Giả Wi-Fi miễn phí để đánh cắp thông tin, Elon Musk vung tỷ USD đào tạo chatbot

Thanh Thúy

Well-known member
Giả Wi-Fi miễn phí để đánh cắp thông tin; Elon Musk vung tỷ USD đào tạo chatbot AI... là những thông tin nổi bật trong bản tin công nghệ thứ 7 tuần này.

Giả Wi-Fi miễn phí để đánh cắp thông tin
Người đàn ông 42 tuổi, tại Australia, đối mặt với 9 tội danh và xuất hiện tại tòa án sơ thẩm Perth vào ngày 28/6. Cảnh sát liên bang Australia cáo buộc người này tạo ra mạng Wi-Fi miễn phí giả mạo các mạng hợp pháp để lừa người dùng nhập thông tin cá nhân.
Người đàn ông Tây Úc bị bắt giữ vì cáo buộc lừa đảo liên quan đến thiết lập mạng Wi-Fi miễn phí giả mạo tại các sân bay và chuyến bay nội địa. Ảnh: Cảnh sát liên bang Australia (AFP)
Các mạng Wi-Fi giả mạo được thiết lập tại các sân bay Perth, Melbourne và Adelaide, trên các chuyến bay nội địa và tại các địa điểm khác mà theo cảnh sát đều có liên quan đến công việc trước đây của người đàn ông.
Cảnh sát mở cuộc điều tra vào tháng 4 sau khi nhân viên một hãng hàng không bày tỏ lo ngại về mạng Wi-Fi đáng nghi trên một chuyến bay nội địa. Họ tìm thấy một thiết bị không dây cầm tay, laptop và điện thoại di động khi lục soát hành lý của người đàn ông sau khi quay trở lại sân bay Perth. Sau đó, người này bị bắt và bị buộc tội trong lần khám xét thứ hai tại nhà ở ngoại ô Perth.
Theo nhà chức trách, mạng Wi-Fi giả mạo đưa người dùng đến một trang giả, yêu cầu nhập thông tin đăng nhập mạng xã hội hoặc email. Các thông tin này được lưu lại trên thiết bị của người đàn ông và có thể dùng để xâm nhập các tài khoản cá nhân khác, bao gồm liên lạc qua mạng, ảnh, video hay thông tin ngân hàng.
Người đàn ông bị buộc tội làm suy yếu thông tin liên lạc điện tử; chiếm đoạt dữ liệu với ý định phạm tội nghiêm trọng; truy cập trái phép hoặc sửa đổi dữ liệu bị hạn chế; thu thập thông tin tài chính cá nhân trái phép.
Thanh tra Andrea Coleman thuộc phòng tội phạm mạng AFP khuyên mọi người nên cẩn trọng khi đăng nhập mạng Wi-Fi công cộng.
Elon Musk vung tỷ USD đào tạo chatbot AI
Bình luận bên dưới một bài đăng trên mạng xã hội X hôm 1/7, Elon Musk cho biết phiên bản chatbot mới nhất - Grok 3 - của startup xAI nên là "thứ gì đó đặc biệt" sau khi được đào tạo bằng 100.000 GPU H100.
Musk đang đề cập đến bộ xử lý đồ họa (GPU) H100 của Nvidia, hay còn được gọi là Hopper, thứ đảm nhận xử lý dữ liệu cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
CEO xAI Elon Musk tiết lộ chatbot Grok 3 được đào tạo dựa trên 100.000 GPU Nvidia H100. Ảnh: Insider
Ước tính, mỗi chip Nvidia H100 có giá 30.000 USD, thậm chí lên tới 40.000 USD. Như vậy, Grok 3 có thể đang được đào tạo bằng “núi tiền” từ 3 đến 4 tỷ USD.
Nếu được đào tạo dựa trên 100.000 GPU, chatbot Grok 3 sẽ là bước tiến lớn so với Grok 2. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 4, ông chủ Tesla tiết lộ Grok 2 cần khoảng 20.000 chip H100. Cho đến nay, xAI đã phát hành Grok-1 và Grok 1.5.
Phiên bản mới nhất chỉ dành cho các tester và người dùng trên X. CEO X mong muốn ra mắt Grok 2 vào tháng 8/2024 và cũng ám chỉ Grok 3 sẽ xuất hiện vào cuối năm nay.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về bằng sáng chế AI
Số liệu từ Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thuộc Liên Hợp quốc cho thấy, trong giai đoạn 2014-2023, Trung Quốc có số hồ sơ đăng ký sáng chế liên quan trí tuệ nhân tạo tổng hợp gấp 6 lần so với Mỹ.
Ảnh: ChinaDaily
Cụ thể, dữ liệu trong một thập kỷ trên ghi nhận Trung Quốc với 38.210 hồ sơ, chiếm 70% tổng số hồ sơ được nộp (54.000 hồ sơ). Mỹ đứng thứ hai với 6.276 hồ sơ, kém hơn khoảng 6 lần.
Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những quốc gia có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm cao nhất về số đơn xin cấp bằng sáng chế ở mức 56%.
Sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo tổng hợp (GenAI) sau màn ra mắt của ChatGPT vào cuối năm 2022. Chỉ tính riêng năm 2023, có 25% số bằng sáng chế được đăng ký liên quan đến công nghệ này.
Mỹ thu hồi 8 giấy phép bán hàng cho Huawei
Bộ Thương mại, cơ quan giám sát chính sách xuất khẩu của Mỹ, vào tháng 5 thông báo đã thu hồi “một số” giấy phép, song không nêu rõ tên và số lượng nhà cung cấp bị ảnh hưởng. Các nguồn tin tiết lộ, Qualcomm và Intel là hai trong số các doanh nghiệp trong danh sách.
Mới đây, trong tài liệu chuẩn bị cho cuộc điều tra của Quốc hội, Bộ Thương mại cho hay, “kể từ đầu năm 2024, cơ quan này đã thu hồi 8 giấy phép bổ sung liên quan đến Huawei”.
Các công ty bán hàng cho Huawei đang bị thu hồi giấy phép. Ảnh: CNBC
Chi tiết mới phản ánh biện pháp mới mà chính quyền Biden đang thực hiện nhằm vào Huawei trong bối cảnh gã khổng lồ công nghệ đại lục bắt đầu phục hồi bất chấp nỗ lực cấm vận của Washington.
Huawei bị đưa vào danh sách hạn chế thương mại từ năm 2019 với lý do an ninh quốc gia. Việc nằm trong danh sách đen đồng nghĩa các đối tác cung ứng của công ty này phải có giấy phép đặc biệt trước khi xuất hàng.
Tuy nhiên, nhờ chính sách thời Tổng thống Trump, các công ty vẫn nhận được các giấy phép trị giá hàng tỷ USD để bán hàng và công nghệ cho Huawei.
 
Bên trên