Hai ngày khám phá vẻ đẹp Cao Bằng mùa mưa

Nguyễn May

Well-known member
Khung cảnh thác Bản Giốc, hồ Thang Hen, núi Thủng… đẹp thơ mộng sau mưa được anh Nguyễn Thanh Tính, du khách đến từ TPHCM, ghi lại trong chuyến đi Cao Bằng vào tháng 9 vừa qua.

Anh Thanh Tính tại thác Bản Giốc.

Từ Hà Giang, anh Tính tốn khoảng 8 tiếng ngồi xe trên quãng đường 250km đến trung tâm thành phố Cao Bằng. Đường đi dài, cộng với địa hình miền núi cheo leo hiểm trở, chốc chốc xe phải dừng lại nhường đường cho xe khác.

Đến Cao Bằng tầm 18:00 giờ, anh Tính đến homestay, giá phòng tại đây khoảng 400.000 đồng. Từ homestay đến các điểm tham quan chính ở Cao Bằng bằng xe máy, giá thuê 150.000 đồng/ngày.

Làng hương Phia Thắp nằm dưới chân núi Phà Hùng (núi To) của xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên. Ảnh: Thanh Tính

Sau khi dùng bữa sáng, điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Cao Bằng của anh Tính là làng hương Phia Thắp, cách trung tâm thành phố Cao Bằng tầm 35km, trên đường đến huyện Trùng Khánh. Từ quốc lộ 3, du khách đi thẳng sẽ thấy một ngôi làng nằm bên phải đường.

Người dân vác tre về làm hương tại làng Phia Thắp. Ảnh: Thanh Tính

Nằm dưới chân núi Phà Hùng (núi To) thuộc huyện Quảng Uyên, làng hương Phia Thắp với khung cảnh đẹp và nét văn hóa truyền thống đang là điểm du lịch cộng đồng “xứng đáng ghé thăm” ở vùng đông Bắc. Hai bên đường những cánh đồng lúa xanh tươi mơn mởn sau vài cơn mưa.

Người dân đi chặt tre về làm hương. Ảnh: Thanh Tính

Người dân kể với anh Tính, họ vẫn đều đặn hàng ngày, thức dậy làm việc theo tiếng gà gáy ban mai như một thói quen khó bỏ. Đàn ông hay đàn bà đều có thể lên rừng chặt tre vừa thẳng vừa dẻo, dễ bắt lửa về chẻ nhỏ rồi vót bằng tay thành từng que thật nhỏ và tròn đều.

người thợ sẽ nhúng que nhang vào chất keo dính, rồi lăn qua lớp bột hỗn hợp gồm mùn cưa và bột trầm. Ảnh: Thanh Tính

Người thì đi hái lá cây bầu hắt trên rừng về phơi khô, tán nhỏ để dùng làm chất keo kết dính. Còn có người lại đi gom vỏ cây nghiến đỏ, mùn cưa để làm bột hương hay tìm gỗ thông mục đem về nghiền nát thành bột để tạo màu.

Mọi nguyên liệu đều từ tự nhiên, không hóa chất. Sau cùng, người thợ sẽ nhúng que nhang vào chất keo dính, rồi lăn qua lớp bột hỗn hợp gồm mùn cưa và bột trầm.

Vẻ đẹp thác Bản Giốc sau mưa. Ảnh: Thanh Tính

Tầm 10:00 giờ, anh Tính có mặt ở thác Bản Giốc, cách trung tâm thành phố Cao Bằng tầm 90km, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh nằm ngay tuyến biên giới Trung – Việt. Vì vậy, phần thác chính đang được Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác du lịch.

Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc rồi chảy vào lãnh thổ Việt Nam tại xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Do việc xả nước hàng ngày từ thượng nguồn diễn ra từ 10:30 sáng đến 13:00 giờ nên dòng chảy của thác mạnh hơn.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm. Ảnh: Thanh Tính

Nằm cách thác Bản Giốc tầm 700m là chùa Phật Tích Trúc Lâm. Chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn. Đường lên khúc khuỷu, quanh co. Để hành trình lên chùa thuận tiện, du khách nên mang giày thể thao hay giày bệt. Từ trên chùa du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy những dòng thác tung bọt trắng xóa của thác Bản Giốc.

