Hồng Kỳ - hãng chuyên limousine cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc

Quang Minh

Well-known member
Hồng Kỳ ra đời sau khi cố chủ tịch Mao Trạch Đông đặt câu hỏi về những chiếc xe do chính Trung Quốc sản xuất, vào năm 1958.

Vào tháng 4/1958, chủ tịch Mao Trạch Đông đặt một câu hỏi, rằng khi nào người Trung Quốc có thể sở hữu những chiếc xe do chính Trung Quốc sản xuất. Đó là 5 năm sau khi Tập đoàn ôtô Đệ nhất FAW (First Auto Works) thành lập và hãng khi đó chỉ sản xuất xe tải thương mại.

Ngay sau câu hỏi của ông Mao, FAW mời các chuyên gia thiết kế và trong vòng 6 tháng, chiếc sedan đầu tiên của Trung Quốc ra đời. Tên xe khi đó là Dongfeng với biểu tượng trên nắp ca-pô là một con rồng, đèn xe có dạng đèn lồng. Dongfeng có số hiệu CA-71, và chỉ khoảng 20-30 chiếc được sản xuất. Hiện còn một chiếc được trưng bày tại Viện Nghiên cứu của FAW.

Nhưng Dongfeng CA-71 khá nhỏ, vì thế mẫu CA-72 ra đời dưới dạng nguyên mẫu vào năm 1958, cùng năm thành lập của Hongqi (Hồng Kỳ), có nghĩa "lá cờ đỏ". Logo tên hãng trên đuôi xe hiện nay chính là nét chữ Hồng Kỳ viết tay của chủ tịch Mao. Hồng Kỳ cũng trở thành hãng xe con đầu tiên của Trung Quốc, và chuyên sản xuất các mẫu xe phục vụ cho Chính phủ nước này.

Trước


Sau
Trượt để xem ảnh
Slide
Hồng Kỳ CA72 đời 1965 tại triển lãm ôtô hạng sang Pebble Beach Concours d’Elegance, Mỹ, năm 2018. Ảnh: Sports Car Digest
Chỉ vừa ra đời, CA-72 được đưa tới triển lãm Leipzig, Đức, năm 1960 và gặt hái một số thành công. Xe có ghế làm bằng gỗ hồ đào, nệm bọc bông Hàng Châu. Các chuyên gia thiết kế phương Tây nhận xét mẫu xe này "thể hiện sự kết hợp của nghệ thuật phương Đông và kỹ thuật ôtô". Tổng cộng 202 chiếc CA-72 được sản xuất cho đến năm 1966.

CA770 là một chiếc limousine 3 hàng ghế và là xe chính thức dành cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như các chính khách. Cho đến những năm 1980, tổng cộng hơn 1.300 xe được sản xuất và là một trong những sản phẩm thành công nhất của thương hiệu. Xe sử dụng động cơ 5,6 lít V8 và hộp số tự động với biến mô thủy lực.


CA770J là phiên bản mui trần, chủ yếu được sử dụng trong các buổi diễu hành, duyệt binh. Ở lưng hàng ghế đầu có phần tay nắm cho người phía sau khi cần đứng lên. Xe sử dụng động cơ 5,6 lít V8 của Chrysler, công suất 215 mã lực, hệ dẫn động cầu sau. Tốc độ tối đa khoảng 120 km/h.

Những năm 1980, Hồng Kỳ áp dụng một số công nghệ và kết cấu mới, giống như toàn ngành đang làm. Nhờ vậy, xe của hãng giảm mức tiêu hao nhiên liệu, cải thiện hiệu suất, nâng cấp tiện nghi và thay đổi một phần ngoại hình. Khoảng 5 chiếc CA774 nguyên mẫu được hoàn thiện để thay cho CA770. Những xe nguyên mẫu này hiện nằm tại một số viện bảo tàng ở Trung Quốc.

