Khách Việt choáng ngợp khi thăm cây bồ đề nơi Phật đắc đạo

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Tiếng tụng kinh dồn dập giữa đêm tối, những Phật tử nhắm mắt trong thế thiền định ở Bồ Đề Đạo Tràng khiến du khách Việt không khỏi choáng ngợp.

Phan Quốc, vlogger du lịch được biết đến với nickname Kẻ Du Mục, đến Ấn Độ hồi tháng 3 để thực hiện hành trình khám phá "tứ động tâm" - bốn điểm thiêng trong đời Đức Phật.

Đầu tiên là Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sinh, thuộc lãnh thổ Nepal ngày nay. Điểm thứ hai là Bồ Đề Đạo Tràng thuộc bang Bihar, Ấn Độ - nơi Đức Phật ngồi thiền dưới cội bồ đề và chứng ngộ thành đạo sau 49 ngày thiền định. Địa danh thứ ba là vườn Lộc Uyển, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như, đánh dấu sự hình thành của tăng đoàn Phật giáo đầu tiên. Cuối cùng là Câu Thi Na (Kushinagar), nơi Đức Phật nhập niết bàn ở tuổi 80, kết thúc một cuộc đời hóa độ đầy từ bi và trí tuệ.

Quốc đã từng tới Lâm Tì Ni vào năm 2020 khi dịch Covid-19 mới bùng phát và có trải nghiệm tuyệt vời vì hầu như không có khách du lịch. Nam vlogger chia sẻ luôn thích tìm hiểu về các tôn giáo và những tác động của tôn giáo lên đời sống tinh thần, văn hóa của người dân. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi "tứ động tâm" của Quốc là Bồ Đề Đạo Tràng - nơi thu hút hàng triệu tín đồ hành hương mỗi năm.

Các nhóm phật tử ở nhiều nước thiền định dưới gốc bồ đề. Ảnh: Kẻ Du Mục
Các nhóm phật tử ở nhiều nước thiền định dưới gốc bồ đề.


Các nhóm phật tử ở nhiều nước thiền định dưới gốc bồ đề. Ảnh: Kẻ Du Mục

Bồ Đề Đạo Tràng là thị trấn nhỏ với chi phí dễ chịu. Quốc cho biết bước chân ra khỏi cửa khách sạn đều thấy phật tử và dòng người đổ về đây để hành lễ trước cây bồ đề thiêng hầu như không bao giờ vãn. Dạo một vòng thị trấn, du khách sẽ bắt gặp nhiều chùa Phật giáo từ các nước như Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Cái tên "Bồ Đề Đạo Tràng" chính thức được dùng từ thế kỷ 18. Trước đó, nơi này mang nhiều tên gọi khác nhau như Uruvela, Mahabodhi, Vajrasana hay Sambodhi. Khoảng năm 528 TCN, ngay trước ngày rằm tháng Vesak (tức tháng 4-5 âm lịch), một nhà tu khổ hạnh trẻ tuổi - Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) của dòng họ Thích Ca - đã đến vùng ven làng Uruvela bên bờ sông Neranjara. Cảnh sắc yên bình và trong lành của nơi đây khiến ngài quyết định dừng chân, ngồi thiền dưới một gốc bồ đề cổ thụ.

Tại nơi ấy, nhờ thiền định sâu xa, Thái tử đã chứng ngộ chân lý tối thượng và trở thành Đức Phật - người giác ngộ. Ngài không còn là một tu sĩ khổ hạnh mà là bậc Thế Tôn sáng rõ bản chất của vạn pháp. Sau khi thành đạo, Đức Phật ở lại gần Uruvela thêm 7 tuần, sống trong niềm hạnh phúc tĩnh tại và trọn vẹn của sự giác ngộ, trước khi bắt đầu hành trình hoằng pháp.


Để vào khu vực Cội Bồ Đề (danh hiệu trong Phật Giáo, tôn xưng một cây Bồ Đề cổ thụ), nơi Đức Phật Thích Ca đã thành đạo, du khách phải qua một lượt kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và được yêu cầu bỏ lại điện thoại, các thiết bị thu phát sóng. Vào năm 2013, Bồ Đề Đạo Tràng đã bị đánh bom ở khu vực khuôn viên Đại bảo tháp Mahabodhi (tháp Đại Giác Ngộ) và một số khu vực lân cận. Tuy nhiên, cây bồ đề không bị ảnh hưởng.

Bước vào trong, khung cảnh các Phật tử nối nhau thành hàng hiện ra trước mắt Quốc. Dưới gốc bồ đề, các nhóm Phật tử từ các nước chia thành nhiều khu ngồi tụng kinh. Một số người dường như đã tụng kinh rất lâu nên ngủ gục ngay trong tư thế thiền định. Quốc nói từng thấy một số cây cổ thụ khi tới Angkor Wat và trông có vẻ lớn hơn Cội Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng. Dù vậy, cảnh những nhóm Phật tử lên tới hàng nghìn người ngồi thiền định dưới gốc cây khiến anh không khỏi choáng ngợp.

"Cây bồ đề đẹp, hơi thấp nhưng tán rộng, phủ bóng mát cho cả nghìn người bên dưới", anh nói. Hiện tại, cây bồ đề được bảo vệ bởi một hàng rào chắn cao khoảng 2 m nên du khách không thể đứng quá gần. Do đó, hàng dài người đã đứng nép mình, tựa đầu vào bức rào chắn, miệng tụng kinh để tỏ lòng thành.

Trải qua bề dày lịch sử hơn 2.600 năm, cây bồ đề từng bị đốn hạ, rồi trồng lại nhiều lần. Ngày nay, hậu duệ của nó vẫn phát triển mạnh mẽ và không chuyển dịch so với vị trí của cây ban đầu là bao.
 
Bên trên