Hiểu về internet để tăng tốc truy cập ổ cứng mạng NAS lên mức tối đa mà phần cứng có thể đáp ứng

linh_449

Linh Linhh
Hiểu về internet để tăng tốc truy cập ổ cứng mạng NAS lên mức tối đa mà phần cứng có thể đáp ứng


Một trong các ưu điểm khi mình sử dụng ổ cứng mạng (NAS) thay cho các dịch vụ lưu trữ đám mây (Google, OneDrive, iCloud) là nhiều trường hợp sử dụng, mình sẽ có tốc độ truy cập và truy xuất dữ liệu từ NAS nhanh hơn Cloud

Mình từng có một bài viết phân tích và thực hiện một số bài test để so sánh thực tế tốc độ truy cập giữa NAS và Cloud , anh em có thể xem thêm để hiểu rõ hơn nhận định phía trên của mình. Bài viết này đã được rút gọn những phần không cần thiết đối với anh em Tinh Tế, vì anh em rành công nghệ rồi. Nếu muốn anh em có thể xem bài viết gốc tại đây. Nội dung này nằm trong chuỗi bài viết Tất tần tật về NAS cho người dùng cá nhân và gia đình

Tuy nhiên, trong những bài chia sẻ trước, vẫn có một số anh em chưa tận dụng được lợi thế của NAS và phản hồi với mình là kết nối đến NAS đang bị chậm. Mới chưa có kinh nghiệm sử dụng, mình cũng gặp tình trạng tương tự

Hiện tại, mình đã có một vài giải pháp để khắc phục việc đó và tăng tốc độ truy cập NAS lên mức tối đa mà đường truyền hay phần cứng có thể đáp ứng. Trong bài viết này mình sẽ mổ xẻ vấn đề và hướng dẫn giải pháp đến anh em để có thể tối ưu tốc độ truy cập NAS.
Nguyên nhân kết nối chậm

Trước tiên, chúng ta sẽ đi tìm hiểu nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng đến tốc độ truy cập NAS bằng cách phân tích con đường mà dữ liệu sẽ đi qua, rồi sau đó xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ, mình gọi là giới hạn (hoặc là điểm thắt nút cổ chai) khiến anh em không thể truy cập NAS với tốc độ cao

Con đường kết nối

Lúc mới tiếp cận và sử dụng NAS, mình chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về network và internet, với mình con đường kết nối chỉ là
Internet NAS - Cloud.png

Hồi đó, mình có những lầm tưởng rằng “vì cùng kết nối internet nên nếu internet chậm thì NAS và Cloud sẽ chậm như nhau”

Nhưng sau khi sử dụng và tìm hiểu, mình biết được Internet được tạo ra từ rất nhiều các network nhỏ, hệ thống mạng trong gia đình cũng là một network nhỏ như vậy (Local Network). Nhiều network nhỏ kết nối với nhau sẽ có network lớn (WAN – Wide Area Network) và rồi khi nhiều network lớn nối với nhau, chúng ta có Internet (Inter-Network)
Internet-in-real.jpeg

Nguồn ảnh: CiscoPress
Chính vì vậy, để kết nối đến NAS, chúng ta cũng sẽ có nhiều cách khác nhau. Trong bài này mình chia ra làm 3 cách kết nối chính là Mạng nội bộ, Mạng internet trong nước và Mạng internet quốc tế. Bên cạnh đó là các phương thức kết nối tương ứng như Local IP, Public IP, DDNS và trên NAS Synology mình đang dùng có thêm 1 phương thức tên là QuickConnect

Mạng nội bộ


Máy tính và NAS kết nối cùng 1 mạng LAN, WLAN, hiểu đơn giản hơn là cả 2 thiết bị kết nối vào cùng 1 Modem/Router. Thường sẽ dùng Local IP cho kết nối này. Với kết nối này chúng ta chưa cần đến internet. (Nếu có internet thì có thể dùng thêm Quick Connect để kết nối nội bộ)
GH Mang noi bo.png


Mạng internet trong nước

Máy tính ở ngoài mạng nội bộ nhưng vẫn ở trong nước, kết nối đến NAS qua internet. Các trường hợp cơ bản là NAS để ở nhà (địa điểm B) và mang máy tính đến cơ quan, đi cafe, sang nhà người thân (địa điểm A). Thường chúng ta sẽ dùng Public IP, DDNS hoặc QuickConnect cho kết nối này. Có internet nghĩa là sẽ có thêm một số các giới hạn tham gia vào con đường kết nối (màu cam)
Gioi han mang trong nuoc.png


