Du khách Mỹ - 'mỏ vàng' còn bỏ ngỏ của Việt Nam

Từ Minh Quân

Well-known member
Lượng khách Mỹ đến Việt Nam cao thứ ba trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất nhưng chuyên gia nói vẫn còn thấp so với tiềm năng.

Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, 8 tháng đầu năm Việt Nam đón hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế. Du khách Mỹ đứng thứ 3 trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam, với gần 503.000 lượt sau khách Hàn (2,2 triệu lượt) và Trung (950.000 lượt). Năm 2022, khi Trung Quốc chưa mở cửa, khách Mỹ đứng thứ hai, sau Hàn Quốc.

Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia chỉ ra trong 10 năm liên tiếp trước dịch (2010-2019), số lượng khách Mỹ đến Việt Nam luôn đứng thứ 4 hoặc 5 trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất và liên tiếp tăng theo từng năm.

1694177577998.png


"Mỹ là thị trường có số lượng người đi du lịch cùng chi tiêu du lịch luôn đứng top đầu thế giới vì nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân cao", Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng nhận định.

Trung bình một năm, nhóm khách Mỹ ở độ tuổi Gen Z (những người sinh từ năm 1995 đến 2012) dành 29 ngày đi du lịch. Thế hệ Millennials (1980 - 2000) có thời gian đi du lịch là 35 ngày, gen X (1965-1980) 26 ngày và Baby Boomers (1943 - 1964) 27 ngày.

Văn phòng Lữ hành và Du lịch Quốc gia của Mỹ (NTTO) chỉ ra trước dịch Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới về chi tiêu và số lượt đi du lịch quốc tế, sau Trung Quốc. Năm 2019, người Mỹ thực hiện hơn 99 triệu chuyến du lịch quốc tế, tổng chi khi ở nước ngoài hơn 184 tỷ USD. Sau dịch, người Mỹ vượt Trung Quốc lên vị trí số 1, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), với hơn 35 triệu chuyến đi trong 6 tháng đầu năm.

Đoàn khách Mỹ đến tham quan TP HCM hồi tháng 4/2022. Ảnh: Huỳnh Nhi


Đoàn khách Mỹ tham quan TP HCM hồi tháng 4/2022. Ảnh: Huỳnh Nhi

Theo CNN, từ lâu thị trường Mỹ đã được các công ty quản lý điểm đến "thèm muốn" vì nhiều lý do. Một trong số đó là vì thu nhập. Mức lương trung bình của người Mỹ khoảng 70.000 USD mỗi năm, cao thứ 7 thế giới. Các chuyên gia du lịch nhận xét thu nhập cao đồng nghĩa chi trả cho chuyến đi cũng cao hơn.

Theo bà Phương Hoàng, khách Mỹ đến Việt Nam chi tiêu nhiều cho ăn uống, khách sạn, các tour du lịch, "thậm chí cao hơn thị trường khác như Trung Quốc và châu Âu". Theo Niên giám thống kê 2022 của Tổng cục Thống kê, năm 2019 khách Mỹ chi tiêu trung bình tại Việt Nam 1.710 USD, đứng thứ ba sau khách Philippines và Bỉ. Du khách Mỹ cũng có xu hướng du lịch dài ngày hơn và thường dẫn người thân đi cùng.

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, chuyên gia lĩnh vực du lịch sang trọng, cho biết trung bình một năm khách Mỹ dành 15-45 ngày để đi du lịch, họ thường đến Việt Nam rồi ghé qua Thái Lan, Lào hoặc Campuchia rồi lại quay lại Việt Nam. "Khách Mỹ chiếm 10% số khách công ty tôi đón hằng năm, nhưng chi tiêu của họ gấp đôi, ba hoặc thậm chí 10 lần khách đến từ thị trường khác", ông Hà nói. Họ thường chọn các tour, ăn uống, lưu trú cao cấp. Theo thống kê của công ty ông Hà, mỗi khách Mỹ chi trung bình 400-500 USD, thậm chí 1.000 USD một ngày. Con số này được đánh giá là cao bởi trung bình một khách nước ngoài ở Việt Nam trong 9 ngày chi tiêu khoảng 1.200 USD.

