Hé lộ về dự án tên lửa trăm tỉ USD của Mỹ

Chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Mỹ có nguy cơ “đứt gánh giữa đường” do đội vốn quá lớn theo luật định.


Bloomberg cho hay vào tháng 8-2020, giới chức Mỹ đã phê duyệt chương trình lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sentinel với chi phí ban đầu 96 tỉ USD.

Chương trình do nhà thầu Northrop Grumman Corp phụ trách, nhằm sản xuất 659 tên lửa Sentinel để thay thế các tên lửa Minuteman III có từ những năm 1970. Dự án đầy tham vọng này là một phần của tiến trình hiện đại hóa cả ba nhánh vũ khí hạt nhân trên không - đất - biển của Mỹ để duy trì ưu thế với Trung Quốc.

Dự án tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Sentinel dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc hội Mỹ nhưng sau hơn 3 năm triển khai nó đã phát sinh chi phí quá lớn.



Hé lộ về dự án tên lửa trăm tỉ USD của Mỹ- Ảnh 1.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa đạn đạo liên lục địa Sentinel của Mỹ. Ảnh: Bloomberg



Ước tính mỗi ICBM và các chi phí liên quan, như xây dựng hầm chứa, có thể đội vốn hơn 50% so với ước tính 118 triệu USD của hiện tại. Do đó về lý thuyết, việc sản xuất 659 tên lửa Sentinel có thể đội vốn lên tới gần 117 tỉ USD.

Điều này có thể khiến dự án vi phạm Luật Nunn-McCurdy. Luật được đặt theo tên của cựu Thượng nghị sĩ Sam Nunn và cựu Hạ nghị sĩ David McCurdy vào năm 1982.

Luật Nunn-McCurdy buộc Lầu Năm Góc phải thông báo cho quốc hội Mỹ và phải giải trình bất cứ dự án nào đội vốn ban đầu 15%, 25% hoặc tối đa 50%. Khi đó, để tiếp tục dự án, Lầu Năm Góc có thể sẽ phải yêu cầu bổ sung kinh phí.

Kích hoạt luật Nunn-McCurdy, quốc hội Mỹ sẽ phải đánh giá và đưa ra quyết định xem có tiếp tục chương trình phát triển ICBM mới hay không.

Không quân Mỹ đang tiến hành đánh giá và họ cần thêm khoảng 45 ngày để đưa ra kết luận liệu chương trình Sentinel có đội vốn vượt quá ngưỡng theo luật định hay không.

"Nếu phải kích hoạt luật Nunn-McCurdy, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Sentinel sẽ đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ" – Bloomberg nhận định.
 
Bên trên