Mạng internet quốc tế

Máy tính truy cập đến NAS qua internet nhưng trên đường kết nối lại đi qua máy chủ nước ngoài. Thường chúng ta sẽ dùng QuickConnect cho kết nối này. Và đây cũng là kết nối có thể khiến anh em truy cập NAS bị chậm vì phải đi qua định tuyến quốc tế. Mà anh em biết tốc độ internet quốc tế của chúng ta như thế nào rồi đấy. Tất nhiên, lại có thêm giới hạn tham gia vào con đường kết nối này (màu đỏ)
Gioi han mang quoc te.png


Anh em có thể thấy QuickConnect xuất hiện trong cả 3 tình huống trên. Vì nguyên lý hoạt động của QuickConnect là sẽ check xem chúng ta đang có thể kết nối đến NAS bằng cách nào nào và sẽ tự động chọn con đường nhanh nhất


Nhiều anh em dùng NAS bị chậm, nguyên nhân có thể vì anh em chưa sử dụng con đường kết nối tối ưu đến NAS, ví dụ ngồi ở nhà nhưng lại đang vô tình kết nối qua con đường internet quốc tế thay vì dùng kết nối nội bộ hoặc trong nước

Kết nối đến Cloud

Ngoài ra, mình bổ sung thêm con đường truy cập đến Cloud phổ biến hiện nay, khi mà máy chủ của họ vẫn đang nằm ở nước ngoài để anh em tham khảo vì phía sau bài viết mình cũng sẽ đề cập đến
GH Cloud.png


Các giới hạn trên con đường kết nối
  • Đường càng xa thì tốc độ càng bị ảnh hưởng, có thể do hao hụt trên đường truyền
  • Càng nhiều thành phần, sẽ càng có nhiều giới hạn, tốc độ càng bị ảnh hưởng.
  • Tất cả các thành phần đang nhanh, chỉ 1 thành phần chậm là cả đường sẽ chậm, đây là hiện tượng thắt núi cổ chai.
  • Trong các giới hạn trên, có những thứ anh em can thiệp để tăng tốc được và có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát
Tốc độ nhanh nhất anh em có được là tốc độ của điểm có nút thắt cổ chai. Mà điểm nút thắt cổ chai lại là điểm có tốc độ thấp nhất trên đường truyền. Chúng ta nên chọn đúng con đường tối ưu, ngắn nhất và ít bị thắt nút cổ chai nhất, chúng ta sẽ có tốc độ truy cập NAS tốt hơn

Kiểm tra anh em đang kết nối đến NAS qua con đường nào

Thường trong quá trình setup một chiếc NAS mới, chúng ta sẽ cài đặt QuickConnect ID rồi, tuy nhiên, nếu bạn nào chưa biết, có thể xem thêm trong phần 3 của bài viết này. Vì anh em truy cập bị chậm nên khả năng là đang kết nối qua Relay Server của Synology với máy chủ ở nước ngoài. Thêm combo đứt cáp hiện nay nữa thì đảm bảo tốc độ kết nối sẽ chậm thê thảm. Chúng ta có thể dùng QuickConnect để kiểm tra và xác nhận:
  • Mạng nội bộ: Link trả về có dạng ip-của-nas.tên-nas.direct.quickconnect.to
  • Mạng internet trong nước: thường trả về đường link DDNS hoặc Public IP
  • Mạng internet quốc tế: thường link trả về sẽ có dạng tên-nas.tw1.quickconnect.to – thành phần tw1 trong link có thể là tw5, tw6 hoặc bất kì số nào khác, nhưng cơ bản nếu là link dạng này tức là bạn đang kết nối đến NAS qua Relay Server của Synology tại ở nước ngoài
kiem tra ket noi bang quick connect.png


Tăng tốc độ kết nối lên mức tối đa có thể

Sau khi đã hiểu hơn về các giới hạn, chúng ta bắt đầu phân tích và xử lý các điểm thắt nút

