GÁNH GÁNH GỒNG GỒNG - CHÚNG TA CHỈ CÓ MỘT CUỘC ĐỜI, HÃY TRÂN TRỌNG, BIẾT ƠN VÀ CỐ GẮNG SỐNG SAO CHO THẬT XỨNG ĐÁNG

linh_449

Linh Linhh
Một tác phẩm chỉ vỏn vẹn 300 trang nhưng đủ để khiến độc giả cảm nhận được sức nặng, những giá trị, xúc cảm chảy tràn qua từng ngôn từ của một cuộc đời dám sống, dám trải nghiệm, dám đánh đổi "một sự an toàn tương đối để lấy một cái chết 70%", tất cả cũng chỉ vì một tuyên ngôn đầy ngạo nghễ "Chúng ta chỉ sống một lần trên đời".
16 tuổi, Xuân Phượng rời xa gia đình, tham gia kháng chiến, bắt đầu một cuộc đời thăng trầm và đầy nể phục. Từng hơi thở, từng bước đi, từng sự lựa chọn của bà đều luôn ở trong tâm thế chủ động. Chủ động từ bỏ những thứ thân thuộc để kiếm tìm sự bứt phá, chủ động để bản thân được tiếp cận và trải nghiệm những cơ hội, sự mới mẻ dưới nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.
Những trang viết lần lượt nối tiếp nhau với lời văn khúc chiết tái hiện lại một thời tuổi trẻ huy hoàng của một người phụ nữ với những phẩm cách được coi là điển hình của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến với nội lực mạnh mẽ nhưng vẫn tiềm ẩn sự nữ tính. Đó là một trái tim mạnh mẽ, một ý chí kiên cường không chịu khuất phục trước sự trù dập, công kích của tên bác sĩ trưởng trạm. Đó là hình ảnh người phụ nữ chuyển dạ giữa đêm trong tình cảnh đơn côi không người thân thích, tủi hờn muốn quyên sinh nhưng vẫn gắng gượng bám trụ vì thiên chức thiêng liêng của một người mẹ. Và đó là người mẹ sẵn sàng nhẫn nhịn, kìm nén tất cả những nỗi oan khiên để che chở, bảo vệ đứa con của mình.
Nhưng không vì sự mạnh mẽ kia mà tính nữ tiềm ẩn trong người con gái Nham Biều này lại có phần lép vế hơn. Người đọc có thể dễ dàng bắt gặp nét dịu dàng, sự lãng mạn tràn trề qua những tâm tư kín đáo viết về sự rung cảm đầu đời với mình yêu. Và hình ảnh 2 người bạn gái cùng đàn, cùng hát, cùng ngân lên những giai điệu tuổi trẻ đẹp đẽ giữa đêm trăng yên tĩnh ít nhiều cũng sẽ đọng lại trong tâm tưởng bạn đọc.
Và "Có những thứ tình cảm, thứ tình nghĩa mà không gì có thể đánh đổi được, chân thành và hết lòng vì nhau". Đó là tình người, tình đồng chí dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù ngặt nghèo hay hạnh phúc, dù đứng giữa những lằn ranh số phận vẫn rực sáng và đáng quý vô cùng. Cuộc đời bà thần kì cũng như cách những mối lương duyên đến và trở lại với bà vậy. Có những cuộc gặp gỡ phải trải qua vài thập kỉ mới có ngày tương ngộ, có những sự tương ngộ tuy không trọn vẹn nhưng cũng đầy cảm xúc và có những sự tương ngộ được gắn kết với nhau bởi những món quà mà khi đó quý giá và thiết thực vô cùng.
Cuốn hồi ký với nhiều lát cắt lịch sử gồm nhiều mốc thời gian, không gian đặc biệt, từ Đà Lạt, Huế cho đến Điện Biên Phủ, Sài Gòn hay thậm chí được diễn ra ở Pháp, Mỹ,... Nhưng hơn cả, có lẽ "khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu" vẫn sẽ là một kí ức đẹp, gây ấn tượng mạnh với bất cứ ai đã từng đọc quyển sách này. Đây là nơi dù cuộc sống có "vất vả, khó nhọc để mưu sinh nhưng bao giờ việc học hành của con cái vẫn là ưu tiên hàng đầu, là trọng tâm cho mọi lo lắng của bố mẹ", cách đề cao học vấn trong mọi khó khăn, là nét đặc biệt của khu tập thể này.
Bởi tâm niệm "Chúng ta chỉ sống một lần trên đời" đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cả cuộc đời bà nên dù cho đến lúc dừng tại trạm nghỉ của mình bà vẫn luôn trăn trở "không hiểu khi về hưu mình sẽ làm gì?" và đôi vai kia lại tiếp tục gồng gánh những sứ mệnh cao cả hơn nữa, đưa Việt Nam vươn tầm và hội nhập với thế giới.
"Gánh gánh gồng gồng" là đóa hoa mới chớm nở trên văn đàn Việt Nam nhưng vẻ đẹp và hương sắc độc lạ của nó lại để lại dấu ấn khó quên với bất cứ độc giả nào từ bìa sách cho đến những lời bình văn học. Gấp cuốn sách lai, những gì còn đọng lại không chỉ là một thời kỳ biến thiên dữ dội của dân tộc đã đi qua hay sự sắp đặt diệu kỳ của số phận mà còn thấy hình ảnh một con người nghị lực, chịu thương chịu khó và đầy bao dung - một con người gồng gánh hết thảy những thăng trầm của cuộc đời.
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông, gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần...
Gánh gánh gồng gồng...
(Đồng dao Việt Nam)
 

Đính kèm

Bên trên