Danh Phan
Well-known member
F&b là gì?
F&B là viết tắt của “Food and Beverage Service”, có nghĩa là dịch vụ cung cấp đồ ăn và thức uống.
Trong thực tế chúng ta có thể bắt gặp dịch vụ F&B trong khách sạn hoặc trong các đơn vị kinh doanh độc lập như nhà hàng, quán café, quán bar, lounge, pub… Tuy vậy, với tính chất vừa bao gồm food – đồ ăn và beverage – đồ uống, thì F&B thường được sử dụng trong các khách sạn.
Trong các khách sạn, khu du lịch thì F&B chính là bộ mặt của khách sạn, là công cụ marketing hữu hiệu. Bộ phận này giữ vai trò gia tăng trải nghiệm của khách hàng và thu hút khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ.
Nhiều người thường nhầm lẫn F&B là tên gọi của ngành dịch vụ. Nhưng trên thực tế F&B chỉ là một tệp con của ngành dịch vụ. Trong khi đó dịch vụ là một từ được dùng để chỉ tất cả các loại dịch vụ như: dịch vụ vận chuyển, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ tài chính, dịch vụ ăn uống,…
Nói một cách chuyên sâu thì F&B là một phân hệ của ngành dịch vụ, có nhiệm vụ chính là đáp ứng nhu cầu ăn uống cho khách hàng trong các khách sạn, khu du lịch, nhà hàng,… Tại các khách sạn 3,4 sao hay các tập đoàn lớn, bộ phận F&B còn phụ trách nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của nhân viên.
Công việc của nhân viên F&B bao gồm những gì?
Quả thực F&B là một khái niệm rất rộng. Vì vậy công việc cụ thể của một nhân viên F&B sẽ phụ thuộc vào vị trí công việc họ đảm nhận và bộ phận mà họ làm việc.
Nhìn chung thì công việc của nhân viên F&B sẽ xoay quanh việc đáp ứng các nhu cầu ăn uống của khách hàng. Trước khi khách đến họ sẽ chuẩn bị bàn ăn, thức ăn, đồ uống. Kế đó họ sẽ tiếp đón khách, tiếp nhận thông tin đặt bàn hoặc thông tin đặt món của khách. Bên cạnh đó nhân viên F&B cũng có trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công việc trong phạm vi được giao.
Các kỹ năng làm việc cần thiết trong ngành phục vụ
Nếu bạn yêu thích công việc trong ngành F&B thì trang bị 7 kỹ năng cần thiết sau đây sẽ giúp bạn trở thành một nhân viên chuyên nghiệp với khả năng xử lý tình huống xuất sắc:
Thứ nhất, kiến thức chuyên môn
Yêu cầu đầu tiên để trở thành một nhân viên F&B chuyên nghiệp là bạn phải có kiến thức chuyên môn vững vàng để có thể phục vụ khách chu đáo nhất. Vì vậy nếu muốn chinh phục nhà tuyển dụng bạn cần nắm vững kiến thức, yêu cầu đối với vị trí mình ứng tuyển. Điều này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn.
Hơn nữa, sở hữu kiến thức cần thiết về văn hóa, kỹ năng cũng là một nghiệp vụ giúp bạn nâng cao chất lượng làm việc trong ngành F&B. Từ đó bạn sẽ nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao từ khách hàng và cấp trên.
Thứ hai, giỏi ngoại ngữ
Khách hàng trong ngành F&B không chỉ là khách hàng trong nước mà còn có khách hàng quốc tế. Vì vậy giỏi ngoại ngữ (thường là tiếng Anh) gần như là yêu cầu bắt buộc để bạn trở thành một nhân viên chuyên nghiệp trong các khách sạn.
Sở hữu năng lực ngoại ngữ tốt giúp bạn trao đổi, giao tiếp với khách hàng quốc tế thuận lợi hơn. Đồng thời cũng giúp bạn phát triển bản thân, nâng cao tính chuyên nghiệp và mở rộng cơ hội thăng tiến.
