Giới_thiệu_tác_giả_hay

linh_449

Linh Linhh
DAZAI OSAMU – ĐAU THƯƠNG, VỠ MỘNG VÀ Ý THỨC "TỰ HỦY" CỦA MỘT TÀI HOA BỊ VÂY KHỐN
1. TÁC GIẢ

Nhà văn Dazai Osamu, ông tên thật là Tsushima Shuji, sinh ngày 19 tháng 6 năm 1909 tại thành phố Tsugara, đảo Honshu. Gia đình ông là một gia đình quý tộc, cha là một chính trị gia, gia đình có 11 người con.
Ông không hứng thú với cuộc sống, khi có chuyện thường tìm đến cái chết để giải thoát, cuộc đời ông sống có 39 năm nhưng tìm đến cái chết nhiều lần (5 lần). Chính tư tưởng đó đã ảnh hưởng đến những tác phẩm ông viết.
Dazai Osamu là một trong những nhà văn tiêu biểu cho giai đoạn văn học Nhật Bản hiện đại. Ông đã có đóng góp quan trọng vào nền văn học xứ Phù tang qua những tác phẩm mang giá trị về văn chương cũng như giá trị về cuộc sống một cách độc đáo nhất.

2. PHONG CÁCH SÁNG TÁC
Các tác phẩm của ông được ông xếp vào nhóm “Tiểu thuyết tự truyện”. Các sáng tác đều dựa vào cuộc đời của chính ông để viết nên các tác phẩm để đời. Lối văn của Dazai Osamu vô cùng giản dị, đời thường. Nhân vật trong các tác phẩm thường rất bi quan với cuộc sống này nên tìm đến cái chết bằng cách tự sát như cách để tự giải thoát khỏi “địa ngục trần gian này”.
Ông không kể một cách máy móc mà luôn dựa vào tâm lí con người, ông đặt mình vào họ và kể lại, nội tâm nhân vật là cái ông chú ý nhất. Các tác phẩm của Dazai đều hiện lên nỗi buồn, cái buồn xuất phát từ chính cuộc đời ông trải qua, ông bị ám ảnh bởi “một cái chết đẹp” chứ không sống một cách vô nghĩa.

3. TÁC PHẨM
Các tác phẩm chính của ông: Kí ức (1933), Hoa của thằng hề (1935), Một trăm cảnh núi Phú sĩ (1939), Nữ sinh (1939), Chính nghĩa và nụ cười (1942), Tích biệt (1945), Chiếc hộp Pandora (1945), Tà Dương (1947), Thất lạc cõi người (1948). Và tác phẩm Good Bye (1948) chưa được viết xong, còn đang dang dở khi ông chết.
Trong đó 4 tác phẩm đã được xuất bản tại Việt Nam và cũng được chú ý rất nhiều, nổi bật nhất chính là Thất lạc cõi người, Tà Dương và tập truyện Nữ Sinh. Gần đây nhất là Chiếc hộp Pandora.

Thất lạc cõi người kể về cuộc đời của Yozo, như chính của chính tác giả. Một cuộc đời đầy nghịch lý của quy tắc xã hội, sự giả tạo của con người, nhân vật tôi hoàn toàn lạc lõng, cô đơn giữa trần thế này. Anh không còn tìm thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống, luôn đau đáu rằng Con người sinh ra làm gì? Sống hay không sống? (thuyết hiện sinh) và anh đánh mất tư cách làm người. Yozo chán nản, tuyệt vọng, đơn độc giữa tinh cầu này nên anh luôn tìm cách tự hủy bản thân qua nhiều tự tử. Thế nhưng cuộc đời như muốn trêu ngươi anh, sau bốn lần chết hụt thì đến lần cuối cùng anh mới "thỏa mãn" nguyện ước của mình, như một cách tự giải thoát bản thân khỏi "bể khổ" thế gian. Có thể thấy rằng, Yozo có nét tương đồng với Meursault trong Người xa lạ (Albert Camus).

Tà Dương là câu chuyện kể về một gia đình quý tộc bị chiến tranh ảnh hưởng dẫn đến sa sút, cuộc sống bỗng chốc từ một gia đình có điều kiện trở thành gia đình bị sa sút. Một bà mẹ dịu dàng vẫn giữ được cốt cách của một phụ nữ quý tộc, bà luôn hoài niệm nhớ nhung thời gian đã qua. Cô con gái Kazuko sau khi tan vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên đã quay về sống với mẹ, cô là một tiểu thư đài các nhưng ẩn sâu trong lòng cô là con người mạnh mẽ, cố ý thức sống, một mình lo toan mọi việc trong nhà, là tia sáng của cả gia đình, trải qua nhiều khó khăn cô vẫn gượng dậy. Còn cậu con trai Naoji chỉ biết chơi bời lêu lỏng, sau khi đi nghĩa vụ về tiếp tục làm khổ mọi người, anh sống một cuộc đời lay lắt qua ngày. Toàn bộ tác phẩm chỉ xoay quanh gia đình ấy với nỗi băn khoăn sống hay không sống đã cho ta những cái nhìn rất chân thực về xã hội Nhật Bản, xót thương cho những con người lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái chết. Sau những ngày tháng bệnh tật, bà mẹ đã ra đi mãi mãi, cô chị bỏ qua mọi ràng buộc để có con với một người tên Uehara. Đến một ngày không chịu nổi, cậu con trai đã viết tâm thư cho chị gái mình và rồi tự tử.

Nữ sinh là một tuyển tập truyện ngắn bao gồm 6 truyện khác nhau. Mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh, một nỗi trăn trở mà không nhân vật nào giống nhân vật nào. Trong đó, đáng chú ý là 2 truyện ngắn Người vợ và Nữ Sinh. Truyện Người vợ, câu chuyện về người vợ tần tảo luôn hy sinh vì gia đình, chăm lo cho gia đình từng chút một nhưng cuối cùng vẫn bị chồng phản bội, ngoại tình với con phụ nữ khác nhưng người vợ không hề oán hận, vẫn một mực vun vén cho gia đình để rồi cuối cùng phải đi nhận xác chồng đã tự tử bên cô nhân tình. Truyện Nữ sinh được viết theo những trang nhật ký của một nữ sinh mười bốn tuổi, còn đầy mơ mộng và tâm lí thay đổi của tuổi dậy thì. Tác giả đi sâu vào việc khắc họa tâm lí đầy biến động của cô bé, những tâm tư tình cảm của một đứa con gái mới lớn có tài năng văn chương nhưng cuối cùng cũng bị vùi lấp.

4. CẢM NHẬN BẢN THÂN
May mắn là mình được học 3 tác phẩm dưới sự giảng dạy của thầy Hoàng Long, cũng chính là dịch giả của các cuốn sách này nên ít nhiều cảm nhận được nỗi đau, nỗi cô đơn và sự khát khao luôn muốn được giải thoát của các nhân vật khi phải sống một-cuộc-đời-không-mong-muốn. Họ căm ghét cái thứ giả trá của con người và cho dù luôn ở thế bị động nhưng họ vẫn mãi sống thật với chính mình. Ông cũng như các nhân vật cuối cùng cũng chỉ biết tìm đến cái chết. Ở đây, "tự hủy" như là một hình thức đã đi đến cùng cái tuyệt đối, để kiên quyết chống trả cái địa ngục tha nhân. Có lẽ trong hầu hết các tác phẩm của ông đều nhuốm màu u ám, ảm đạm khiến người đọc cảm thấy không khí câu chuyện trở nên ngột ngạt, bức bách và có thể gây ám ảnh về sau.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này!
 

Đính kèm

Bên trên