toringuyen0509
Well-known member
Hãy vào đề luôn. Gần 10 năm về trước, Intel, kẻ dẫn đầu thị trường gia công chip bán dẫn toàn cầu đã đưa ra một quyết định mang tính định mệnh đối với họ. Khi ấy có một công nghệ mới, gọi là in thạch bản EUV, extreme ultra violet, cho phép dùng ánh sáng để thực hiện quang khắc những transistor lên bề mặt silicon với khả năng thu nhỏ chưa từng có, tạo ra những con chip với sức mạnh xử lý cao hơn nhiều so với trước.
Ấy vậy nhưng, những nhà lãnh đạo của Intel khi ấy tin rằng phải mất nhiều năm để kỹ thuật quang khắc EUV trở nên hoàn thiện, và chọn cách ở lại với kỹ thuật họ đang ứng dụng khi ấy là DUV, Deep UltraViolet. Quyết định ấy, như đã nói, là một sai lầm định mệnh. Hậu quả của quyết định ấy đến tận bây giờ vẫn còn ám ảnh Intel, giữa thời điểm Intel đang nằm ở vị trí trung tâm trong kế hoạch thúc đẩy sản xuất chip xử lý công nghệ cao của chính phủ Mỹ.
Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, TSMC bắt đầu ứng dụng EUV gia công chip bán dẫn từ năm 2019. Ngay lập tức, họ tạo ra bước nhảy vọt vượt xa kỹ nghệ gia công của Intel, để trở thành cái tên dẫn đầu ngành bán dẫn toàn cầu. Thậm chí Intel còn chẳng được đứng ở vị trí thứ hai, chỗ đó hiện giờ là của Samsung Foundry. Kết hợp với vài quyết định sai lầm khác, dĩ nhiên nhỏ hơn về hậu quả, giờ Intel và chính bản thân chính phủ Mỹ đang phải tìm mọi cách để bắt kịp hai cái tên ở châu Á.
Bà Ann Kelleher, giám đốc mảng phát triển công nghệ của Intel nói: “Thực sự rất dễ để nói rằng, nếu hồi ấy đưa ra quyết định khác thì…”
Canh bạc của Intel và tham vọng của chính phủ Mỹ
Theo kế hoạch đặt ra, cuối năm nay Intel mới bắt đầu sản xuất thương mại chip xử lý dựa trên kỹ thuật quang khắc EUV, chậm hơn TSMC những bốn năm, nhưng đó là một bước quan trọng để đưa Intel trở lại cuộc đua. Và chính Washington sẽ là những người lo lắng nhất, kỳ vọng Intel thành công nhất. Chính bản thân chính quyền tổng thống Biden cũng đang không chắc chắn nên bơm cho Intel nguồn kinh phí bao nhiêu để giúp họ, hay chính bản thân nước Mỹ, trở lại vị thế dẫn đầu thế giới về kỹ nghệ bán dẫn.
Năm ngoái, đạo luật CHIPS được thông qua, với khoản đầu tư 52 tỷ USD dưới dạng hỗ trợ trực tiếp cho nỗ lực mở rộng gia công bán dẫn, cũng như kích thích nghiên cứu phát triển sản phẩm. Ngoài con số này ra, trong vòng 8 năm nữa, những đơn vị và tập đoàn được hỗ trợ bởi đạo luật CHIPS còn được miễn giảm khoản thuế trị giá 24 tỷ USD. Đạo luật được thiết kế với mục đích quan trọng nhất, đó là đảo ngược xu thế suy giảm sản lượng chip bán dẫn Mỹ sản xuất. Con số hiện giờ là 12%, còn ở năm 1990, Mỹ chiếm 37% tổng sản lượng chip bán dẫn toàn cầu.
Đấy là quan điểm vĩ mô. Còn riêng với Intel, việc tụt hậu so với tốc độ phát triển kỹ nghệ gia công chip chỉ là một yếu tố. Họ còn đang phải đối mặt với những chuyển biến lớn về nhu cầu thị trường. Một ví dụ là nhu cầu chip xử lý AI, thứ mà Intel gần như không có. Những thay đổi ấy đe dọa tới doanh thu từ thị phần máy tính cá nhân và máy chủ doanh nghiệp của họ.
Cũng vì lý do ấy, bước chuyển để cạnh tranh trực tiếp với TSMC, lập ra IFS, Intel Foundry Services, trở thành một đơn vị gia công dịch vụ cho các đối tác, chính là thay đổi lớn nhất trong quá trình kinh doanh của Intel kể từ khi họ quyết định từ bỏ phát triển chip nhớ, chỉ phát triển và sản xuất chip vi xử lý, được đưa ra gần 4 thập kỷ trước.
Thứ khiến Intel gặp khó khăn hơn cả chính là những lỗ hổng tài chính xuất hiện ở đúng thời điểm họ tái cơ cấu, nỗ lực bắt kịp với những TSMC hay Samsung Foundry, thông qua những khoản đầu tư khổng lồ. Tháng 1/2023, lỗ hổng này khiến Phố Wall chao đảo, khi Intel đưa ra lời cảnh báo rằng doanh thu giảm 40% trong ba tháng đầu năm.
Đương nhiên, những điều đó luôn khiến những nhà đầu tư của Intel hoảng sợ. Đồng ý rằng kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu Intel đã hồi phục 22% giá trị. Nhưng so với hai năm về trước, giá một cổ phiếu chỉ còn một nửa. Điều đáng nói là, chỉ số Philadelphia, con số mô tả sức khỏe của ngành bán dẫn cũng chỉ giảm có 2%.
Tự mãn, và hậu quả
Ở trung tâm của những rắc rối Intel đang gặp phải luôn là lựa chọn sai lầm được đề cập ở đầu bài. Trong vòng nửa thế kỷ kể từ khi nhà sáng lập Gordon Moore đưa ra dự đoán lịch sử, được coi là “định luật” vào năm 1965, Intel luôn luôn giữ được lợi thế đi trước các đối thủ khác 2 năm.
Nhưng tới năm 2014, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ. Kế hoạch “thu nhỏ” chip xử lý, bề ngang chỉ 10nm trở thành một dự án vừa tốn thời gian vừa tốn kinh phí, tất cả chỉ vì các kỹ sư của Intel buộc phải tìm cách vượt qua những rào cản khi họ không ứng dụng kỹ thuật và thiết bị quang khắc EUV. Cái thời điểm năm nào cũng có chip “14nm+++” ấy khiến tiến trình kế tiếp của Intel, 7nm, tên thương mại Intel 4 được ra mắt chậm hơn kế hoạch 5 năm. Đấy còn là trong trường hợp Intel có thể đạt mục tiêu sản xuất thương mại chip Intel 4 vào nửa cuối năm nay.