Hàng trăm người diễu hành cổ phục trên phố đi bộ Hà Nội

tran hương

Well-known member
Hàng trăm người diễu hành cổ phục trên phố đi bộ Hà Nội
Khoảng 400 người trong trang phục cổ Việt Nam diễu hành trên phố cổ Hà Nội thu hút sự quan tâm từ du khách trong lẫn ngoài nước, chiều 17/11.
21

Ngày hội Việt phục "Bách Hoa Bộ Hành" lần thứ tư thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội nhận được sự chú ý lớn từ người dân và du khách. Đoàn diễu hành năm nay có khoảng 400 người, mang tới cho người xem các bộ cổ phục thuộc nhiều thời kỳ.
Bắt đầu từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, đoàn đi qua phố Tràng Tiền và diễu hành dọc phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Người dân, du khách đã xếp hàng kín hai bên đường ở mọi nơi đoàn diễu hành đi qua để lưu lại những khoảnh khắc hiếm có.
Trong hình là đoàn kỵ xạ mặc áo giao lĩnh - trực lĩnh thời Lê, dẫn đầu đoàn diễu hành cổ phục. Nhiều người xem tỏ ra thích thú vì có cả sự xuất hiện của ngựa trên phố.

Tình nguyện viên mặc áo đối khâm - loại áo thường được dùng làm trang phục mặc ngoài, xẻ tà hai bên đem đến cảm giác nhẹ nhàng.

Một tình nguyện viên tham gia đang cầm chiếc mũ Cửu Long - được mô phỏng từ thành quả dự án phục dựng của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2010 và cuốn sách "Ngàn Năm Áo Mũ" năm 2013. Anh Vũ Đức, đại diện ban tổ chức Bách Hoa Bộ Hành nói những dự án lớn này đã truyền cảm hứng trực tiếp cho phong trào tái hiện Việt phục của người trẻ.


Đoàn diễu hành cổ phục đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Một số du khách còn được người thân cõng lên để có bức ảnh tốt nhất. Nhiều khách cho biết ''choáng ngợp" với quy mô của đoàn diễu hành và sự đa dạng của các bộ cổ phục. Dù không hiểu rõ về từng bộ trang phục, đa số đánh giá đây là trải nghiệm thú vị, hiếm có trên phố đi bộ.
"Tôi không biết gì về sự kiện này nhưng trang phục của Việt Nam thật ấn tượng", Anna, du khách Ba Lan, nói.

Nhóm diễu hành trong bộ lễ phục thời Nguyễn với hai người đi trước (áo đỏ) mặc đồ hoàng tử, công chúa; nhóm phía sau là áo dành cho quan lại.


Nhóm diễu hành với trang phục vân kiên cách tân. Vân kiên là những mảnh vải được choàng trên cổ như một món trang sức cho quý tộc, giúp giữ sạch cổ, vai áo.

Arthur, du khách Pháp vừa đến Hà Nội một ngày và không ngờ được chứng kiến khung cảnh đáng nhớ như vậy trên phố đi bộ. Tại Pháp, giới trẻ không mặc cổ phục và diễu hành nên anh càng ấn tượng hơn với tình yêu lịch sử, văn hóa của người Việt Nam.
"Tôi nghĩ các du khách nước ngoài khác cũng bị hấp dẫn bởi cổ phục của Việt Nam khi nhìn thấy cảnh này", anh nói và cho biết sẽ mặc thử cổ phục Việt Nam một lần nếu có cơ hội.

Ngọc Hoài, người Hà Nội, đã xem lễ diễu hành Bách Hoa Bộ Hành năm ngoái và nhận xét quy mô, sự đa dạng trang phục trong năm nay "ấn tượng hơn hẳn". Cô đã theo đoàn từ đầu và thấy khung cảnh đoàn người mặc cổ phục trên phố đi bộ đọng lại nhiều cảm xúc nhất trong toàn bộ hành trình.
"Với một không gian tập trung đông du khách như này, tôi nghĩ buổi diễu hành sẽ là cách tốt để quảng bá văn hóa Việt Nam", cô nói.


Đại diện ban tổ chức Bách Hoa Bộ Hành mong muốn sự kiện sẽ thúc đẩy phong trào nghiên cứu, phục dựng cổ phục tại Việt Nam, đặc biệt với những người trẻ.
Phong trào này đã được quan tâm trong khoảng 10 năm trở lại đây với nhiều đơn vị nghiên cứu, thiết kế độc lập. Bách Hoa Bộ Hành là nơi quy tụ các đơn vị khắp cả nước, qua đó đem đến cho người dân, du khách cái nhìn mới mẻ về Việt phục.
"Lễ diễu hành là cách chúng tôi thể hiện tình yêu, niềm tự hào với Việt phục", anh Đức nói, ví đoàn người trong bộ Việt phục như "trăm hoa đua nở, dập dìu trẩy hội".
Trong hình là trang phục của hoàng gia triều Nguyễn.

Bên cạnh các khối cổ phục Việt Nam, lễ diễu hành năm nay còn có một khối mặc trang phục truyền thống của Mông Cổ để kỷ niệm 70 quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
 
Bên trên