Cảnh sắc hồ Bản Viết. Ảnh: Thanh Tính

Anh Tính tiếp tục đến hồ Bản Viết tầm đầu giờ chiều, hồ cách thác Bản Giốc 18km. Đây là hồ nước nhân tạo rộng 5ha, nằm lọt thỏm giữa núi rừng xanh biếc. Anh Tính gợi ý du khách nên đến hồ vào sáng sớm để đỡ mệt vì đường đến hồ khá gồ ghề. Hồ đẹp nhất vào mùa Thu vì lúc này lá cây chuyển sang màu đỏ.

Cảnh sắc đầu Thu tại hồ Thang Hen. Ảnh: Thanh Tính

Sau chuyến đi đến thác và hồ, anh Tính đến thị trấn Trùng Khánh dùng phở ven đường giá 50.000 đồng/tô cho bữa trưa và nghỉ ngơi. Giữa buổi chiều, anh Tính có mặt ở hồ Thang Hen. Nếu đi từ hướng trung tâm thành phố, du khách di chuyển theo hướng quốc lộ 3 chừng 28km, sau đó rẽ trái đi thẳng vào khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen.

Khung cảnh thơ mộng tại hồ Thang Hen. Ảnh: Thanh Tính

Từ đây, du khách di chuyển tầm 4km đường đèo để đến hồ. Những đám mây đen bao quanh ngọn núi khi trời chuyển mưa làm cho khung cảnh thêm phần thơ mộng. Tầm 16:30, anh Tính đến núi Thủng, hay còn gọi là núi Mắt Thần. Nếu đi theo hướng hồ Thang Hen, du khách sẽ đến núi Thủng trước.

Cảnh quan núi Thủng sau mưa. Ảnh: Thanh Tính

Đên Cao Bằng, du khách có thể thử món phở chua, đậm đà vị thịt ba chỉ rán, vịt quay, nước sốt chua ngọt, bánh phở dẻo thơm có chút giòn rụm của sợi khoai môn chiên giòn.

Khoảng 9:30 sáng hôm sau, anh Tính gợi ý du khách đến khu di tích Pác Bó, một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách trung tâm thành phố 45km. Suối Lê Nin trong xanh mang lại cảm giác thư giãn cho bất kỳ ai một lần lỡ bước đến đây. Khoảng 11:30, du khách có thể thu xếp trở về Hà Nội.

Suối Lê Nin phẳng lặng trong vắt sau những cơn mưa. Ảnh: Thanh Tính

Theo anh Tính, khoảng thời gian đẹp nhất tại Cao Bằng là tầm tháng 9, tháng 10 vì lúc này tiết trời vào Thu, có khi sẽ gặp trời mưa nhưng sau đó du khách sẽ thưởng ngoạn được cảnh đẹp của Cao Bằng khi trời quang đãng. Nếu đi tháng 11, 12, Cao Bằng rực rỡ hơn vì có hoa tam giác mạch và dã quỳ rộ sắc trên các triền núi và rừng sâu. Tầm tháng 3 đến tháng 4, du khách đến đây sẽ lạc vào những vườn mận, vườn mơ sai quả.

Ảnh: Thanh Tính

Để theo lịch trình, du khách có thể ngồi xe giường nằm Mai Luy, Ngọc Hà, Thanh Ly, Khánh Hoàn với giá vé tầm 350.000 đồng/người. Điểm xuất phát từ bến Mỹ Đình, Hà Nội. Nếu đi ô tô riêng hoặc xe máy, thời gian di chuyển tầm 8-10 tiếng, có thể tham khảo hai cung đường thứ nhất từ trung tâm Hà Nội – cầu Thanh Trì – cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên sau đó di chuyển vào địa phận tỉnh Bắc Kạn theo Quốc lộ 3 đến trung tâm thành phố Cao Bằng.

Ảnh: Thanh Tính

Cung đường thứ hai theo Quốc lộ 3 cũ, đi theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Hà Giang – Cao Bằng. Lưu ý, đường xá vào mùa mưa có thể khó đi vì trơn trượt, có đoạn sạt lở, nên liên hệ trước nhà xe để biết hướng di chuyển của nhà xe vì các tuyến xe chưa chắc cố định. Tổng chi phí chuyến đi tầm 2.500.000 đồng/người.
 
Bên trên