Human AI đầu tiên của Việt Nam ra mắt thế giới

NgocSPSBC

Well-known member
Human AI đầu tiên của Việt Nam ra mắt thế giới

Giới thiệu Human AI có tên Vi An tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC 2024), Viettel đem đến cách tiếp cận cho câu hỏi: “Con người sẽ tương tác với trí tuệ nhân tạo thế nào?”.

Theo Gartner, đến năm 2035, thị trường Human AI - AI xuất hiện trước mặt người dùng trông giống người thật - ước tính trị giá 125 tỷ USD. Trong khi đó, các chatbot - AI hoạt động dựa trên văn bản như ChatGPT hay Gemini hiện nay - chỉ còn khoảng 5 tỷ USD. Human AI gây ấn tượng bởi người dùng thích các giao diện AI có khả năng giao tiếp và tương tác giống thật hơn so với chat bằng văn bản hoặc ra lệnh bằng giọng nói.

Đây cũng là lý do AI tiếp tục trở thành chủ đề chính tại MWC năm nay. Cụ thể, “Nhân văn hóa AI” đặt ra vấn đề phát triển công nghệ AI theo cách hướng tới trải nghiệm thân thiện và tự nhiên nhất với người dùng.

Không giống như nói chuyện với một cỗ máy…
Tại sự kiện, Human AI đầu tiên của Việt Nam có màn ra mắt thế giới. Vi An chào hỏi, tương tác với khách hoặc nghiêng đầu theo dòng người qua lại như một con người thực. Đặc biệt, Vi An có thể nhận câu hỏi từ nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Khu vực trình diễn Human AI và gian hàng Viettel tại MWC 2024 thu hút sự chú ý của khách tham gia sự kiện.

Khu vực trình diễn Human AI và gian hàng Viettel tại MWC 2024 thu hút sự chú ý của khách tham gia sự kiện.
“Rất vui được gặp bạn tại MWC 2024. Tổ hợp trình diễn của Viettel xoay quanh ý tưởng S-Nation, thể hiện một quốc gia phát triển thông minh, bền vững”, Vi An trả lời câu hỏi trên sóng livestream từ Barcelona (Tây Ban Nha).

Vi An - nhân vật đặc biệt được Viettel trình diễn tại MWC 2024 - thể hiện cách tiếp cận mới của tập đoàn công nghệ Việt. Thực tế, Human AI do Viettel phát triển đã và đang “làm việc” trong các dịch vụ của tập đoàn, nhằm tạo ra trải nghiệm tốt hơn ngay trên màn hình điện thoại, rút ngắn thời gian chờ hỗ trợ nghiệp vụ từ 2 phút xuống 5 giây.

“Vi An có khả năng tương tác linh hoạt, sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong quá trình giao tiếp, tạo ra trải nghiệm tự nhiên nhất cho người dùng”.

Bà Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu tại Viettel Telecom

Bằng công nghệ tạo sinh hình ảnh 3D, Viettel đã cho AI một tạo hình giống người thật. Ở phiên bản hiện tại, Vi An mang những nét khuôn mặt đặc trưng của người con gái Việt Nam. Tham gia MWC 2024, AI này trò chuyện và giải đáp câu hỏi cho khách tham quan trong trang phục màu đỏ, cung cấp thông tin gian hàng, chia sẻ về văn hóa Việt Nam xuyên suốt 4 ngày diễn ra sự kiện.

Một phần lớn của thông tin giao tiếp đến từ ngôn ngữ hình thể. “Vi An có khả năng tương tác linh hoạt, sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong quá trình giao tiếp, tạo ra trải nghiệm tự nhiên nhất cho người dùng”, bà Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm Phân tích Dữ liệu tại Viettel Telecom - cho biết.

Vi An từng là nhân vật chính trong các album ảnh quảng bá sự kiện, tham gia nhiều video ngắn của Viettel Telecom, trở thành đại sứ ảo xuất hiện trên các quảng cáo của Viettel.

Bà Ngọc Linh nói thêm: “Human AI có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: Trở thành gương mặt truyền thông, quảng cáo; đại diện phục vụ khách hàng trên các ứng dụng, nền tảng số và điểm bán hàng”.

Vi An gây ấn tượng với khách quốc tế bằng khả năng tương tác.
… Nhưng vẫn là sức mạnh của AI
Ngoài sở hữu “giao diện” giống con người, Vi An còn mang những lợi thế của AI - dữ liệu lớn, liên tục cập nhật và “nhân bản” để tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa cho hàng triệu khách hàng trên môi trường số.