Để cụ thể mình sẽ lấy con số 1Gbps (~119MB/s) để làm mục tiêu, vì đây là ngưỡng tốc độ phổ thông của các thiết bị mạng hiện tại khi anh em sử dụng cho cá nhân và gia đình (còn doanh nghiệp hoặc người dùng chuyên nghiệp có thể họ dùng đến ngưỡng 2.5Gbps hay 10Gbps). Trong các giới hạn mình đề cập ở trên, chúng ta và chúng ta sẽ tối ưu những thứ nằm trong tầm kiểm soát

Lưu ý: Tốc độ tối đa có thể đạt được có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như hao hụt đường truyền hay chia sẻ băng thông giữa nhiều người sử dụng nên tốc độ thực tế có thể sẽ thấp hơn

Lúc ở nhà, rõ ràng anh em nên dùng kết nối nội bộ, có quãng đường ngắn nhất, ít thành phần nhất và sẽ cho anh em tốc độ nhanh nhất

Phần 1: Mạng nội bộ
Mang noi bo.png



Về phần cứng

Tốc độ Wifi của máy tính
  • Kiểm tra tốc độ tối đa mà máy tính có thể kết nối được. Cái này thường sẽ có trong quảng cáo của nhà sản xuất.
  • Kiểm tra xem máy tính đang kết nối đến Wifi qua băng tần nào. Thông thường băng tần 5Ghz (~450-1300 Mbps) sẽ có tốc độ cao hơn 2.4Ghz (~300Mbps)
  • Càng ở gần nơi phát Wifi, tốc độ sẽ càng cao hơn. Càng ít vật cản giữa máy tính và bộ phát, tốc độ sẽ càng tốt hơn
Tốc độ modem, router
  • Kiểm tra xem Modem có thể truyền phát sóng Wifi ở mức băng thông nào, thông thường với các Router phổ thông hay Modem nhà mạng cung cấp, mức tốc độ thường là 300Mbps cho băng tần 2.4Ghz và 867Mbps cho băng tần 5Ghz. Một số modem cao cấp bây giờ đã có thể lên tốc độ cao hơn nhiều (1.3Gbps; 1.6 Gbps…)
  • Kiểm tra cổng LAN trên Modem xem hỗ trợ đường truyền tốc độ nào. 1Gbps hay 100Mbps. Thường modem nhà mạng và router hiện nay đa phần đã hỗ trợ LAN 1Gbps
  • Nếu trên con đường kết nối có thiết bị trung gian, cũng cần đảm bảo thiết bị đó đang hỗ trợ tốc độ lớn hơn hoặc bằng 1Gbps
Tốc độ dây cáp mạng:
Đây là món dễ bị bỏ qua vì đôi khi chúng ta nâng cấp thiết bị, gói cước mạng nhưng vẫn sử dụng dây cáp cũ
  • Dây càng dài, tốc độ sẽ càng suy giảm, tuy nhiên không ảnh hưởng quá nhiều
  • Chuẩn kết nối của dây mới ảnh hưởng lớn. Dây có chuẩn CAT5 chỉ hỗ trợ 100Mbps. Dây CAT5e và CAT6 mới hỗ trợ 1Gbps. Phân biệt cảm quan có 2 cách: (1) là tìm thông số được in ở trên dây và (2) là nhìn chân tiếp xúc của cáp, nếu chỉ có 4 lõi, chắc chắn đó là sợi cáp tốc độ chậm, có đủ 8 lõi thì hên xui
  • Một cách nữa để kiểm tra đó là có thể truy cập vào Modem và NAS để xem thông tin kết nối, nếu ở giữa 2 thiết bị không có bất cứ thiết bị trung gian nào, anh em thấy cả 2 bên hiện 1Gbps hoặc 1000Mbps là ổn
check day cap mang.png


Tốc độ cổng mạng trên NAS:
Đây thường không phải vấn đề vì hầu như NAS hiện nay đều hỗ trợ cổng LAN 1Gbps, có những mẫu có 2 cổng LAN anh em có thể link hai cổng với với nhau để đạt 2Gbps. Cả 2 chiếc ổ cứng mạng mình đang sử dụng đều hỗ trợ 2 cổng LAN, anh em có thể tham khảo thêm trên trang chủ DS923+ và DS220+
Cũng có những NAS hỗ trợ cả cổng mở rộng để gắn card LAN rời 10 Gbps như chiếc DS923+, tương lai nếu các thiết bị mạng và máy tính đáp ứng được 10gbps, mình có thể nâng cấp lên ngưỡng đó để edit video trực tiếp từ NAS chẳng hạn
LAN NAS.png


