'Giới trẻ ngày nay gặp áp lực hơn nhiều so với các thế hệ trước'

Nguyễn May

Well-known member
Chuyên gia cho rằng so với thế hệ của ông bà, cha mẹ ngày trước, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ công nghệ, giới trẻ hiện nay tiếp xúc với các yếu tố căng thẳng bên ngoài nhiều hơn ngay từ khi còn nhỏ.

Trong môi trường học đường, bất kỳ học sinh nào cũng đã từng đối diện với những áp lực học tập ở nhiều mức độ khác nhau. Áp lực thực chất là sự dồn nén của các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, mệt mỏi liên quan đến việc học tập, thi cử. Nhưng đồng thời đây cũng có thể là yếu tố thúc đẩy mỗi cá nhân nỗ lực để vượt qua khó khăn và đạt thành tích cao trong học tập.

Tuy nhiên, áp lực học tập kéo dài sẽ gia tăng nguy cơ hình thành các hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ.

Khủng hoảng tâm lý ở giới trẻ

L.H.T (18 tuổi, Lạng Sơn) là một nạn nhân của áp lực học tập. Cha mẹ em quan trọng điểm số hơn là quan tâm đến tâm lý, sức khoẻ của con.

Học từ 7h và kết thúc ca cuối lúc 21h, hầu như T. ít được nghỉ ngơi. Em cũng thường bị cha mẹ hỏi về điểm số, những bài kiểm tra. Nếu điểm số thấp, em sẽ bị mắng nặng nề. Em bị mẹ thu điện thoại vì cho rằng đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng việc học tập.

Chia sẻ với PV, T. cho biết thường xuyên bị khó thở, cảm thấy mệt mỏi. Có những đêm T. chỉ biết khóc thầm vì mệt, thậm chí tự làm đau bản thân để cảm thấy dễ chịu hơn.

Tương tự, L.N.H.K (20 tuổi, Hà Nội) cũng là người từng chịu áp lực học tập. Bên cạnh việc gia đình đặt kỳ vọng cao, K. thường xuyên trở thành chỗ trút giận của bố mẹ.
“Nhiều khi, bố mẹ mình gặp áp lực trong công việc, cuộc sống thay vì xử lý, họ lại lôi chuyện học hành của mình ra để trút giận. Mặc dù, mình không làm gì sai cả”, K. chia sẻ.

Ở trường, K. bị các bạn cùng lớp xa lánh, cô lập. K. cho biết: “Đó là khoảng thời gian mình nghĩ đến việc tự tử nhiều nhất”.

Sau đó, K. bắt đầu thử chất kích thích rồi trở thành nghiện. Việc học tập giảm sút. Bị chửi mắng nhiều, nam sinh trở nên vô cảm, bỏ bê ăn uống dẫn đến sức khỏe đi xuống.

Cũng gặp áp lực học tập, N.G.T (16 tuổi, Phú Thọ) cho biết: “Mình không thể hòa nhập và sợ hãi trong giao tiếp. Từ nhỏ, mẹ luôn nói mình kém cỏi nên đừng mơ ước xa vời.

Tư tưởng đó đã ăn sâu vào tiềm thức khiến mình tự ti về năng lực của bản thân cũng như không dám bước ra khỏi vùng an toàn”.

T. thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh. T. chia sẻ thêm: “Mình cảm thấy áp lực khi bạn bè đều giỏi, mình không muốn bản thân tệ hại như hiện tại nhưng bế tắc, chẳng có cách nào thoát ra được.

Nhất là khi giờ mình bị trầm cảm, chẳng còn có thích thú làm gì. Đầu óc cũng không đủ minh mẫn như hồi chưa bệnh. Mình chỉ ước được ai đó tin tưởng dù chỉ 1 lần”.

Tinh thần và thể chất bị ảnh hưởng do những áp lực tâm lý. (Ảnh minh họa).

