Nguyễn May
Well-known member
Chua, giòn sần sật, không chỉ là một món ăn ngon, dưa mùng xứ Nghệ còn là một phần gắn với ký ức tuổi thơ của bao người.
Cách làm
Chú ý:
Cách làm
- Sau khi cắt bỏ lá, rửa sạch dọc mùng rồi hong khô dưới bóng râm hoặc nắng nhẹ khoảng một giờ. Không nên phơi dưới nắng khiến bị dai, mất vị ngon và độ giòn sau khi muối.
- Cắt dọc mùng thành từng khúc khoảng 6 cm, nếu gốc to chẻ làm đôi, đem ngâm với nước muối loãng 30 phút rồi rửa và vắt lại vài lần với nước sạch, cuối cùng vắt khô để ráo.
- Cho dọc mùng đã sơ chế vào hũ, lọ thủy tinh hoặc thố dùng để muối dưa đều được. Cứ một lớp dọc mùng rải thêm dăm lát tỏi, vài quả ớt.
- Với món này, ở xứ Nghệ các bà các mẹ thường dùng nước vo gạo lần hai để muối. Nước vo gạo sẽ giúp dưa nhanh chín, lại thêm vị chua ngọt, thơm và ngon nhất. Nếu không có nước vo gạo dùng nước đun sôi để nguội.
- Cho một lít nước vo gạo (hoặc nước đun sôi để nguội) vào nồi cùng 60 gr muối hạt, 20 gr đường cát trắng, khuấy tan rồi đun sôi. Khi sôi, hạ nhỏ lửa, vớt bọt, tắt bếp, để nguội hoàn toàn rồi cho vào ngập lọ. Dùng vỉ tre và vật nặng nén chặt cho tất cả dọc mùng đều nằm ở dưới nước ngâm.
- Đậy kín và để trong nhiệt độ phòng 3-4 ngày là dưa chín, chuyển sang màu vàng. Kiểm tra khi dưa có vị chua vừa ăn nên để vào tủ mát. Nếu để ở ngoài lâu dưa dễ chua và nhanh ủng hỏng.
- Ngày trước, trên mâm cỗ của người dân Xứ Nghệ, món mùng chua cũng được góp mặt như một món ăn phụ không thể thiếu. Món ăn này thường được trộn cùng giá đỗ, lá chanh, tỏi, ớt, đường, chấm mắm tôm, ăn kèm bánh đa và thịt luộc rất ngon.
Chú ý:
- Dọc mùng rất dễ bị nhầm lẫn với cây ráy hoặc cây môn ngứa. Để phân biệt, người ta thường dựa vào một số đặc điểm như thân và mặt dưới lá dọc mùng có phủ một lớp phấn trắng, dùng tay cọ vào sẽ mất đi, hoặc quan sát mặt trên lá dọc mùng không có chấm màu tím đen mà đường gân lá to dày, màu xanh nhạt.
- Dọc mùng để muối chua cần chọn những dọc bánh tẻ không non, không già. Theo kinh nghiệm truyền lại, chỉ nên chọn những đám dọc mùng còn đọng sương mai.