Tốc độ đọc ghi ổ cứng
Đây cũng không phải vấn đề với mục tiêu 1Gbps vì băng thông của SATA3 trên NAS là 6Gbps và tốc độ ổ cứng HDD trung bình là 160-200 MB/s tương đương 1.3 – 1.7 Gbps, thoải mái đáp ứng ngưỡng 1Gbps. Người dùng chuyên nghiệp nếu muốn tốc độ cao hơn có thể dùng SSD thay cho HDD hoặc dùng SSD Cache
HDD speed 2.png

Hiện mình đang dùng ổ Seagate Ironwolf for NAS cho chiếc DS220+ và ổ Synology HAT5300 cho chiếc DS923+

Sau khi đã kiểm tra hết các thành phần phần cứng trên, anh em sẽ tiệm cận được đến mức 1Gbps khi truy cập NAS bằng mạng nội bộ

Cá nhân mình, tốc độ của tất cả mọi thứ đều lớn hơn hoặc bằng 1Gbps, nhưng Modem nhà mạng chỉ có thể phát Wifi ở mức 867Mbps nên khi kết nối đến NAS qua wifi, mình chỉ có thể kết nối ở nhỏ hơn hoặc bằng ngưỡng đó
Toc do NAS cao.png


Về phần mềm

Nếu phần cứng đã đủ đáp ứng, chúng ta sẽ cần kiểm tra tiếp phần mềm. Trong mạng nội bộ chỉ có 3 thiết bị chính cần kiểm tra là máy tính, modem và NAS. Chúng ta cần kiểm tra xem có đang đặt giới hạn băng thông hay tường lửa hay bất cứ thứ gì có thể ảnh hưởng đến tốc độ truy cập không

Cách sử dụng

Khi ở trong mạng nội bộ, chúng ta chỉ cần biết địa chỉ IP của NAS là có thể sử dụng Local IP này để truy cập. Có một vài cách biết địa chỉ IP này
  • Cách 1: Nếu mạng nội bộ đang có kết nối internet, có thể sử dụng công cụ finds.synology.com để tìm IP của NAS trên mạng nội bộ
  • Cách 2: Nếu mạng nội bộ đang có kết nối internet, và đã cài đặt QuickConnect trên NAS lúc setup ban đầu, anh em cũng có thể dùng QuickConnect để kết nối nội bộ đến NAS. Sẽ hơi một chút mất thời gian để kết nối đến Server của QuickConnect nhằm lấy thông tin của NAS, nhưng sau đó khi đã kết nối nội bộ thì tốc độ truy cập NAS cũng rất nhanh
  • Cách 3: Có thể truy cập vào Modem (thường là 192.168.1.1 admin admin) để xem địa chỉ IP của NAS là bao nhiêu (thường là 192.168.1.x)
  • Và nếu tiện vào Modem xem rồi thì hãy gán luôn IP tĩnh cho NAS theo MAC Address của NAS ở phần DHCP Binding trên Modem. Ở trên NAS không cần làm gì, cứ cài đặt Auto nhận DHCP. Như vậy thì IP của NAS sẽ luôn cố định dù có khởi động lại Modem hay NAS và giúp anh em dễ truy cập hơn. Hoặc khi anh em cắm NAS qua Modem hay Router khác thì NAS vẫn sẽ nhận được IP từ thiết bị mạng mới
  • Nếu cài Static IP ở trong NAS thay vì modem (ví dụ: 192.168.1.10) sẽ có trường hợp (1) không kết nối được đến internet vì IP đó đã được modem cấp cho thiết bị khác hoặc (2) lúc cắm sang thiết bị router hay modem khác không dùng chung gateway (192.168.2.1 chẳng hạn) NAS sẽ không cùng nằm trên dải IP nên không kết nối được internet. Đó là lý do mình thấy nên cài đặt IP Binding trên Modem, còn trên NAS để Auto DHCP như mặc định