Những bước để phục hồi tâm lý

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, Giảng viên bộ môn Tâm thần, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết: “Khi gặp những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, chúng ta cần tìm đến những nhà trị liệu tâm lý để có giải pháp để khắc phục kịp thời. Tùy theo mỗi cá nhân lại có những vấn đề riêng biệt và phác đồ trị liệu khác nhau”.

Lời khuyên của bác sĩ đưa ra dành cho các bạn trẻ hiện nay khi gặp tổn thương tâm lý: “Hỗ trợ tâm lý có thể là một trong những giải pháp quan trọng nhất để giúp đỡ người bị rối loạn tâm lý.

Điều này có thể bao gồm việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, các nhà tâm lý học hoặc tư vấn viên tâm lý chuyên nghiệp. Bạn cũng nên điều chỉnh lối sống bao gồm việc tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu và các chất kích thích khác. Điều này giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể”.

Thư giãn là một phương pháp tuyệt vời để giảm stress và giải tỏa căng thẳng. Các hoạt động như yoga, thiền định, massage, xông hơi hay đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch cũng có thể giúp giảm stress và cải thiện tâm trạng.

Học cách quản lý stress là một kỹ năng rất quan trọng để giảm bớt tác động tiêu cực đến tâm lý. Điều này bao gồm việc xác định nguyên nhân gây stress, tìm kiếm giải pháp và học cách giải tỏa stress một cách hiệu quả.

Trong một số trường hợp, thuốc cũng có thể được sử dụng để giúp giảm triệu chứng của rối loạn tâm lý. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được hướng dẫn và giám sát bởi các chuyên gia y tế.

Tâm lý - vấn đề đáng quan tâm trong giáo dục hiện đại

Giáo dục tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh đối mặt với áp lực học tập. Tuy nhiên, thực tế nhiều người trẻ đang phải đối mặt với một hệ thống giáo dục thiếu chú trọng đến khía cạnh này.

Các bạn trẻ chỉ được dạy để nhớ và áp dụng kiến thức, nhưng không được giáo dục về cách quản lý cảm xúc, hoặc cách xây dựng một tư duy tích cực.

Vấn đề này đang gây ra ảnh hưởng đến học sinh khi họ không biết cách đối diện với áp lực học tập. Từ đó có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, bao gồm trầm cảm, lo âu và căng thẳng.

Liên quan tới việc giới trẻ đang phải đối diện với nhiều vấn đề về tâm lý, anh Đặng Đức Anh tốt nghiệp thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết người trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đồng thời sống giữa muôn vàn thách thức.

Khi điều kiện sống đã tốt hơn, giới trẻ nâng cao kỳ vọng về mọi thứ xung quanh như phải giỏi giang, sống phải được đối xử công bằng, được tôn trọng, được công nhận và quan trọng nhất được sống là chính mình. Cũng bởi vì kỳ vọng cao nên áp lực lớn; họ dễ mệt mỏi, thất vọng, bế tắc khi cuộc sống thực tế không được như ý mình.

Ths tâm lý học Đặng Đức Anh cho biết thêm: “Giới trẻ bây giờ tiếp xúc với các yếu tố căng thẳng bên ngoài nhiều hơn ngay từ khi còn nhỏ. Khác với ông bà và cha mẹ ngày trước, các bạn được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ công nghệ xuất hiện và bùng nổ. Từ lúc còn bé, các bạn đã có thế tiếp xúc với hàng ngàn điều trong cuộc sống như bạo lực xã hội, bạo lực học đường, thiên tai, tình hình bất ổn của thế giới. Tất cả chỉ thông qua một vài cái "lướt, quẹt”.

Với sự vội vã ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện nay, không ít người trẻ cảm thấy áp lực và bị tổn thương tâm lý. Đôi khi cảm xúc tiêu cực của họ trở nên quá trầm trọng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Thay vì tìm phương hướng giải quyết tích cực thì họ lại lựa chọn sử dụng chất kích thích hoặc có hành vi self - harm (tự làm đau bản thân) để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi.

Nhìn chung, giới trẻ gặp nhiều thách thức phức tạp hơn nhưng lại có ít thời gian để thích nghi và trưởng thành
 
Bên trên