Thứ ba, kỹ năng giao tiếp
Làm việc trong ngành F&B bạn sẽ phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Lúc này bạn chính là bộ mặt của khách sạn, nhà hàng. Do đó biết cách đón tiếp, giới thiệu, tư vấn cho khách,… với thái độ chuyên nghiệp, giọng điệu dễ nghe sẽ là điểm cộng trong mắt khách hàng. Bên cạnh đó bạn cũng phải biết cách giao tiếp bằng mắt với khách hàng để kết nối với họ tốt hơn. Hãy cho khách hàng thấy được sự nồng nhiệt của bạn ngay lần đầu tiên gặp gỡ.
Thứ tư, kỹ năng quan sát
Công việc trong ngành F&B đòi hỏi bạn phải có khả năng quan sát tỉ mỉ và nhanh nhạy để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn như khi nào nên tiếp thêm món ăn, khi nào châm rượu, khách cần hỗ trợ gì khác hay không, khách đã muốn thanh toán hay chưa,… Thông qua việc quan sát bạn mới có thể có cách xử lý phù hợp.
Thứ năm, chịu được áp lực công việc
Bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau khi làm việc trong ngành F&B. Sẽ có những khách hàng khó tính, gắt gỏng, thậm chí là có yêu cầu khiếm nhã. Đối mặt với những tình huống như vậy bạn cần bình tĩnh, không hành động nóng nảy, vội vàng. Hãy khéo léo nói chuyện với khách hàng và báo lại cho quản lý để giải quyết ổn thỏa và không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn.
Thứ sáu, kỹ năng xử lý sự cố
Trong môi trường làm việc không thể tránh khỏi các sự cố phát sinh bất ngờ. Nhất là trong môi trường làm việc tại các nhà hàng, khách sạn. Nguyên nhân sự cố có thể đến từ bạn hoặc khách hàng. Tuy nhiên nguyên nhân có là gì đi nữa thì bạn cũng phải xử lý khéo léo để không ảnh hưởng đến khách hàng và uy tín của khách sạn. Nếu sự việc nằm ngoài khả năng xử lý bạn nên báo lại với quản lý để được trợ giúp.
Thứ bảy, nắm bắt được tâm lý khách hàng
Khách hàng của khách sạn, nhà hàng thường bao gồm nhiều độ tuổi, sở thích và yêu cầu khác nhau nên hiểu được tâm lý khách hàng sẽ giúp bạn phục vụ họ tốt nhất. Mặc dù để nắm bắt được tâm lý khách hàng không hề dễ, nhưng bằng sự nhanh nhạy, quan sát tốt bạn sẽ hiểu được họ sau một thời gian làm việc đủ lâu.
Các vị trí trong bộ phận F&B
Tùy theo quy mô, đặc điểm của mỗi doanh nghiệp F&B mà việc bố trí nhân sự trong bộ phận F&B sẽ khác nhau. Sau đây bạn đọc hãy cùng Uptalent khám phá các vị trí phổ biến của bộ phận F&B tại khách sạn:
+ F&B Director (Giám đốc F&B)
Có trách nhiệm quản lý các mảng F&B của khách sạn bao gồm nhà hàng, quầy bar, banquet, lounge, bếp trưởng. Nhìn chung trách nhiệm của F&B Director khá nặng khi phải đảm bảo thực hiện đúng các chính sách, quy định F&B của khách sạn và phải hoàn thành các mục tiêu doanh số, lợi nhuận trong phạm vi mình quản lý.
+ F&B Manager (Quản lý bộ phận F&B)
Nhiệm vụ chính của F&B manager là đảm bảo các mục tiêu tài chính của bộ phận. Họ sẽ kết hợp với bếp trưởng xây dựng thực đơn cho nhà hàng, cho các dịp lễ cũng như điều phối và vận hành các hoạt động ẩm thực, tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, đề bạt hoặc chấm dứt hợp đồng với nhân viên trong bộ phận.
