Giải đáp tại sao loài người không có lông ?

Tại sao loài người không có lông?


Chắc chắn rằng điểm khác biệt nhất giữa con người và các loài linh trưởng khác, ngoài tư thế đứng thẳng và khả năng giao tiếp, là cơ thể con người không có lông. Đúng như vậy, nếu so sánh với hầu hết các loài có vú, loài người có rất ít lông (ngoại trừ một số cá nhân hơi khác biệt một chút). Nhiều loài động vật có vú khác cũng không có lông, chẳng hạn như chuột chũi, tê giác, cá voi, và voi. Nhưng tại sao chúng ta lại thành là một loài không có lông như thế này? Chuyện này có mang lại ích lợi gì không? Và tại sao chúng ta lại có lông dày và rậm ở một số nơi trên cơ thể?

Thực sự là loài người có rất nhiều lông: trung bình chúng ta có xấp xỉ 5 triệu nang lông trên khắp bề mặt cơ thể. Nhưng hầu hết các nang lông trên cơ thể người tạo ra lông tơ, lông mịn, ngắn, được mọc ra từ các nang lông cạn, khác với lông được mọc từ đầu, nách, mu, và ở đàn ông là trên khuôn mặt. Các nhà khoa học không biết chắc chắn lý do đằng sau sự thay đổi này, từ lông dày và thô sang lông tơ và nhẹ, và họ cũng không biết chính xác khi nào điều này đã xảy ra. Một vài lý thuyết được nêu ra để giải thích cho hiện tượng này ở cơ thể người.

Quan điểm nổi bật nhất là giả thuyết “làm mát cơ thể”, cũng được biết đến với tên gọi giả thuyết “savannah”. Giả thuyết này cho rằng người cổ đại có nhu cầu điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và chính điều này làm cho cơ thể rụng lông. Trong thời kỳ Pleistocene, Homo erectus và các vượn nhân bắt đầu săn bắt với thời gian lâu hơn trên thảo nguyên rộng lớn, nghĩa là họ theo đuổi con mồi trong nhiều giờ để khiến nó kiệt sức mà không cần đến các công cụ săn bắn tinh vi. Cuộc chơi mang tính sức bền này khiến cơ thể họ bị quá nhiệt, do đó rụng lông cho phép đổ mồ hôi hiệu quả hơn và hạ nhiệt nhanh hơn mà không cần nghỉ giải lao. Bằng chứng cho giả thuyết này đến từ những nghiên cứu mà các nhà khoa học đã tìm thấy các thay đổi xác định rằng có hay không một số tế bào nhất định phát triển thành tuyến mồ hôi hoặc nang lông. Và nếu kết hợp thêm một số yếu tố khác, chúng ta có thể tự tin đoán rằng từ 2 triệu năm trước, con người có lẽ đã mất lông trên cơ thể.

humanfur_1.jpg


Một lý thuyết liên quan vào thập niên 1980 cho rằng vì con người đứng bằng hai chân nên việc có lông không còn mang lại lợi ích là phân tán bức xạ khỏi cơ thể nữa (ngoại trừ trên đầu). Vì loài người ra mồ hôi tốt hơn khi không có lông, điều này mang lại lợi ích tốt hơn khi có lông. Nhưng dù giả thuyết làm mát cơ thể này có vẻ rất hợp lý và có giá trị nhất định, nó lại không giải thích được một số chuyện. Khi nghiên cứu nhiệt độ cơ thể trong chu kỳ 24 giờ, các nhà khoa học nhận thấy rằng chúng ta mất nhiệt nhiều hơn vào ban đêm, do đó hậu quả cuối cùng của việc rụng lông là chúng ta luôn ở tình trạng thiếu năng lượng. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quần thể người không phải săn bắt theo kiểu sức bền trong một thời gian dài nhưng họ vẫn không phát triển lông trên lưng, cho dù nhiều người trong số họ sống ở những vùng rất lạnh trên thế giới. Hiện tượng tăng thân nhiệt là vấn đề lớn hơn nhiều so với hiện tượng hạ thân nhiệt ở châu Phi xích đạo, nơi loài người tiến hóa. Ở nơi đây, dường như con người cần giữ mát cơ thể nhiều hơn là giữ ấm. Nhiều đặc điểm di truyền khó có thể tiến hóa thêm nữa, và vào thời điểm con người di chuyển đến những môi trường lạnh hơn, họ có những công nghệ khác để giữ ấm, chẳng hạn như lửa và áo quần. Cơ thể họ cũng biến chuyển để thích ứng với cái lạnh, chẳng hạn như mô béo nâu.

Một giả thuyết về chuyện con người không có lông nữa có tên là giả thuyết ngoại kí sinh trùng, cho rằng không có lông thì có ít ký sinh trùng hơn. Ký sinh trùng ngoại lai vẫn là một vấn đề lớn, đặc biệt là những con ruồi mang bệnh. Những con ruồi đó đậu và sống trong lông, sau đó đẻ trứng trên đó. Ký sinh trùng từ lâu có lẽ là một trong những lực lượng chọn lọc mạnh nhất trong lịch sử tiến hóa của chúng ta, và mai này vẫn vậy. Nhiều lý do khác cũng góp phần cho việc rụng lông ở con người, cụ thể là các lý thuyết hành vi hay di cư làm cho con người khác với những loài linh trưởng khác, từ đó thúc đẩy việc rụng lông. Một yếu tố có thể là sự tạo ra quần áo từ lông của các loài động vật khác, mà chúng ta có thể cởi ra và đem giặt. Điều này xảy ra cách đây khoảng 2.000 năm, trễ hơn rất nhiều so với giả thuyết làm mát cơ thể.

humanfur_2.jpg

Charles Darwin cho rằng rụng lông là do chọn lọc giới tính, vì tổ tiên chúng ta đơn giản là thích bạn tình ít lông hơn. Nhưng hiện tại giả thuyết này bị bác bỏ như là nguyên nhân của việc rụng lông. Nhưng khi chúng ta nghĩ về cơ thể người không có lông, một câu hỏi luôn xuất hiện: tại sao chúng ta vẫn có lông ở trên đầu, vùng mu, và nách? Một giải thích có vẻ hợp lý đó là con người có tóc trên đầu và tóc ngày càng dài ra là để giảm nhiệt từ bức xạ mặt trời. Tóc xoăn có cấu trúc có thể cho gió đi vào đi ra rất hiệu quả, do đó có thể thoát nhiệt nhanh và giảm được nhiệt phả lên da đầu.

Còn đối với lông mu và lông nách, đây có thể là phụ phẩm của quá trình tiến hóa của một đặc điểm khác, hoặc có thể là tàn dư từ tổ tiên linh trưởng đã sử dụng pheromone để giao tiếp với nhau (Pheromone là chất được tiết ra từ cơ thể như tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài. Chất này được tiết ra khi các con đực muốn tìm bạn tình trong thời gian sinh sản.) Cho dù nguyên nhân nào làm cho loài người không có lông đi nữa, có một điều rất có thể xảy ra: nó trùng với loài người thời kỳ đầu có sắc tố da sẫm màu hơn. Trước đó, lông trên cơ thể có chức năng bảo vệ khỏi bức xạ tia cực tím.

Dưới góc nhìn khoa học, việc hỏi tại sao con người mất lông là một câu hỏi thú vị, nhưng dường như chuyện này không liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta ngày nay. Nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chuyện này có ý nghĩa với những người rụng tóc không mong muốn do hói đầu, hóa trị hoặc rối loạn gây rụng tóc.

Theo BBC Future.
 
Bên trên