Phần 2: Mạng internet trong nước
Intenet trong nước.png



Về phần cứng

Đối với kết nối đến NAS (ở nhà, địa điểm B) khi anh em ra khỏi nhà nhưng vẫn ở trong nước (nhà bạn bè, cafe, địa điểm A), về mặt phần cứng, so với kết nối nội bộ sẽ có thêm những giới hạn sau trên con đường kết nối
  • Tốc độ modem A
  • Băng thông nhà mạng A
  • Tốc độ định tuyến trong nước
  • Băng thông nhà mạng B
Tuy nhiên, trong những giới hạn này, chỉ có 1 thứ anh em kiểm soát được, đó là băng thông của nhà mạng tại nhà của anh em (Băng thông nhà mạng B). Anh em dùng gói có giá cao thì có tốc độ cao và ngược lại. Phần này mình cứ lấy tạm tốc độ gói mạng gia đình phổ thông là 300Mbps

Vì là kết nối trong nước, tốc độ định tuyến trong nước cũng sẽ rất nhanh, gần như sẽ không nhỏ hơn giới hạn băng thông tại nhà anh em

Khi đến các địa điểm A, nếu địa điểm đó có modem xịn wifi 1Gbps, dùng gói cước mạng nhanh hơn 300Mbps, giả sử là 500Mbps đi. Thì lúc này trên toàn bộ con đường, chính giới hạn tốc độ gói cước tại nhà đang là điểm thắt nút. Anh em chỉ có thể truy cập đến NAS với tốc độ 300Mbps
Gioi han 1.png

Nếu địa điểm A chỉ có modem kém, tốc độ 50Mbps hay gói cước mạng kém 50Mbps, hay họ đặt các giới hạn về tốc độ bằng phần mềm cho các user, mỗi user chỉ có băng thông 50Mbps. Thì tốc độ tối đa mà anh em kết nối đến NAS hay bất cứ nơi nào khác, cũng chỉ có thể đạt 50Mbps mà thôi

Gioi han 2.png


Tất nhiên, với các trường hợp sử dụng thực tế thông thường như ở cơ quan, sang nhà bạn bè, người thân, hầu như tốc độ modem A và băng thông nhà mạng A sẽ đủ nhanh và nhiều trường hợp anh em sẽ đạt mức 300Mbps này, cùng lắm nơi nào dùng gói mạng thấp thì cũng phải đạt ngưỡng 100Mbps – 150Mbps

Quán cafe hay các địa điểm công cộng thì có thể sẽ thấp hơn khi có nhiều người cùng sử dụng hoặc họ đặt giới hạn băng thông

Một lưu ý nhỏ về phần cứng trước khi đi vào setup phần mềm

NAS nên ở lớp mạng đầu tiên ngay sau mạng WAN. Hiểu đơn giản là cắm NAS trực tiếp vào Modem mà không có Router trung gian (cấp DHCP lớp mạng thứ 2). Như vậy, các bước setup bên dưới sẽ dễ dàng hơn để anh em có thể truy cập đến NAS bằng kết nối trong nước. Nếu cắm qua 2 lớp mạng (double NAT), anh em sẽ cần cấu hình nhiều hơn và phức tạp hơn
Double NAT.png


Về phần mềm

Để sử dụng kết nối này, chúng ta sẽ phải cấu hình ở trong modem để có thể truy cập đến NAS từ mạng Internet. Chúng ta sẽ truy cập vào Modem (thường là 192.168.1.1 admin admin)
  • Bật NAT trên modem (thường hầu hết modem hiện nay đã bật sẵn)
  • Bật UPnP trên Router (thường một số modem cũng bật sẵn), sau đó có thể tự setup port mapping tự động từ NAS.
  • Ở trên NAS Synolgoy, anh em vào Control Panel > External Access > Router Configuration và ấn Set up router. Lúc này NAS sẽ tự động chạy 1 bài test nhanh về network và kiểm tra xem Router có hỗ trợ cấu hình tự động này không. Nếu có, chỉ cần ấn Apply là NAS sẽ tự cấu hình Port trên Router qua UPnP. Sau đó, anh em có thể Test Connection, nếu tất cả các port hiện status là Normal hay OK tức là đã cấu hình thành công.
Router Setup.png

