Google, Facebook lại tuyên chiến với báo chí

Duy Minh

Well-known member
Google, Facebook tuyên bố họ thà chặn người dùng đọc báo trên nền tảng của mình chứ không trả tiền cho đơn vị sản xuất tin tức.

"Để tuân thủ luật pháp liên bang, việc xem và chia sẻ tin tức sẽ không thực hiện được trên Facebook, Instagram của người dùng Canada" là nội dung quảng cáo được Meta chạy trên các phương tiện truyền thông bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp tại Canada vài ngày qua.

Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí nước này cho biết đã từ chối đăng quảng cáo của Meta. Chính phủ Canada và 30 nhà quảng cáo hàng đầu tại đây cũng tuyên bố ngừng hợp tác quảng cáo với Meta. Nguồn cơn của sự việc bắt đầu vào cuối tháng 6 khi công ty mạng xã hội tuyên bố chặn toàn bộ tin tức, đường dẫn liên quan đến báo chí trên nền tảng của mình - điều họ từng làm với Australia nhằm chống lại yêu cầu chia sẻ lợi nhuận quảng cáo với cơ quan báo chí địa phương.

Google, Facebook "hủy kết bạn" với Canada

Ngày 22/6, luật C-18 của Canada được thông qua. Theo ước tính của Ủy ban ngân sách Quốc hội nước này, luật sẽ mang lại cho các cơ quan xuất bản tin tức khoảng 329 triệu USD mỗi năm nếu Meta, Google trả tiền khi dùng ấn phẩm tin tức.

Ngay sau đó, Meta tuyên bố chặn toàn bộ link tin tức khỏi bảng tin Facebook, Instagram của người dùng Canada. Một tuần sau, đến lượt Google thông báo xóa toàn bộ liên kết tin tức của nước này khỏi dịch vụ Tìm kiếm, Tin tức, Khám phá. Hãng cũng kết thúc chương trình News Showcase, vốn có thỏa thuận với 150 ấn phẩm tin tức ở Canada. Google đề xuất chỉ hiển thị nội dung tin tức thay vì đường link và chỉ doanh nghiệp sản xuất tin tức theo tiêu chuẩn báo chí mới đủ điều kiện được trả tiền.

1689992773880.png


Tuy nhiên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tỏ ra cứng rắn với quyết định của mình. CBC News dẫn lời ông Trudeau: "Các gã khổng lồ Internet thà cắt quyền truy cập tin tức của người Canada chứ không chịu trả tiền cho nhà xuất bản như một việc công bằng phải làm. Họ đang sử dụng chiến thuật bắt nạt để cố đạt mục đích của mình. Nó sẽ không hiệu quả ở Canada".


Thống kê cho thấy từ năm 2008 đến 2018, 216 tòa soạn ở Canada đã đóng cửa. Reuters dẫn lời thành viên Quốc hội Pablo Rodriguez: "Các ông lớn công nghệ sẵn sàng chi tiền để thay đổi nền tảng của họ nhằm chặn tin tức từ Canada chứ không chịu trả một phần nhỏ trong số hàng tỷ USD kiếm được từ quảng cáo".

Báo cáo tài chính của Google quý II/2023 cho thấy doanh thu từ công cụ tìm kiếm đạt 40,69 tỷ USD. Kent Walker, Chủ tịch các vấn đề toàn cầu của Google, gọi luật mới của Canada là bất khả thi và sẽ khiến các tòa soạn phải gánh chịu hậu quả.

Trước đó, Meta cũng tìm cách lôi kéo các đơn vị sản xuất tin tức chống lại luật C-18 nhưng bất thành. Theo Paul Deegan, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại News Media Canada, quyết định "hủy kết bạn với Canada" của Meta sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng và danh tiếng của công ty.

Cuộc thương thảo ở Australia

Đây không phải lần đầu Google và Facebook gặp rắc rối liên quan đến báo chí. Năm 2021, hai "công ty gác cổng Internet" bị chính phủ Australia yêu cầu chia sẻ lợi nhuận với các nhà xuất bản tin tức. Tuy nhiên, Facebook lập tức đáp trả và cảnh báo các cơ quan báo chí sẽ sớm hứng chịu hậu quả.

Ngày 17/2/2021, người Australia thức dậy và nhận ra tất cả liên kết tin tức đã bị xóa khỏi nền tảng Facebook. Fanpage của những công ty truyền thông lớn nhất nước này cũng hoàn toàn trống trơn. Ngay lập tức, lượng truy cập vào các trang tin của Australia giảm khoảng 13%.

Hành động mạnh mẽ của Facebook khi đó là nhằm phản đối dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức ở Australia. Còn Google cũng sử dụng trang chủ của họ tại nước này để cảnh báo người dùng địa phương rằng quy định sẽ gây tổn hại trải nghiệm tìm kiếm của họ.

1689992802400.png


Tuy nhiên, chính phủ Australia không nhượng bộ. Luật vẫn được thông qua. Khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói việc Facebook thể hiện sức mạnh chỉ càng xác nhận lo ngại của nhiều quốc gia rằng các công ty Big Tech đang quyền lực hơn cả chính phủ.

"Hành động hủy kết bạn với Australia của Facebook - cắt đứt dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp - là sự ngạo mạn và đáng thất vọng. Họ có thể thay đổi thế giới, nhưng không có nghĩa họ điều hành thế giới", ông nói.

Ít ngày sau khi Facebook cho người Australia thấy mạng xã hội này trông như thế nào nếu không có tin tức, làn sóng phản đối dữ dội đã bùng lên khắp thế giới. Facebook buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận chi trả cho một số cơ quan báo chí Australia. Google cũng có động thái tương tự.

Cuộc chiến không biên giới

Giới quan sát đánh giá việc Facebook, Google chịu thương thảo ở Australia và quyết định cứng rắn mới đây của chính phủ Canada sẽ là tiền đề quan trọng để cuộc chiến của báo chí với các gã khổng lồ Internet tiếp tục lan khắp thế giới. Vox cho biết một số nơi như Pháp, Liên minh châu Âu cũng đang xem xét tiếp bước Australia, Canada.

Trong khi đó, FT dẫn lời Jason Kint, Giám đốc điều hành Hiệp hội tin tức kỹ thuật số Digital Content Next: "Không có tin tức đáng tin cậy để chia sẻ, nền tảng Google, Facebook như tự cắt đứt mình khỏi những gì đang diễn ra trong đời thực. Về lâu dài, đây có phải mô hình phát triển bền vững họ muốn nhắm tới hay không?". Ông cảnh báo việc chặn tin tức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh quảng cáo của Meta khi các nền tảng của họ ngày càng gặp nhiều rắc rối liên quan đến tin giả, lừa đảo.

Còn Ruth Callaghan, Giám đốc Đổi mới của Cannings Purple, dự đoán cuộc chiến của Facebook, Google với báo chí sẽ diễn ra trên mặt trận rất rộng, không phải quy mô vài quốc gia. Cuộc chiến này có thể định hình lại mối quan hệ giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội và luật của các chính phủ cũng cần được minh bạch, công bằng với cả những "người gác cổng Internet".
 
Bên trên