+ Restaurant Manager (Quản lý nhà hàng)
Vị trí này có trách nhiệm quản lý khu vực từ phòng chờ đại sảnh, các tầng, các quầy tự phục vụ và các phòng tiệc. Đồng thời họ cũng là người đặt ra các tiêu chuẩn phục vụ, tham gia việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên cho bộ phận.
+ Head Waiter (Trưởng nhóm phục vụ)
Trách nhiệm của Trưởng nhóm phục vụ là quản lý nhân viên phục vụ trong phòng ăn cũng như quan sát, hướng dẫn họ để đảm bảo phục vụ đầy đủ các yêu cầu của khách hàng. Trưởng nhóm phục vụ có thể thay thế Giám đốc nhà hàng khi họ vắng mặt.
+ Commis de rang (Nhân viên trực bàn)
Nhân viên trực bàn có nhiệm vụ phục vụ trực tiếp tại bàn của khách. Họ sẽ phối hợp với bộ phận bếp để đáp ứng kịp thời yêu cầu thực khách, đảm bảo bữa ăn của khách không bị gián đoạn.
+ Banqueting staff (Nhân viên tiệc)
Tại các khách sạn lớn, thường có một số lượng cố định nhân viên chuyên phục vụ các bữa tiệc, bao gồm quản lý bộ phận tiệc, trưởng nhóm nhân viên phục vụ tiệc, nhân viên pha chế đồ uống và thư ký cho quản lý bộ phận tiệc. Những nhân viên khác trong bộ phận tiệc sẽ làm thời vụ.
+ Chef d’Etage / Floor waiter (Nhân viên trực tầng)
Nhân viên trực tầng sẽ chịu trách nhiệm với tất cả các hoạt động tại tầng họ quản lý hoặc một số phòng trong một tầng cụ thể. Họ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ đồ ăn và thức uống tại các phòng. Để đảm nhiệm vị trí này bạn cần có kiến thức về đồ ăn, thức uống và cách phục vụ sao cho đúng.
Phạm vi làm việc của nhân viên trực tầng bắt đầu từ tầng chuẩn bị đồ ăn hoặc nhà bếp, đưa đồ ăn, thức uống đến tầng thích hợp bằng thang máy, rồi đến phòng khách yêu cầu. Đồ ăn, thức uống phải được vận chuyển bằng xe đẩy có thiết bị làm nóng.
+ Chef de Salle / Lounge waiter (Nhân viên trực sảnh)
Trách nhiệm của nhân viên trực sảnh là phục vụ cà phê buổi sáng, trà buổi chiều, rượu khai vị nhẹ trước và sau bữa ăn trưa và ăn tối cho khách. Đồng thời họ còn phải duy trì sự sạch sẽ ở khu vực sảnh.
+ Host / Hostess (Nhân viên đón tiếp)
Chịu trách nhiệm đón tiếp, chào hỏi, mời khách ngồi vào bàn khi khách đến, lắng nghe các yêu cầu của khách và tạm biệt khi khách ra về. Họ phải đảm bảo khách hàng sẽ hài lòng khi rời nhà hàng.
+ Bartender/Barista (Nhân viên pha chế)
Phụ trách việc pha chế cocktail, các loại đồ uống có cồn khác và cà phê. Để đảm nhận vị trí này bạn cần thông thạo các thành phần pha chế cần thiết, kỹ năng lắc khuấy và có hiểu biết về các loại đồ uống có cồn.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN TRUYỀN THÔNG MINARA
ĐỊA CHỈ:
- 182 Trần Bình Trọng, P.3, Q.5, Tp.HCM
- 27 Đường số 16, Trung Tâm Hành Chính Dĩ An, Bình Dương.
Điện thoại: 097.777.1060
Email: info@minara.vn
Website: www.minara.vn