  • Tuy nhiên, tiện lợi đi kèm với thiếu bảo mật, UPnP sẽ kém an toàn vì một thiết bị có thể yêu cầu port mapping cho một thiết bị khác. Vì vậy, mình không khuyến cáo dùng giải pháp này, mới ban đầu khi chưa quen việc config router/modem thì có thể dùng tạm, nhưng khi quen rồi, chúng ta nên setup Port Forwarding thủ công
  • Nếu Modem/Router không hỗ trợ setup tự động qua UPnP, hay trong mạng của anh em có nhiều hơn 1 thiết bị mà anh em muốn truy cập từ Internet, hay anh em muốn truy cập an toàn hơn UPnP. Anh em nên setup Port Forwarding thủ công trong Modem, lúc này có thể tắt UPnP. Cài Port Forwading trên modem cũng không quá khó, có thể làm tìm và làm theo hướng dẫn của chính modem anh em đang sử dụng.
  • Còn để biết cần mở những Port nào, trên NAS anh em có thể vào Control Panel > Info Center > Services để xem danh sách các dịch vụ đang chạy và những Port được sử dụng. Sau khi mở Port, có thể kiểm tra ở các công cụ test port như ping.eu

Lưu ý: Khi mở cửa cho NAS kết nối ra internet, anh em sẽ cần nâng cao bảo mật và an toàn cho NAS, mình sẽ dành một bài viết chi tiết cho vấn đề này, nhưng sẽ liệt kê nhanh một số điểm cần lưu tại đây:
  • Tắt UPnP và thiết lập Port Forwarding thủ công (cho những dịch vụ anh em đang sử dụng)
  • Trên NAS, tắt hết dịch vụ không sử dụng như SSH, FTP, Telnet…
  • Thay đổi port mặc định thành các port tuỳ chỉnh
  • Sử dụng các kết nối bảo mật như HTTPS
  • Tắt tài khoản admin mặc định, dùng tài khoản admin tuỳ chỉnh
  • Bật bảo mật 2 lớp cho tài khoản admin
  • Bật chế độ bắt buộc sử dụng mật khẩu mạnh cho tất cả user (phải có in hoa, số, ký tự đặc biệt…)
  • Bật tính năng chặn IP đăng nhập sai nhiều lần
  • Có thể bật firewall giới hạn vùng truy cập hoặc khoảng IP truy cập đến NAS

Cách sử dụng
  • Cách 1: Truy cập NAS bằng Public IP. Anh em có thể tìm thấy thông tin Public IP trong modem, hoặc trên trang whatismyip.com nếu đang dùng chung đường mạng với NAS
  • Tuy nhiên, vì hầu hết gia đình và cá nhân sử dụng các gói mạng phổ thông đều sẽ chỉ được kết nối đến internet qua Public IP Động cấp phát từ nhà mạng. Vì vậy, mỗi khi khởi động lại Modem, anh em sẽ lại có một Public IP mới. Và để tiện hơn cho việc kết nối, anh em nên sử dụng DDNS
  • Cách 2: Truy cập NAS bằng DDNS hostname. DDNS hoạt động bằng cách kết nối NAS đến Server DDNS, và cập nhật địa chỉ Public IP động lên Server định kỳ, đồng thời gán IP động cho một hostname cố định mà anh em chọn trước. Khi muốn truy cập NAS từ Internet, chỉ cần dùng hostname để truy cập mà không cần phải nhớ đến Public IP nữa
  • Để cài đặt DDNS, trên NAS vào External Access > DDNS > Add. Tại đây, chúng ta có thể chọn nhà cung cấp, mình chọn của Synology luôn vì được miễn phí. Sau đó điền tên hostname là xong. NAS sẽ tự test kết nối xem DDNS có hoạt động không. Nếu Status là Normal tức là chúng ta đã cài đặt DDNS thành công và có thể truy cập bằng DDNS. Để sử dụng DDNS của Synology, anh em cần đăng nhập tài khoản Synology Account tại Control Panel > Synology Account
  • Cách 3: Nếu không muốn dùng DDNS, chúng ta cũng có thể dùng VPN Server. Tuy nhiên, cài đặt cái này hơi phức tạp hơn chút nên mình sẽ chia sẻ trong một bài viết kế tiếp nhé
  • Cách 4: có thể sử dụng QuickConnect, lúc này sẽ trả về link dạng DDNS hoặc Public IP của anh em (như cách 1 và 2)