Năm 1980 đánh dấu một hướng đi mới của Hồng Kỳ với mẫu xe buýt CA630. Chiếc xe chở khách có kích thước vừa phải, 19 chỗ, chủ yếu dành để chở khách du lịch của các khách sạn hay cho các doanh nghiệp. CA630 được sản xuất trong những năm 1980-1987.

Mẫu Hồng Kỳ L9 limousine chở Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á, năm 2015. Ảnh: Hongqi


Mẫu Hồng Kỳ L9 limousine chở Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á, năm 2015. Ảnh: Hongqi

Năm 2013, ở triển lãm ôtô Thượng Hải, Hồng Kỳ ra mắt L5 - mẫu limousine khi đó được mệnh danh là ôtô Trung Quốc đắt nhất với giá khoảng 800.000 USD. Đến 2016, L5 có thêm bản động cơ V8 bên cạnh bản V12. Xe có tất cả 3 phiên bản: dân sự, dành cho các quan chức chính phủ, và xe duyệt binh. L5 có chiều dài 5.555 mm.

10 năm sau, Hồng Kỳ giới thiệu L5 thế hệ mới cũng tại triển lãm ôtô Thượng Hải. Thiết kế của chiếc limousine vẫn giữ phong cách cổ điển, nhưng chiều dài tăng lên thành 5.980 mm, với trục cơ sở 3.730 mm. Trong tháng 11, hãng cho biết thời gian giao xe trong 2024.

Sự khởi đầu mới của Hồng Kỳ được ghi nhận vào năm 2015, với mẫu limousine L9 chở chủ tịch Tập Cận Bình duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Á. Thực tế, L9 được phát triển từ mẫu CA7600L từng ra mắt tại triển lãm ôtô Bắc Kinh 2010 và theo CarNewsChina, ít nhất 10 chiếc được sử dụng để phục vụ các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hồng Kỳ L9 dài 6.395 mm, rộng 2.008 mm và cao 1.720 mm, với trục cơ sở dài 3.800 mm. Động cơ 6 lít V12 công suất khoảng 400 mã lực và mô-men xoắn 550 Nm, cùng hộp số tự động 6 cấp. Đây không phải một chiếc xe để chạy thật nhanh, bởi trọng lượng có thể đến 3,5 tấn.

Chiếc N701 chở ông Tập tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, 12/12. Ảnh: Ngọc Thành

Chiếc N701 chở ông Tập tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, 12/12. Ảnh: Ngọc Thành

Từ giữa năm 2022, chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng mẫu limousine mới - Hồng Kỳ N701. Ngoại hình của N701 khác biệt so với mẫu limousine trước đó, với thiết kế hiện đại. Đây cũng là xe chở ông Tập trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngày 12-13/12.

Lúc này, Hồng Kỳ không chỉ còn là thương hiệu xe chỉ dành cho thị trường Trung Quốc. Hãng bán nhiều sản phẩm thương mại tại thị trường nội địa, đồng thời đã xuất khẩu một số mẫu xe sang các thị trường nước ngoài, tham vọng cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ như BMW và Mercedes. Ở thị trường nước ngoài, xe bán ra kèm lời quảng bá thuộc "thương hiệu ôtô quốc gia số một Trung Quốc".

Dải sản phẩm thương mại của Hồng Kỳ gồm xe sedan, SUV và MPV, có cả xe động cơ đốt trong, hybrid và thuần điện. Tại Việt Nam, Hồng Kỳ chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam với hai mẫu xe, H9 sedan và E-HS9 SUV.

Ở Trung Quốc, doanh số năm 2022 của Hồng Kỳ là 310.000 xe, tăng 3% so với 2021. Các mẫu H9, H5 và HS5 góp phần quan trọng vào kết quả kinh doanh ấn tượng. Đến hết 2025, thương hiệu này đặt mục tiêu đạt tổng doanh số toàn cầu là hơn một triệu xe, và đến hết 2030 là vượt 1,5 triệu xe.
 
Bên trên