Khám phá làng quê Nam Bộ xưa thu nhỏ ở Cần Thơ

Võ Xuân Trường

Well-known member
Khám phá làng quê Nam Bộ xưa thu nhỏ ở Cần Thơ

Kiến trúc nhà, ruộng lúa, làng nghề truyền thống được chị Lê Hồng Cẩm (35 tuổi, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) phục dựng gần như nguyên bản, góp phần lan tỏa những nét đẹp của làng quê Nam Bộ xưa.
Khám phá làng quê Nam Bộ xưa thu nhỏ ở Cần Thơ


Lò gạch được phục dựng gần như nguyên bản. Ảnh: Tạ Quang
Mang hương xưa về đồng bằng
Tận dụng đặc trưng của vùng đất Phong Điền với những vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả, gia đình chị Cẩm đã phát triển mô hình du lịch theo dạng nghỉ dưỡng, nông trại với diện tích hơn 17 ha.
Thấy được tiềm năng của mô hình du lịch này cộng thêm mong muốn đem hương xưa về đồng bằng, chị Cẩm ấp ủ ý tưởng phục dựng lại những kiến trúc nhà ở, ruộng lúa mùa, làng nghề miền Tây… để du khách tham quan, trải nghiệm.
Những căn nhà Nam Bộ xưa được tái hiện như nguyên bản và có thể sử dụng. Ảnh: Tạ Quang
Những căn nhà Nam Bộ xưa được tái hiện như nguyên bản và có thể sử dụng. Ảnh: Tạ Quang
Đến năm 2022, chị Cẩm chỉ mất 6 tháng xây dựng và hiện thực hóa ý tưởng của mình. Những căn nhà Nam Bộ xưa, những làng nghề truyền thống, những cánh đồng lúa mùa… tất cả đều được tái hiện gần như nguyên bản trong khu đất rộng gần 1ha của gia đình, tạo nên một miền Tây thu nhỏ giữa đất Tây Đô.
Từ khi đưa vào phục vụ, mô hình miền Tây thu nhỏ này đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Anh Nguyễn Hải Đăng (40 tuổi, TP Cần Thơ) bày tỏ hào hứng khi bản thân và gia đình ngắm nhìn lại hình ảnh những cánh đồng lúa mùa xanh rì, cũng như có thể tận tay bắt hến tại khu du lịch của chị Cẩm.
Chị Cẩm chăm sóc hàng trăm cây si rô được trồng xung quanh để hái trái làm nước phục vụ du khách. Ảnh: Tạ Quang
Chị Cẩm chăm sóc hàng trăm cây si rô được trồng xung quanh để hái trái làm nước phục vụ du khách. Ảnh: Tạ Quang
“Đến với khu du lịch này, bên cạnh vui chơi, vợ chồng tôi còn muốn dạy cho con biết về truyền thống sản xuất lúa của ông bà ta. Qua đó, giúp con hiểu thêm giá trị của hạt gạo và càng trân quý giá trị lao động” – anh Đăng nói.
Sự kỳ công của hành trình phục dựng
Dẫu các kiến trúc nhà ở, đồng lúa, làng nghề… chủ yếu được tái hiện nhằm mục đích du lịch, song, chị Cẩm vẫn rất chăm chút, cố gắng phục dựng lại gần như nguyên bản, góp phần lan tỏa những nét đẹp của làng quê Nam Bộ xưa.
Khi phục dựng những căn nhà Nam Bộ xưa, không chỉ cố gắng tái hiện gần giống với nguyên bản nhất có thể, chị Cẩm còn kết hợp quảng bá cho vùng đất Phong Điền. Theo đó, tại mỗi căn nhà Nam Bộ xưa, chị đặt tên theo 7 xã của Phong Điền; đồng thời, lựa chọn trái cây đặc trưng của từng xã để trồng trước cổng nhà.
Lò gạch được lấy từ lò đã dỡ, ngưng hoạt động từ làng nghề ở H.Mang Thít. Ảnh: Tạ Quang
Lò gạch được lấy từ lò đã dỡ, ngưng hoạt động từ làng nghề ở Huyện Mang Thít, Vĩnh Long. Ảnh: Tạ Quang
“Trồng cây ăn trái là đặc trưng nổi bật của vùng đất Phong Điền, chẳng hạn như dâu hạ châu tôi cũng trồng trước cửa, xung quanh trồng thêm hàng trăm cây si rô để lấy trái làm nước phục vụ khách tham quan” - chị Cẩm chia sẻ.
Bên cạnh trồng cây ăn trái, chị Cẩm còn cất công tìm giống lúa mùa về trồng với mong muốn tái hiện lại hình ảnh những cánh đồng xanh ngát. Đồng thời, tạo điều kiện cho du khách có thể tham gia canh tác, thu hoạch, trải nghiệm bắt hến, câu cá, cắm câu ngay trên những cánh đồng này. Từ đó, giúp du khách tìm về những kỷ niệm xưa, nơi có cánh đồng lúa mùa tuổi thơ, hay giúp các em học sinh được hiểu thêm về văn hóa canh tác truyền thống ngày trước của ông bà.
Đặc biệt, để tái hiện lại làng nghề làm gạch, gốm Mang Thít (Vĩnh Long) truyền thống một cách chân thật nhất, chị Cẩm còn thuê nghệ nhân và mua 3 lò gốm về ráp lại làm chậu gốm bán cho du khách. Như thế, du khách vừa có thể trải nghiệm vừa tự làm ra những sản phẩm gốm thủ công để mang về nhà.
“Hiện 3 lò gốm ngày nào cũng đỏ lửa để sản xuất những chậu gốm bán cho du khách. 3 lò này tôi thuê thợ là nghệ nhân làm nghề lâu năm về xây. Gạch làm lò được đem từng viên tại lò gạch ở làng nghề về ráp lại”, chị Cẩm cho biết.
Không chỉ cố gắng tái hiện lại hình ảnh vùng quê Nam Bộ, chị Cẩm hiện còn mở rộng mô hình du lịch khi đang phục dựng lại nhà sàn vùng Tây Nguyên. Với việc gỗ xây nhà được lấy từ căn nhà sàn cũ và người thợ chịu trách nhiệm phục dựng sẽ là những người dân nơi đó, các ngôi nhà sàn này hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
 
Bên trên