Phần 3: Mạng internet quốc tế

Về phần cứng

Nếu so với kết nối nội bộ, danh sách dưới là những thứ gia tăng giới hạn nếu so với kết nối nội bộ
  • Tốc độ modem A
  • Băng thông nhà mạng A
  • Tốc độ định tuyến trong nước
  • Tốc độ định tuyến quốc tế
  • Tốc độ định tuyến trong nước
  • Băng thông nhà mạng B
Cũng như trên, chỉ có thành phần Băng thông nhà mạng B là chúng ta kiểm soát được. Còn lại những thành phần khác nằm ngoài tầm kiểm soát. Và đối với kết nối dạng này, thường điểm thắt nút sẽ là tốc độ định tuyến quốc tế. Tuy rằng chỉ là 1 giới hạn, nhưng trong thực tế, tốc độ định tuyến quốc tế phụ thuộc vào tập hợp của nhiều máy chủ định tuyến tuỳ vào việc chúng ta kết nối đến đâu trên thế giới
internet quoc te.png


Hầu như hiện nay, các gói cước phổ thông của các nhà mạng đều không có cam kết gì về tốc độ quốc tế, vì vậy đa phần là kết nối quốc tế chậm hơn kết nối trong nước. Chưa kể nếu có sự cố đứt cáp thì tốc độ còn chậm nữa. Đôi khi tốc độ kết nối quốc tế chỉ đạt 40-60Mbps hoặc thấp hơn, và chúng ta hầu như không thể kiểm soát hay cải thiện được chuyện này nếu đang sử dụng gói cước gia đình thông thường. Trừ khi anh em nâng cấp gói cước rất xịn và có cam kết tốc độ quốc tế ở mức rất cao

Về phần mềm

Chúng ta cần cài đặt QuickConnect trên NAS để kết nối thông qua đường truyền quốc thế, bằng cách
  • Đăng nhập Synology Account tại Control Panel > Synology Account
  • Kích hoạt tính năng tại Control Panel > External Access > QuickConnect > Check vào ô Enable và chọn QuickConnect ID
  • Giao thức này có phần an toàn hơn các giao thức ở Phần 2 vì anh em sẽ kết nối thông qua Server trung gian của Synology, chỉ cần có Internet cấp cho NAS là tính năng này có thể hoạt động ngay cả khi chúng ta không mở port trên modem. Tất nhiên đánh đổi lại là tốc độ truy cập sẽ chậm hơn vì phải kết nối qua server ở nước ngoài
Quick Connect Setup.png


Cách sử dụng

Thực ra, sau khi đã setup và sử dụng được kết nối internet trong nước, thậm chí anh em sẽ gặp khó khăn khi muốn kết nối bằng Internet quốc tế. Vì QuickConnect luôn ưu tiên kết nối nhanh nhất có thể dùng được, vậy nên nó sẽ đẩy kết nối về dạng nội bộ hoặc DDNS, đó là lý do vì sao nếu đã setup được kết nối trong nước thì sẽ khó có thể dùng kết nối nước ngoài
Nhưng đây vẫn là một phương thức kết nối phòng hờ cho các trường hợp chúng ta bị mất các loại kết nối nhanh hơn kia, có thể xảy ra do cấu hình modem sai hoặc cấu hình Network trên NAS chưa đúng. Lúc này, vẫn có thể dùng QuickConnect để truy cập vào NAS và chỉnh sửa lại cấu hình, nhằm khôi phục lại các phương thức kết nối nhanh hơn
Nếu muốn trải nghiệm kết nối này
  • Trường hợp 1: Khi ở ngoài mạng nội bộ, chỉ cần tắt hết các Port đã mở trên modem (hoặc chỉ cần tắt port của DSM), là cũng mất luôn con đường Public IP và DDNS để kết nối đến NAS.
  • Trường hợp 2: Khi ở nhà, nếu dùng wifi, anh em có thể tắt port và bật chế độ SSID Isolation trong Modem. Hoặc, anh em cắm NAS vào lớp mạng thứ 2, còn máy tính kết nối đến lớp mạng thứ nhất. Lúc này NAS vẫn truy cập được Internet nhưng anh em đã không còn truy cập được NAS bằng các phương thức nhanh hơn nữa rồi
Và cách duy nhất còn lại để kết nối đến NAS cho cả 2 trường hợp trên trên đó là sử dụng QuickConnect, anh em sẽ kết nối đến NAS qua Relay Server của Synology tại ở nước ngoài do QuickConnect đang không thể tìm thấy bất cứ kết nối nào ngắn hơn và nhanh hơn