1694177607641.png


Mỹ không chỉ là thị trường tiềm năng mà còn là "mỏ vàng" mà ngành du lịch Việt cần nhắm tới để tìm cách khai thác triệt để. Khách Mỹ thường tiêu nhiều, ở lâu. "Những yếu tố này rất có lợi cho du lịch Việt Nam", ông Hà nói.

Thiên nhiên đẹp, biển ấm, đồ ăn ngon và địa hình đa dạng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị là lý do khiến người Mỹ yêu thích Việt Nam. Lindy, 40 tuổi, đến Việt Nam trong ba tuần cùng gia đình hồi đầu năm và nhanh chóng bị thu hút bởi ẩm thực địa phương. Lindy rất thích bún chả, bánh cuốn và bánh bao. "Hải sản ở Hạ Long vô cùng tươi ngon. Tôi đến tham quan vịnh Hạ Long và ở lại một tuần, nhưng vẫn ước có thể ở lại lâu hơn. Ninh Bình cũng thế", người phụ nữ ở Kansas nhận xét. Chị cho hay ngồi thuyền khám phá các hang động là một trong những phần yêu thích nhất của mình. "Cả gia đình đã có một chuyến đi vui vẻ mà giá cả rất phải chăng", Lindy nói.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút khách Mỹ: Đôi bên có mối quan hệ mang tính lịch sử, người Việt ở Mỹ thuộc nhóm Việt kiều đông nhất thế giới, quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày một nồng ấm.

Theo ông Phạm Hà, rất nhiều du khách Mỹ, gồm cả cựu binh, đến Việt Nam mang theo tâm lý tò mò: Việt Nam bây giờ ra sao, còn thù ghét Mỹ? Sau khi đến nơi, nhiều người ngạc nhiên vì Việt Nam đã rất phát triển. Điều đặc biệt là người dân rất thân thiện. "Nhiều khách Mỹ nói với tôi họ cảm thấy người Việt chào đón người Mỹ. Sau khi kết thúc chuyến đi, phần lớn người Mỹ có tình cảm tốt đẹp về Việt Nam và họ thường quay lại cùng người thân", ông Hà nói.

Một số chuyên gia cho rằng 35 triệu lượt khách Mỹ đi du lịch thế giới trong nửa đầu năm nay nhưng chỉ có hơn nửa triệu đến Việt Nam là "quá ít". Việt Nam cần có chiến lược để thu hút thị trường khách nhà giàu và tiềm năng này. Một trong số đó là việc nới lỏng thủ tục xin visa, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam với thị trường Mỹ.

Theo ông Hà, nước Mỹ rộng lớn nên Việt Nam cần chia nhỏ thị trường tiếp cận ở Mỹ để thu hút khách. Việc mở các văn phòng đại diện, xúc tiến của Việt Nam tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ là điều thiết yếu.

Theo bà Phương Hoàng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng sản phẩm, hướng tới các chủ đề mà người Mỹ thích như du lịch văn hóa, bảo tàng, du lịch biển và khám phá, mạo hiểm, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương, thăm chiến trường xưa, chăm sóc sức khỏe. Các doanh nghiệp lữ hành cần nghiên cứu và thường xuyên tham gia các hội chợ, roadshow du lịch thường niên tại Mỹ như Roadshow Travel Industry Exchange, New York Times Travel Show, Seatrade Cruise Global.

"Chúng ta cũng cần thu hút dòng khách Mỹ qua thị trường trung gian khi một số nước trong khu vực đón khách Mỹ khá cao như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines", bà Hoàng nói.

"Nhiều khách Mỹ nói với tôi Việt Nam là điểm đến phổ biến hơn Thái Lan. Vì vậy, thị trường khách nhà giàu này thực sự rất tiềm năng và xứng đáng để ngành du lịch đầu tư, khai thác", ông Phạm Hà nói.
 
Bên trên