Hoạt động trải nghiệm cần thực chất, đi vào chiều sâu

Liễu Văn Tấn

Well-known member
Học tập trải nghiệm ngoài nhà trường là hoạt động cần thiết hỗ trợ học sinh kiến thức và kỹ năng. Tuy nhiên, để hoạt động giáo dục này đi vào chiều sâu, thực chất, có hiệu quả, cách thức tổ chức của nhà trường cần phải được đánh giá trên bình diện chung chứ không chỉ hướng đến việc đưa học sinh ra ngoài trường học.


Mọi hoạt động trải nghiệm phải tính đến yếu tố giảm áp lực, gánh nặng cho phụ huynh (ảnh minh họa)

Phải tính đến mục tiêu giáo dục

Nằm trong mục tiêu đổi mới giáo dục, thời gian qua Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Học sinh đi theo từng khối lớp đến các địa điểm văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn quận như Dinh Độc Lập, Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bưu điện Thành phố… Cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, với mỗi hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, trường sẽ giao cho tổ chuyên môn thực hiện. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ mục tiêu giáo dục hướng tới thông qua mỗi hoạt động. “Sẽ có những học sinh không thể tham gia được vì lý do nào đó thì tổ chuyên môn phải thiết kế hoạt động nào đó tương tự để các em có thể học tập, trải nghiệm. Tuy nhiên, dù hoạt động bổ trợ kiến thức môn học cho học sinh song nhà trường không sử dụng nội dung trải nghiệm này để đánh giá học sinh mà quan trọng hơn là giúp các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa trên địa bàn Q.1 cũng như TP.HCM, thông qua đó hình thành phẩm chất năng lực cho các em”, cô Chi chia sẻ.

Tương tự, mỗi năm học Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cũng đặt mục tiêu yêu cầu từng tổ chuyên môn tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh là 2 lần. Tuy nhiên, tùy từng môn học, các hoạt động trải nghiệm sẽ được tính toán, thiết kế tổ chức phù hợp với mục tiêu giáo dục. “Ví dụ, môn sinh học thì học sinh sẽ được tổ bộ môn đưa đi trải nghiệm tại Khu Công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức) hoặc là Thảo Cầm Viên Sài Gòn; lịch sử thì học sinh học thông qua việc đến bảo tàng, khu di tích; học ngữ văn thì có thể trải nghiệm trên tàu cao tốc… Với mỗi địa điểm đều được giáo viên đi tiền trạm trước để đảm bảo an toàn, xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó nêu rõ các mục tiêu mà học sinh cần đạt được trong chuyến trải nghiệm chứ không đơn thuần chỉ là thầy trò dẫn nhau đến đó xong rồi về…”, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du) chia sẻ.

Với các hoạt động trải nghiệm cần phải phối hợp với các đơn vị du lịch tổ chức để đảm bảo tính an toàn, chuyên nghiệp cao, cô Trang cho hay, dù hoạt động này không bắt buộc song nhà trường sẽ tính toán làm sao để tất cả học sinh đều được trải nghiệm. Những học sinh không có điều kiện đi vì khó khăn, nhà trường sẽ tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ các em. Còn những học sinh không thể đi được, giáo viên sẽ thiết kế các hoạt động trải nghiệm khác để các em tham gia, trải nghiệm.

Không tạo gánh nặng cho phụ huynh

Ông Dương Trí Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, hoạt động trải nghiệm được triển khai với mục đích củng cố kiến thức, tăng cường kỹ năng sống, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh và có thu phí khi triển khai thực hiện. Đây là hoạt động không bắt buộc, giáo viên không tính điểm hay kiểm tra, đánh giá học sinh. Khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai cuốn chiếu ở các bậc học, hai bậc THCS và THPT có thêm hoạt động giáo dục bắt buộc, tương đương một môn học là hoạt động trải nghiệm (triển khai ở khối lớp 6, 7) và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp (khối lớp 10). Hoạt động quy định thời lượng 3 tiết/tuần, giáo viên giảng dạy theo các chủ đề trong sách giáo khoa, có kiểm tra, đánh giá học sinh. Các trường có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ… Đối với hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường, có tiến hành thu phí, ban giám hiệu cần bàn bạc cụ thể với phụ huynh, tổ chức đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh tham gia. Học sinh nào không tham gia thì cơ sở giáo dục xây dựng phương án học tập tương đương cho học sinh, có kiểm tra, đánh giá bằng hình thức thay thế. Riêng ở bậc tiểu học, trường học phải đảm bảo an toàn cho học sinh, không tổ chức hoạt động trải nghiệm ra khỏi TP.HCM. Đối với hoạt động ngoài giờ chính khóa, kế hoạch tổ chức phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; đồng thời chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức, hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối lớp hoặc quá đông học sinh trong cùng thời điểm. Khi xây dựng chương trình, nhà trường phải đặt tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, nhân viên và học sinh làm trọng tâm hàng đầu, rà soát kỹ các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích đơn vị tổ chức đi tiền trạm địa điểm tổ chức trước khi xây dựng các phương án an toàn cho học sinh.


Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh cần hướng tới tính thực chất, hiệu quả, có mục tiêu giáo dục rõ ràng (ảnh minh họa)

Ông Cao Thanh Bình (Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM) nhìn nhận, việc tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa là tốt, song nhà trường cân nhắc thận trọng, đừng để tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh, nhất là các khu vực ngoại thành. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, sau dịch đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Quan điểm của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) là làm sao phải chấn chỉnh nghiêm túc, tránh tình trạng lạm thu từ hoạt động này, tránh tạo gánh nặng, áp lực lên phụ huynh. Tuyệt đối không bắt buộc học sinh tham gia. Khi tổ chức cần chú ý đến đối tượng học sinh khó khăn. Học sinh không đi thì cần tính có thêm hoạt động để các em tham gia. Đặc biệt, không dùng nội dung này để có hình thức đánh giá giáo viên như phê bình, hạ thi đua…

Ở góc độ ban giám hiệu nhà trường phải thận trọng, khảo sát đánh giá trước tỷ lệ học sinh tham gia trong hoạt động trải nghiệm là bao nhiêu, nếu tỷ lệ trên 80% thì khả thi, còn tỷ lệ không cao thì phải cân nhắc lại. Các buổi ngoại khóa cũng là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, không nên có thêm các khoản bồi dưỡng trích từ đóng góp của phụ huynh. Rất nhiều điểm đến là các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố đều có hỗ trợ chi phí cho học sinh đến học tập, trải nghiệm.
 
Bên trên