Phần 4: Kết nối đến Cloud
ket noi cloud.jpg



Đến đây, mình muốn chia sẻ thêm vì sao tại thời điểm hiện tại, khi chúng ta truy cập đến các Cloud công cộng (Google, OneDrive, iCloud, DropBox, Box…), chúng ta khó có thể đạt mức tốc độ cao được. Lý do là vì hầu hết các Server của các dịch vụ đều nằm ở nước ngoài chứ chưa nằm ở Việt Nam, ít nhất ở thời điểm hiện tại, và một phần nữa vì số lượng người dùng rất đông nên cũng phải chia sẻ con đường kết nối với nhau

Về phần cứng

Khi kết nối đến dịch vụ Cloud chúng ta sẽ đi theo con đường sau:
  • Tốc độ Wifi
  • Tốc độ modem
  • Băng thông nhà mạng
  • Tốc độ định tuyến trong nước
  • Tốc độ định tuyến nước ngoài
  • Tốc độ truy cập máy chủ cloud
  • Ổ cứng trên Cloud
Những thứ mình bôi đậm là những thứ chúng ta không kiểm soát được. Và rõ ràng, tốc độ định tuyến nước ngoài có những giới hạn như mình đã chia sẻ ở phần 3 mình không nhắc lại nữa

Về phần mềm

Vì các dịch vụ Cloud họ phục vụ rất rất rất nhiều user, và để cân bằng được tốc độ của mọi người nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho tất cả, khả năng rất cao là họ cũng sẽ đặt giới hạn tốc độ truy cập máy chủ cloud cho user (và có thể một số giới hạn khác nữa như giới hạn dung lượng file trong ngày, hoặc giới hạn số lượng file). Điểm này mình chỉ phỏng đoán theo quan điểm cá nhân vì chưa có tìm được nhiều tài liệu khẳng định chính xác, mà chỉ có một vài tài liệu chắp vá từ các nguồn không đủ khách quan và trung lập

Nhưng cũng là điều dễ hiểu vì nếu thật sự họ có giới hạn tốc độ, họ cũng sẽ chả muốn công bố điều đó ra làm gì, vì như vậy sẽ làm họ bị giảm lợi thế cạnh tranh khi so với các Cloud khác và các giải pháp khác
Và khi sử dụng Cloud công cộng, chúng ta không có khả năng chủ động tăng tốc độ được. Kể cả anh em có chi tiền cho một đường truyền internet tốc độ cao, nhưng vẫn gặp những giới hạn không nằm trong sự kiểm soát của anh em thì có có thể những nỗ lực cải thiện của anh em có thể cũng không đem lại hiệu quả
Nang cap.png


Với NAS, mình hoàn toàn chủ động tăng tốc được. Như ở nhà, muốn có tốc độ nhanh hơn có thể tăng ngân sách vào thiết bị. Khi ra ngoài, muốn truy cập vào NAS nhanh hơn thì tăng gói cước mạng đang dùng. Muốn phục vụ nhiều user cùng lúc thì chọn phần cứng cũng như gói cước mạng tương ứng, mình chủ động được những việc đó hoàn toàn

Sử dụng linh hoạt các giải pháp để luôn có tốc độ cao

Mình chia sẻ trường hợp sử dụng thực tế của mình để luôn đạt tốc độ truy cập cao nhất có thể, anh em có thể tham khảo nha. Như trong rất nhiều bài viết trước đã đề cập, mình sử dụng cả 3 giải pháp lưu trữ với tốc độ khác nhau cho mục đích khác nhau
  • Ổ SSD rời, cắm USB-C 10Gbps
  • NAS, đang hướng đến 1Gbps
  • Cloud, không quan tâm tốc độ vì thường chậm
Mình thường lưu toàn bộ dữ liệu trên NAS và sau đó phân phối dữ liệu qua các giải pháp khác như sau:

Su dung cac giai phap hieu qua.png

Trên đây là những chia sẻ của mình nhằm giúp anh em tìm được ‘con đường đúng đắn’ để kết nối đến NAS, hi vọng bài viết sẽ hữu ích với các anh em. Chúc anh em sử dụng NAS vui vẻ, truy cập NAS tốc độ cao và không lãng phí tài nguyên mà anh em đã phải chi trả để được sử dụng
 
Bên trên