Du lịch Tây Bắc: Ghé thăm "làng thịt chua" trứ danh Hòa Bình

Võ Xuân Trường

Well-known member
Du lịch Tây Bắc: Ghé thăm "làng thịt chua" trứ danh Hòa Bình

Thịt chua xứ Mường Hòa Bình là đặc sản không thể bỏ qua trên hành trình du lịch Tây Bắc.
Du lịch Tây Bắc: Ghé thăm làng thịt chua trứ danh Hòa Bình
Món thịt chua có mặt trên mâm cơm của người dân xứ Mường Hòa Bình. Ảnh: Khánh Linh
Từ lâu, thịt chua đã có mặt trên mâm cơm của hàng nghìn gia đình người Mường. Tại phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có một "làng thịt chua" với gần 10 cơ sở sản xuất đặc sản nổi tiếng này, giúp bà con có thêm công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Mỗi xưởng bắt đầu sản xuất đặc sản thịt chua với một cơ duyên khác nhau. Nhưng điểm chung của "làng thịt chua" là hộ gia đình nào đã "bén duyên" với món ăn xứ Mường thì gắn bó, mong muốn phát triển.
Trò chuyện với PV, chị Đỗ Thị Lam Giang - chủ cơ sở sản xuất thịt chua Họ Đỗ (phố Lâm Hóa, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn) chia sẻ: "Gia đình tôi quê gốc ở Ninh Bình, nhưng đã lên Hòa Bình sinh sống được 50 năm nay. Cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với đồng bào Mường, chúng tôi nhận thấy ẩm thực xứ Mường vô cùng độc đáo, đặc biệt là món thịt chua nên đã quyết định học hỏi và chế biến thành sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng".
Theo chị Giang, bí quyết để có những miếng thịt chua ngon, đậm vị, cần lưu ý kỹ từ khâu chọn nguyên liệu. Thịt lợn đủ tiêu chuẩn là lợn nuôi dân dã, thịt có độ nạc, mỡ vừa đủ. Đặc biệt, thịt lợn phải thật tươi, ngon và cần chế biến ngay khi miếng thịt còn hơi ấm.
a
Để đảm bảo thịt chua ngon, sạch, món ăn này phải được chế biến ngay khi miếng thịt còn hơi ấm. Ảnh: Khánh Linh
"Việc chế biến phải tuân thủ theo các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khi chế biến đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm thịt chua của cơ sở chúng tôi đang được phân phối đi các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình... Đồng thời, đủ tiêu chuẩn để đưa vào một số hệ thống siêu thị, bán lẻ" - chị Giang nói.
Đặc sản dân dã này chính thức gia nhập thị trường trong nước. Sản phẩm thịt chua lên kệ tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn, góp phần đưa đặc sản xứ Mường ngày càng vươn xa.
Các cơ sở sản xuất thịt chua còn tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Hiện nay, tại xã Vũ Bình, thịt chua được định hướng để phát triển thành sản phẩm OCOP, giúp nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Ông Bùi Minh Tặng - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình cho biết, hiện nay, tại xã Vũ Bình có 5 cơ sở sản xuất thịt chua. Có 3 điểm đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
a
Nhiều cơ sở sản xuất thịt chua còn tạo công ăn, việc làm cho người dân. Ảnh: Khánh Linh
Theo ông Tặng, lợi thế của thịt chua Lạc Sơn có lợi thế với nguồn nguyên liệu dồi dào, thịt lợn được người dân nuôi dân dã, bản địa. Đặc biệt, với nguyên liệu tạo nên vị đặc trưng của thịt chua xứ Mường là hạt dổi, tại huyện này có vùng trồng dổi nổi tiếng ở xã Chí Đạo.
"Đối với mỗi cơ sở thịt chua sẽ có những bí quyết riêng, tuy nhiên, thịt chua Lạc Sơn sẽ có hương vị gốc của ẩm thực người Mường Hòa Bình, chính vì thế nên được khách hàng ưa chuộng.
Để phát triển sản phẩm, xã đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội LHPN xã có hỗ trợ kết nối thị trường, kết hợp với các hộ dân hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, giúp đưa thịt chua Lạc Sơn ngày càng vươn xa và tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho người dân" - ông Tặng nói.
a
Những miếng thịt chua đưa chân du khách đến với xứ Mường. Ảnh: Khánh Linh
Thưởng thức món thịt chua xứ Mường sẽ mang lại nhiều dư vị khác nhau. Có vị giòn sần sật của bì lợn. Vị béo của thịt, vị bùi của thính hòa vào vị chua thanh của men thịt cùng vị chát bùi của các loại lá.
Ngồi trên căn nhà sàn người Mường, nhấp chén rượu nếp, ăn miếng thịt chua sẽ cảm nhận hương vị nồng nàn của ẩm thực nơi đây. Thịt chua được người dân Hòa Bình chế biến quanh năm và có thể sử dụng bất cứ thời gian nào.
 
Bên trên