour, cho hay công ty cung cấp nhiều tour nội đô tại các quận, huyện ở TP HCM như city tour tại quận 1, quận 5, ngoại thành có các tour ở Củ Chi, Cần Giờ. Đây đều là những sản phẩm hút khách, lượng khách nội địa chiếm khoảng 70%, 30% là du khách nước ngoài đặt tour. Cuối tháng 12, công ty cũng triển khai tour khám phá quận 1 về đêm và được nhiều du khách đón nhận. Các tour tại TP HCM chủ yếu có thời gian nửa đến một ngày. Du khách sau đó sẽ đặt các combo, tour đi tỉnh thành khác.

Yếu tố thứ hai tác động đến doanh thu du lịch TP HCM là nhờ vào các hoạt động liên kết vùng. TP HCM thường xuyên liên kết với các điểm du lịch khắp cả nước như miền Tây, Tây Bắc. Các doanh nghiệp có điều kiện bán được nhiều tour hơn, cả tour vào thành phố và tour ra thành phố. Ông Hòa cho hay TP HCM thường được khách chọn làm điểm dừng chân để đổ đi du lịch các vùng khác.

Yếu tố thứ ba là kinh tế đêm được đầu tư nhiều hơn, tạo sức bật cho doanh thu du lịch thành phố. Nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm tại TP HCM chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong một đường tour. Mức chi tiêu ban ngày chiếm 30% bởi khách chủ yếu đi tham quan các địa danh, ăn uống theo chương trình có chi phí trọn gói. Đến buổi tối, du khách mới có thời gian tự do, ngoài chương trình để khám phá các hoạt động khác.

Khu ăn uống chợ Bến Thành sau 21h. Ảnh: BIch Phương

Khu ăn uống chợ Bến Thành sau 21h. Ảnh: BIch Phương

Trong 3 tháng cuối năm, TP HCM liên tiếp ra mắt các sản phẩm du lịch đêm như tour Sắc màu đêm quận 1, tour "Không ngủ ở Sài Gòn" đưa du khách qua 30 tuyến đường, gần 20 điểm tham quan trên xe buýt hai tầng, hoạt động từ 23h đến 7h hôm sau.

Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ, nói TP.HCM là "vùng đất hiếm trên thế giới hội tụ nhiều yếu tố phát triển kinh tế đêm". Việc sử dụng xe buýt 2 tầng giúp khai thác nền kinh tế đêm của thành phố, tạo sự kết nối các chuỗi cung ứng dịch vụ, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch và tiêu dùng dịch vụ.


Ngoài ra, việc tăng cường tần suất và thời gian phục vụ xe buýt 2 tầng có thể nâng cao cạnh tranh với các nước trong khu vực nhằm thu hút du khách quốc tế đến TP HCM và Việt Nam, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho thành phố.

Theo Phó Giám đốc Sở du lịch TP HCM, trong tháng 12, ngành du lịch thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện như tuần lễ du lịch, khai trương phố ẩm thực Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, lễ hội đếm ngược chào năm mới. Du lịch gắn với sự kiện là một trong 7 trụ cột phát triển ngành du lịch thành phố. Từ giữa tháng 11 đến cuối năm là cao điểm "sự kiện nối tiếp sự kiện". Đây cũng là thời điểm nguồn thu du lịch của thành phố đạt đỉnh.

Sự đa dạng về các sản phẩm du lịch, sự kiện cũng giúp TP HCM đón lượng khách quốc tế lớn trong năm 2023, ước đạt 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với năm ngoái, chiếm gần 50% lượng khách quốc tế đến cả nước trong 11 tháng vừa qua.

Tuy nhiên, ông Hòa đánh giá tỷ lệ này "không mới" với TP HCM, lượng khách quốc tế đến địa phương này luôn chiếm khoảng 50% so với lượng khách quốc tế của cả nước. TP HCM là cửa ngõ du lịch, sân bay Tân Sơn Nhất có lưu lượng khách đứng đầu cả nước.

Vào hai dịp lễ lớn sắp tới là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, TP HCM kỳ vọng đạt mức doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng. Trung bình, hai dịp này doanh thu luôn chiếm khoảng 8-9% doanh thu cả năm. Năm 2024 thành phố kỳ vọng cao hơn do các đường bay mở lại hoàn toàn, chính sách visa từ 15/8 tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài.

"Tháng 11-12 năm 2022, công suất phòng tại thành phố chỉ đạt khoảng 60-70%, đầu năm 2023 lên được 85%. Từ đầu tháng 12 năm nay, nhiều khách sạn lớn tại trung tâm đã kín phòng nên có thể kỳ vọng công suất hai dịp Tết sắp tới đạt hơn 90%", ông Hòa nói.
 
Bên trên