Học sinh bị bạo lực ngôn từ, ngày càng thu mình lại

Nguyễn Mai

Well-known member
Tình trạng học sinh bị bắt nạt, bạo lực học đường, hay áp lực, căng thẳng trong học tập ngày càng phổ biến. Những tổn thương về mặt tâm lý nếu không được điều trị kịp thời, theo thời gian, triệu chứng sẽ trở nên rõ rệt, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ở lứa tuổi học sinh.
Tổn thương tâm thần, “vết sẹo” khó mờ

Em T.T (học sinh lớp 11, trường THPT thuộc tỉnh Thanh Hóa) là một trong số các “nạn nhân” từng bị bạn bè bạo lực ngôn từ, dẫn tới tổn thương tâm lý nặng nề.

T chia sẻ: “Trong suốt những năm học cấp 2, em thường bị bạn bè trêu chọc vì ngoại hình không được ưa nhìn. Cứ mỗi lần đến lớp, các bạn thường lấy em ra làm trò đùa, thường xuyên nói ra những lời lẽ khinh bỉ và chế nhạo em”.

Sau mỗi lần bị bạn bè chỉ trích, đâm chọc, T thường chọn cách im lặng và không chống đối. T chia sẻ: “Do em là con gái, trong lớp lại không thân thiết với ai nên em không dám chia sẻ với bạn bè. Nhiều lần trải qua trạng thái cảm xúc tiêu cực, em dần trở nên ít nói và không muốn tiếp xúc với mọi người”.

Học sinh bị bạo lực ngôn từ, ngày càng thu mình lại - 1

Tâm lý bị tổn thương khiến học sinh dần “thu mình” với các mối quan hệ xã hội.

Những tưởng tổn thương về mặt tâm lý sẽ được giải thoát khi học ở môi trường mới nhưng khi lên cấp 3, tình trạng T bị bạo lực ngôn từ vẫn tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn. T. bị bạn bè trong lớp sỉ nhục thậm tệ, thậm chí trong mắt các bạn, em là người đại diện cho cái xấu. Cứ mỗi lần đi học, em luôn có cảm giác ám ảnh bởi những tiếng xì xào, bàn tán sau lưng.

Trải qua những lần bị trêu chọc, T dần “thu mình” với mọi mối quan hệ xã hội. Những cảm xúc tự nhiên của con người không còn được thể hiện ra bên ngoài. Khi được hỏi về cách giải quyết những tổn thương tâm lý, T chia sẻ: “Em đã kể lại tình trạng tâm lý của mình cho gia đình, nhưng mọi người không lắng nghe em nói, thậm chí còn quát mắng em. Do đó em chỉ biết nhốt mình trong phòng suốt ngày. Đến khi bước chân ra khỏi nhà, em có cảm giác sợ đám đông, chỉ muốn chui lủi ở chỗ không có người, em không biết chia sẻ câu chuyện cho ai nên chỉ đành giấu trong lòng”.

Còn em L.T.H.G (học sinh lớp 12, thuộc trường THPT ở Hà Nội) cũng gặp vấn đề trong tâm lý. G. chia sẻ: “Do là học sinh cuối cấp, khối lượng kiến thức khá nặng và thời gian học tập nhiều nên em bị căng thẳng, áp lực. Chính vì thế, em thường có biểu hiện cáu gắt, không biết cách quản lý cảm xúc của mình”.

Cũng từng chứng kiến bạn bè xung quanh gặp nhiều vấn đề về tâm lý, nhưng không có kỹ năng cân bằng và làm chủ cảm xúc, G. chia sẻ niềm mong mỏi sự quan tâm của nhà trường về các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần, để học sinh được phát triển toàn diện sức khỏe tinh thần lẫn thể chất.

Trẻ cần có nơi bấu víu

Những học sinh bị tổn thương về tâm lý dường như không có nơi để bấu víu’ và chia sẻ những khó khăn đang gặp phải, đồng thời không có kỹ năng để giải quyết kịp thời những vấn đề về tâm lý trước khi xảy ra trường hợp xấu. Thực trạng trên chính là “hồi chuông” cảnh báo về sự cần thiết của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học.

Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành cho rằng: “Việc không có chuyên gia tham vấn tâm lý trong trường học là sự thiếu sót vô cùng lớn. Bởi sự chăm sóc sức khỏe tâm thần cho lứa tuổi học sinh giống như việc ăn uống hằng ngày. Nếu trẻ không nhận được sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần thường xuyên, trẻ sẽ thiếu các kiến thức, kỹ năng học tập và kỹ năng sống để giải quyết các vấn đề phát sinh trong tâm lý, vì thế đứa trẻ đó sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn hơn”.

Học sinh bị bạo lực ngôn từ, ngày càng thu mình lại - 2

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt tình cảm trong đời sống gia đình và quan hệ bạn bè thiếu lành mạnh sẽ là nguồn cơn dẫn tới tình trạng tâm lý nặng hơn. Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần của gia đình và giáo viên là chưa đủ, bởi họ không có chuyên môn riêng để giải quyết kịp thời cũng như ngăn ngừa các vấn đề về tâm lý của học sinh. Do đó, cần có đội ngũ chuyên gia tham vấn tâm lý riêng biệt trong trường học.

Đánh giá về vai trò của công tác tham vấn tâm lý học đường, chuyên gia tâm lý Kim Thành cho biết: “Công tác tham vấn học đường giúp học sinh trang bị những kiến thức và kỹ năng sống để giải quyết vấn đề khó khăn trong tâm lý như lo âu, căng thẳng kéo dài, thậm chí giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường; giúp sức khỏe tinh thần của trẻ được phát triển một cách bình thường, ngăn ngừa rối loạn tâm lý học đường có thể xảy ra”.

Để thực hiện công tác tham vấn tâm lý học đường đạt hiệu quả, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong cách thức triển khai và hoạt động tham vấn tâm lý. Nhà trường cần phổ biến, tuyên truyền cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đồng thời, tăng cường khảo sát, sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh.

Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên tổ chức các chương trình, hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng sống để phòng ngừa các vấn đề về tâm lý có thể xảy ra ở từng độ tuổi. Từ đó, giúp học sinh được phát triển toàn diện, môi trường giáo dục cũng hiệu quả và tích cực hơn.
 
Bên trên