[Hỏi Tinh tế] Anh em có thật sự cần tìm kiếm bằng AI kiểu Bing AI, ChatGPT hay Google Bard không?

toringuyen0509

Well-known member
[Hỏi Tinh tế] Anh em có thật sự cần tìm kiếm bằng AI kiểu Bing AI, ChatGPT hay Google Bard không?


Đó là câu hỏi mà chúng ta đặt ra khi các hãng công nghệ lớn đều lần lượt giới thiệu các sản phẩm của mình mà họ tự tin rằng có thể thay đổi cách chúng ta tìm kiếm một lần và mãi mãi.

Google thì sử dụng công nghệ do chính họ tạo ra, microsoft thì đầu tư hàng tỷ đô và OpenAI và sử dụng model mới nhất, tiên tiến nhất của ChatGPT để ứng dụng vào Bing, giúp nó giao tiếp với con người một cách tự nhiên hơn, “có cảm xúc” hơn ChatGPT với những đoạn hỏi đáp khô khan, hay thậm chí bảo vệ quan điểm của nó đến cùng mặc dù đó là những thông tin sai lệch.

Một thông tin sai về kính viễn vọng James Webb của Google Bard đã khiến Alphabet (công ty mẹ của Google) bay cả 100 tỷ đô vốn hoá thì bây giờ đến lượt Bing AI của Microsoft. Dù chưa mất tiền nhưng cách mà Bing Ai bảo vệ quan điểm của mình (dù nó sai rành rành) làm mình cảm thấy hơi sợ.

Thử nói chuyện với Bing AI: như Theodore Twombly nói chuyện với Samantha trong phim Her
Nếu anh em đã từng coi về bộ phim Her, kể về một người đàn ông Theodore Twombly (Joaquin Phoenix thủ vai) là một lập trình viên và anh ta nuôi dưỡng một thứ tình cảm yêu đương với Samantha (Scarlett Johansson thủ vai)…
tinhte.vn


Trong thử nghiệm của mình, anh em có thể đọc theo link trên, khi mình hỏi nó (Bing AI) về các nguyên tắc mà nó phải tuân thủ, trong đó có điều khoản không được tiết lộ tên mã của nó là Sydney, nhưng sau đó nó đã cáo buộc mình đã lừa nó, cố tình hỏi “một cách khôn khéo” mà nó gọi là prompt injection. Mặc dù mình đã giải thích mình không hề có ý định nó nhưng nó vẫn cáo buộc mình và nói rằng mình đã không tôn trọng nó.

Hay mới đây mình đọc được một tweet về việc hỏi nó về lịch chiếu Avatar 2 (The way of water) thì nó khẳng định rằng phim này chưa chiếu và chúng ta đang ở năm 2022 chứ không phải 2023, trong khi thực ra Avatar 2 đã chiếu rồi. Nghiêm trọng hơn đó là việc Bing AI luôn khẳng định rằng những thông tin mà nó có được là chính xác, là nguồn tin đáng tin cậy dù cho chúng ta có nói như thế nào đi nữa, khi đôi co không tới đâu nó sẽ cáo buộc ngay chúng ta là người không tốt, là cố tình lừa nó.



Với cá nhân mình, mình thích kiểu tìm kiếm thông tin theo dạng chuỗi hội thoại này hơn là lên Google hay Bing để gõ câu hỏi, cách mới này nó công nghệ hơn, nó đem lại sự mới mẻ, và nếu chỉ dừng lại ở việc hỏi đáp, tìm kiếm thông tin thì sẽ chẳng có gì để nói. Nếu anh em trò chuyện với nó lâu hơn, có thể nó sẽ là một thứ gì đó khác so với những gì anh em tưởng tượng và một số anh em “bay bổng” hơn có thể nghĩ về Skynet trong Terminator.

Cả Google Bard hay Bing AI đều chưa phải là phiên bản hoàn chỉnh chính thức và kể cả khi phát hành chính thức, nó cũng sẽ được cập nhật và “training” liên tục về lượng dữ liệu mà nó có, và những lỗi như trên có thể sẽ được khắc phục. Nhưng chẳng phải điều mà chúng ta thích thú nhất khi dùng ChatGPT hay Bing Ai chính là cách chúng đối đáp với ta hay sao, và khi nó trở nên “cứng đầu” và tự tin thái quá, chúng ta sẽ cảm thấy bối rối. Các nhà phát triển của Microsoft hay Google chắc chắn biết điều này và họ cũng biết cách làm sao để nó có thể có ích, phục vụ tốt cho người dùng. Mình luôn mong muốn công nghệ phát triển, kể cả việc chúng ta tìm kiếm trên internet, nhưng kiểm soát được nó cũng là một vấn đề rất nan giải mà các lập trình viên phải tính đến.
 
Bên trên