Thậm chí, Human AI như một tổ hợp các mô-đun công nghệ AI mà Viettel đã nghiên cứu và phát triển gồm: Mô hình ngôn ngữ lớn để tạo ra khả năng trò chuyện; hệ thống khuyến nghị nội dung để cá thể hóa thông tin khách hàng; hệ thống nhận diện tiếng nói.

“Viettel là một tập đoàn có năng lực cao về AI, nhân tố quan trọng góp phần phát triển hệ sinh thái AI ở Việt Nam - một thị trường đang phát triển và giàu tiềm năng. Đây cũng là lý do chúng tôi làm việc cùng Viettel để phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng AI”, ông Anissh Pandey - Giám đốc Nvidia Cloud - chia sẻ.

Các phiên bản khác của Vi An đã được ứng dụng để chăm sóc khách hàng điện tử 24/7 (Video Call Digital Agent) và hỗ trợ chăm sóc khách hàng ứng dụng My Viettel (My Viettel Digital Agents). Với khả năng đáp ứng lưu lượng 250.000 cuộc gọi cùng lúc hay chăm sóc khoảng 2 triệu khách mà vẫn cá thể hóa, AI tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, giảm thời gian chờ đợi và tăng mức độ hài lòng.

Viettel đã đem các AI này đến 6 thị trường nước ngoài mà tập đoàn đầu tư gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Haiti, Timor và Tanzania, đạt độ phủ khoảng 70% khách hàng viễn thông.

Khách tham quan trải nghiệm hệ sinh thái công nghệ Viettel tại sa bàn S-Nation.
Với khả năng làm việc 24/7 và mở rộng quy mô để phục vụ cá nhân hóa tới hàng triệu khách hàng, Digital Human hỗ trợ con người ở các công việc đòi hỏi xử lý khối lượng lớn và lặp đi lặp lại. Nhân sự là con người ở các tổ chức có thể tập trung vào những công việc đòi hỏi khả năng sáng tạo hoặc ra quyết định quan trọng, trong khi khách hàng được phục vụ kịp thời hơn. Đây cũng là cách Viettel phát triển AI với triết lý “công nghệ từ trái tim” hướng tới con người.

“Có hàng nghìn ‘điểm ứng dụng’ AI trong các quy trình vận hành của doanh nghiệp, tổ chức. Điểm chung là chúng đều giúp nhân sự bớt các quá trình làm việc lặp đi lặp lại, nhàm chán và tốn thời gian”, ông Nguyễn Mạnh Quý - Giám đốc Viettel AI - cho biết.

“Viettel là một Tập đoàn có năng lực cao về AI, là nhân tố quan trọng góp phần phát triển hệ sinh thái AI ở Việt Nam”.

Ông Anissh Pandey - Giám đốc Nvidia Cloud

Khi triển khai trong các dịch vụ công định danh điện tử, ứng dụng AI của Viettel giúp giảm 70% thời gian định danh xuống còn 1-2 phút, tiết kiệm lượng lớn nhân sự làm việc trực tiếp. Bên cạnh đó, trợ lý AI ứng dụng trong hệ thống Tòa án Việt Nam giúp các thẩm phán tiết kiệm 30% thời gian xử lý vụ việc, vụ án.

“Trợ lý ảo tòa án là một điểm sáng về ứng dụng AI trong chuyển đổi số quốc gia. Trước đây, chúng tôi mất một buổi để mã hóa và đưa lên mạng một vụ án. Lúc này, với sự hỗ trợ của trợ lý ảo, chúng tôi có thể đưa lên 10 vụ án trong một giờ”, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao - từng chia sẻ trước Quốc hội.

Sự xuất hiện của Vi An tại triển lãm công nghệ hàng đầu toàn cầu năm nay thể hiện cách tiếp cận của Viettel trong việc phát triển các ứng dụng AI theo hướng tối ưu, thân thiện hơn. “Human AI là tổng hợp của nhiều công nghệ Viettel đã nghiên cứu, phát triển, thể hiện sự đầu tư lớn về nền tảng hạ tầng, công nghệ lõi, đội ngũ nhân sự cho công nghệ tương lai”, bà Ngọc Linh khẳng định.
 
Bên trên