Du lịch ngày lễ 'mệt nhiều hơn vui'

Từ Minh Quân

Well-known member
Anh Tuân Phạm, Hà Nội, và gia đình "không thấy vui" sau chuyến đi Sa Pa dịp 30/4 vì một số nơi "tận thu" mà bỏ qua chất lượng dịch vụ.

Trở về từ Sa Pa sau chuyến đi 3 ngày 2 đêm, anh Tuân cho hay lượng khách đến Sa Pa rất đông. Ngày 30/4 nhiều tuyến đường ở trung tâm thị xã tắc nghẽn. Di chuyển bằng taxi từ điểm bán vé bản Cát Cát đến chợ Sa Pa khoảng hơn 2 km mất gần 2 tiếng.

"Tôi thấy thất vọng vì giá cả tăng cao, nhiều điểm nhếch nhác, không có bản sắc. Bản Cát Cát mất hết tính địa phương. Tôi không cảm nhận được gì về đời sống và văn hoá của người dân. Chỉ thấy các dịch vụ tận thu. Khách nườm nượp đến chụp hình, thuê trang phục kiểu Tây Tạng không ăn nhập gì với văn hóa người Mông", anh Tuân nói. Anh cho biết thêm chỉ những dịp lễ như 30/4, 2/9 hay Tết gia đình anh mới có thể du lịch cùng nhau vì mọi người đều khó nghỉ phép hay nghỉ học.

Bến tàu ở đảo Phú Quý ngày 30/4. Ảnh: Vĩ Châu

Bến tàu ở đảo Phú Quý ngày 30/4. Ảnh: Vĩ Châu

Ngọc Trâm, sống tại TP HCM, chia sẻ vì lịch học dày đặc nên tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ du lịch Phú Quý cùng bạn, chấp nhận có thể chịu cảnh đông đúc. Nhóm của Trâm chủ động ra bến xe trước hai tiếng, từ 7h. Đến nơi, nhóm nhận được thông báo phải chờ xe trung chuyển ra bến mới cách 18 km.

Sau 2 tiếng chờ đợi, di chuyển lòng vòng, cả nhóm tiếp tục chịu cảnh tắc cứng trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây trước khi vào cao tốc mới đi Phan Thiết. Xe khách phải đổi hướng đi đường cũ, nhưng vẫn không kịp giờ tàu ra đảo Phú Quý lúc 15h. Nữ du khách cho biết nhiều người cùng chuyến cũng gặp cảnh tương tự.

"Thấy tình hình sẽ trễ tàu, tôi gọi điện nhờ đổi chuyến hoặc hủy vé nhưng không được. Nhóm phải mua vé mới 4h sáng hôm sau. Phòng nghỉ ở Phan Thiết cũng hết sạch. Loay hoay một hồi nhóm mới đặt được chỗ trong một nhà nghỉ nhỏ, với giá "cắt cổ" 900.000 đồng một đêm. Lịch trình chuyến đi bị xáo trộn, tốn thêm tiền và vật vờ nguyên một ngày", chị Trâm nói.

Trâm nhận xét du lịch ngày lễ trải nghiệm thì ít mà chỉ thấy mệt mỏi và tốn thêm nhiều khoản chi không đáng có. Nữ du khách cho biết những dịp lễ sau này sẽ chọn ở nhà và sắp xếp thời gian du lịch trái mùa hoặc vào ngày thường.

Tại Phú Quốc, du khách không chỉ ngán ngẩm vì giá vé máy bay ngày lễ tăng cao mà còn phàn nàn vì giá cả đắt đỏ. Một du khách cho biết giá hải sản tại "đảo ngọc" đắt gấp đôi, gấp ba so với tại TP HCM.

Đảo Phú Quốc dịp 30/4. Ảnh: Trương Phú Quốc

Đảo Phú Quốc dịp 30/4. Ảnh: Trương Phú Quốc

Chị Mai Anh, TP HCM, đến Phú Quốc từ ngày 30/4 thì nhận xét các tour tham quan không đủ đặc sắc để níu chân du khách. Chị đặt mua tour thăm 3 đảo giá 800.000 đồng. Tuy nhiên, tour thiết kế chủ yếu phục vụ du khách chụp hình, "thời gian dài lê thê". Các hoạt động, trò chơi dưới nước như đi bộ dưới đáy biển thu thêm phí đắt hơn giá tour ban đầu.

Chị cho biết ở điểm đầu tiên trước khi đi cano ra 3 đảo, khách chỉ được chơi miễn phí trò phao chuối. Các hướng dẫn viên liên tục mời khách mua thêm vé các trò chơi khác giá từ một triệu đồng, kèm quảng cáo "đi tour đảo mà không chơi những trò này thì coi như chưa đi". Ra những đảo còn lại, hướng dẫn viên chủ yếu bày cách chụp hình lưu niệm. Bữa cơm cũng toàn những món đơn giản.

"Chỉ có hoạt động ngắm san hô là thú vị. Tôi thấy mức giá 800.000 đồng cao so với các trải nghiệm nhận lại", chị nói thêm.

Nhiều du khách biết rõ cảnh quá tải, chen chúc khi du lịch dịp lễ nhưng không có lựa chọn khác vì chỉ có thể đi chơi vào ngày nghỉ. Nếu may mắn, họ sẽ có chuyến đi suôn sẻ. Ngược lại, không ít người cho biết du lịch ngày lễ như rước bực vào thân.

Ngán ngẩm nạn chặt chém, ngại đông đúc, nhiều người lựa chọn né du lịch ngày nghỉ lễ. Theo khảo sát của VnExpress được thực hiện từ đầu tháng 4 về kỳ nghỉ 30/4 năm nay, với hơn 10.100 độc giả tham gia, có 51% lựa chọn phương án "Ở nhà", 18% chọn "Về quê". Có khoảng 30% chọn đi du lịch, trong đó 22% lựa chọn "Du lịch nước ngoài".

Kết quả thăm dò trên VnExpress về chuyến đi 30/4 của độc giả. Ảnh chụp màn hình ngày 4/5.

Kết quả thăm dò trên VnExpress về chuyến đi 30/4 của độc giả. Ảnh chụp màn hình ngày 4/5.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Company, Công ty Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Điểm đến, cho biết chỉ số hào hứng du lịch (Travel Sentiment Index) của du khách Việt hiện vẫn ở mức tích cực nhưng có chiều hướng giảm so với thời điểm Việt Nam vừa kết thúc giãn cách nên năm nay tình hình du lịch ít sôi động hơn so với cuối 2021 và dịp 30/4/2022. Ngoài ra, chỉ số hào hứng cho các chuyến nước ngoài của khách Việt đang có xu hướng cao hơn trong 12 tháng tới.

Khi trạng thái nhu cầu du lịch không còn bị thúc đẩy cao trào như năm ngoái, du khách chắc chắn sẽ quay lại với xu hướng bền vững hơn, không cố dồn nén vào các đợt cao điểm. "Dịp 30/4 cũng cận kỳ nghỉ hè nên khó có thể có một cú huých lớn cho thị trường. Điều này cho thấy không phải cứ có nhiều kỳ nghỉ dài là du lịch tăng trưởng, nghỉ phải hợp lý với nhu cầu", ông Phước cho hay.
 
Bên trên