Jensen Huang - tỷ phú tỏa sáng ở tuổi 60 nhờ AI

Từ Minh Quân

Well-known member
Jensen Huang, nhà đồng sáng lập Nvidia, đang trở thành "ngôi sao" trong cơn sốt AI khi các mẫu chip đồ họa của công ty ông được săn đón.

Từng có giá trị vốn hóa 400 tỷ USD hồi tháng 1, làn sóng siêu AI đã giúp Nvidia vụt sáng khi cán mốc 1.000 tỷ USD trong vài tiếng của ngày 30/5. Dù hiện đã hạ xuống 992 tỷ USD, Nvidia được cho là sẽ sớm quay trở lại "câu lạc bộ nghìn tỷ USD" cùng với Apple, Microsoft, Google và Amazon.

Với việc sở hữu 86,9 triệu cổ phiếu Nvidia, tương đương 3,5% cổ phần, tài sản của CEO Jensen Huang hiện đạt 36 tỷ USD, giúp ông trở thành người giàu thứ 34 thế giới, theo Bloomberg. Tính từ đầu năm, tài sản của ông đã tăng thêm hơn 22 tỷ USD.

CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Reuters

CEO Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Reuters

Ông Huang, tên khai sinh là Jen-hsun Huang, sinh ngày 17/2/1963 tại Đài Bắc và từng sống ở Đài Loan và Thái Lan. Năm 1973, cha mẹ ông gửi các con cho người thân ở Mỹ. Huang cho biết trên Wired rằng chú dì của ông đã vô tình gửi ông và anh trai đến Oneida Baptist Institute ở Kentucky, là trường giáo dưỡng thay vì trường tư thục như ý định ban đầu.

"Trong túi mỗi đứa trẻ ở đó đều có một con dao. Và khi chúng đánh nhau, sẽ có người bị thương", Huang kể với NPR năm 2012.

Tại đây, Huang và các bạn học phải làm việc dù còn nhỏ. Nhiệm vụ của ông là dọn nhà vệ sinh. "Cái kết không như mọi người hình dung đâu. Tôi yêu thời gian đó, công việc đó. Tôi đã làm rất chăm chỉ và những đứa trẻ khác cũng vậy", ông nói. Sau này, khi thành công, ông cùng vợ quay lại trường và quyên góp hai triệu USD để xây lại ký túc xá nữ, cũng như một số phòng học mới.

Sau một thời gian ở trường giáo dưỡng, ông và anh trai đến Oregon đoàn tụ với gia đình. Ông học trung học ở Beaverton và trở thành vận động viên bóng bàn được xếp hạng quốc gia khi đó. Năm 1984, khi máy Mac đầu tiên ra đời và mở ra chương mới cho máy tính cá nhân, Huang nhận bằng kỹ sư điện tại Đại học Bang Oregon (OSU). Tại đây, ông gặp Lori Mills trong phòng thí nghiệm, người sau này là vợ ông.

"Tôi thích máy tính từ khi còn nhỏ, nhưng ở OSU, tôi đã được mở rộng tầm mắt về sự kỳ diệu đằng sau chúng", ông phát biểu khi thăm trường năm 2017.

Sau khi tốt nghiệp, Huang tiếp tục học và nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện từ tại Đại học Stanford năm 1992. Ông gia nhập công ty chip LSI Logic và AMD một thời gian ngắn. Đầu 1993, Huang gặp hai người bạn Chris Malachowsky và Curtis Priem tại nhà hàng Denny's.

"Chúng tôi muốn tạo một công ty liên quan đến máy tính, nhưng phải khác biệt với phần còn lại", ông cho hay.

Denny's cũng là nơi Huang làm việc bán thời gian khi còn là sinh viên. "Tôi là sinh viên giỏi tập trung và có định hướng, nhưng hướng nội, cực kỳ nhút nhát", ông nói với New York Times năm 2010. "Trải nghiệm duy nhất kéo tôi thoát khỏi vỏ bọc đó là những chiếc bàn ở Denny's, nơi tôi chuyển từ cảm giác e ngại đến tự tin khi nói chuyện với mọi người".

Nvidia thành lập với số vốn ban đầu 40.000 USD. Cả ba nhà sáng lập tin rằng hướng đi đúng đắn cho làn sóng điện toán tiếp theo là khả năng xử lý yêu cầu dựa trên đồ họa, bên cạnh tận dụng sức mạnh của vi xử lý. Trong đó, họ nhận thấy trò chơi điện tử là lĩnh vực tiềm năng nhất.

Cái nhìn về tương lai của Nvidia được giới đầu tư ủng hộ. Sau thời gian ngắn, công ty nhận 20 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital. Năm 1998, họ phát hành bộ điều hợp đồ họa Riva TNT. Một năm sau, GeForce 256 - GPU dòng GeForce đầu tiên ra đời, mở ra chu kỳ thành công cho hãng.

Cùng năm, Nvidia tiến hành IPO và sau đó giành được hợp đồng phát triển phần cứng đồ họa cho máy chơi game Xbox của Microsoft, đem về cho Nvidia khoản ứng trước 200 triệu USD. Năm 2006, Nvidia giới thiệu kiến trúc CUDA, giúp hãng sản xuất GPU ngoài các sản phẩm cho chơi game. CUDA là kiến trúc hỗ trợ tính toán song song, cho phép xử lý nhiều luồng dữ liệu cùng lúc - nền tảng cho hệ thống máy tính huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn sau này.

Đầu năm 2022, công ty ra mắt H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất thế giới và cũng là một trong những chip đắt nhất với giá 40.000 USD mỗi chiếc. Khi đó, giới chuyên gia nhận định Nvidia chọn sai thời gian công bố, bởi các doanh nghiệp đang tìm cách thắt chặt chi tiêu và sa thải nhân sự. Nhưng đến cuối năm, OpenAI tung ra ChatGPT.

"Chúng tôi trải qua một năm tương đối khó khăn, nhưng bước ngoặt đến chỉ sau một đêm", Jensen Huang, CEO Nvidia, nói. "ChatGPT xuất hiện là khoảnh khắc tuyệt vời. Nó tạo ra nhu cầu ngay lập tức".

Thành công của ChatGPT nhanh chóng tạo ra cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI tạo sinh khi hàng loạt công ty công nghệ tìm đến H100, mẫu chip được mô tả là "hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI". Trong buổi báo cáo tài chính quý I/2023 tuần trước, Huang nhắc đến "sự gia tăng đáng kinh ngạc" về nhu cầu chip cho hệ thống AI thế hệ mới, đồng thời dự báo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý tiếp theo. Ngay sau thông báo, vốn hóa của Nvidia tăng 24% từ 750 tỷ USD lên 935 tỷ USD.

Huang năm nay 60 tuổi, trẻ hơn người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates (67 tuổi) và nhưng trẻ hơn đồng sáng lập Amazon Jeff Bezos (59 tuổi). Trong khi các đồng nghiệp đã rời công ty và chuyển sang dự án mang tính cá nhân nhiều hơn, ông vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng với Nvidia.

"Với tôi, không có gì vui hơn là xây dựng một công ty có một không hai. Tôi không tưởng tượng mình sẽ làm gì khác ngoài việc này", CEO Nvidia nói với Business Insider tháng 4/2021.
 
Bên trên