Khi du lịch trở thành cú hích cho ngành thời trang

TRng

Well-known member
Thị trường du lịch sôi động kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khác nhau, trong đó có thời trang.
Khi du lịch trở thành cú hích cho ngành thời trang
Nhóm bạn trẻ mặc áo dài chụp ảnh ở phố cổ Hội An chào đón xuân. Ảnh: Lợi Võ
Hiện nay, du khách không chỉ tham quan, khám phá danh lam thắng cảnh mà còn có xu hướng tìm kiếm, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương hoặc thương hiệu nổi tiếng.
Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Lê Vũ Linh - CEO của thương hiệu thời trang IVY moda để lắng nghe những chia sẻ về ảnh hưởng của du lịch tới thời trang trong thời gian qua.
Chào CEO Nguyễn Lê Vũ Linh, anh đánh giá sao về tác động của ngành du lịch tới thời trang tại Việt Nam trong thời gian qua?
- Từ năm 2021, ngành thời trang Việt Nam đã trải qua giai đoạn khó khăn do kinh tế suy thoái hậu COVID-19. Tuy nhiên, từ quý 3 năm 2024, những tín hiệu tốt bắt đầu xuất hiện. Trong đó, người dân đi du lịch nhiều hơn khiến họ có nhu cầu mua sắm quần áo và trang phục nhiều hơn, kéo theo ngành thời trang nói chung phần nào được phục hồi và phát triển.
Thời gian qua, chúng tôi đã mở cửa hàng tại các thành phố du lịch lớn như Hội An, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang... để tiếp cận tệp khách hàng này.
Một dẫn chứng tiêu biểu là chúng tôi có cửa hàng tại Hội An - trung tâm du lịch hút khách ở miền Trung Việt Nam. Cửa hàng vốn chỉ hoạt động bình thường trong suốt thời gian dịch, khiến chúng tôi có ý định đóng cửa để tiết kiệm chi phí. Nhưng năm qua, khi du lịch nội địa phát triển trở lại, khách đến Hội An nhiều hơn dẫn đến doanh thu có sự tăng trưởng.
CEO Vũ Linh đánh giá cao việc phát triển thời trang kết hợp du lịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp
CEO Vũ Linh đánh giá cao việc phát triển thời trang kết hợp du lịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo anh, xu hướng phát triển du lịch nội địa sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngành thời trang năm 2025?
Năm 2025, xu hướng khách hàng du lịch nội địa trong các dịp nghỉ lễ sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm thời trang liên quan đến đi biển, nghỉ mát nhiều hơn, tập trung vào các tháng cao điểm như tháng 6-7.
Những năm trước, xu hướng này giảm do giá vé máy bay cao, người dân tiết kiệm chi phí. Ví dụ, có thời điểm giá vé đi Phú Quốc từng cao hơn 25-30% so với đi Bangkok, khiến khách đổ xô đi nước ngoài, du lịch nội địa giảm.
Nhưng năm nay, bắt đầu từ dịp lễ Tết, khách Việt đi du lịch nội địa nhiều, khiến nhu cầu mua sắm tăng lên.
Chúng tôi hiểu khách hàng mong muốn có quần áo mới để chụp ảnh khi đi du lịch. Sau chuyến đi, họ có thể bán lại những sản phẩm này hoặc có phương án khác để tối ưu hóa. Khi bắt đầu mùa du lịch, họ sẽ mua từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 và kéo dài đến tháng 7. Sản phẩm liên quan đến đi biển, nghỉ mát sẽ có sức hút lớn với khách hàng. Ngoài ra, có nhiều khách cũng mua sắm để đi du lịch nước ngoài.
Với điểm bán sản phẩm tại Hội An, lượng khách chủ yếu gồm đối tượng nào?
Phần lớn khách mua hàng vẫn là khách nội địa. Khi nhìn thấy cửa hàng của chúng tôi tại những vị trí như vậy, họ khá bất ngờ vì nhiều người không nghĩ rằng một thương hiệu nội địa sẽ lựa chọn bán hàng tại điểm du lịch nổi tiếng, vốn nhiều cửa hàng may mặc thủ công, gia truyền...
Tuy nhiên, khi đi chơi, tâm lý chi tiêu của khách hàng thoải mái hơn. Khách thường có nhu cầu mua những sản phẩm như đầm maxi để chụp ảnh. Dù đã chuẩn bị sẵn đồ để đi chơi chụp ảnh, nhiều người vẫn lựa chọn mua thêm.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp một lượng nhỏ khách nước ngoài, đa phần đến từ các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc... với vóc người nhỏ nhắn, phù hợp với sản phẩm vốn được thiết kế cho người Việt.
Phố cổ Hội An là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Team Kiếng Cận
Phố cổ Hội An là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Team Kiếng Cận
Các cửa hàng có chỉnh sửa, trang trí hay ra mắt những sản phẩm riêng phục vụ khách du lịch tại mỗi điểm đến không, thưa anh?
Chúng tôi đã suy nghĩ đến điều này từ khá sớm, nhưng chưa thể thực hiện vì đại dịch COVID-19. Trên thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ trên thế giới, không chỉ về thời trang mà cả F&B, cũng có những địa điểm được trang trí phù hợp với vị trí du lịch. Ví dụ, Starbucks mở cửa hàng ở Huế, Đà Nẵng... với thiết kế phù hợp với văn hóa địa phương...
Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch cho một cửa hàng có thiết kế mang đặc trưng của văn hóa địa phương ở Hội An trong năm nay và lần lượt các cửa hàng tại những điểm du lịch khác.
Xu hướng du lịch mua sắm thúc đẩy ngành thời trang. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vì sao thương hiệu không lựa chọn cửa hàng ngay trong phố cổ Hội An để tiếp cận nhiều khách du lịch hơn?
- Cửa hàng tại Hội An của chúng tôi tọa lạc trên đường Lý Thường Kiệt, nơi có nhiều cửa hàng may mặc. Du khách sẽ đi bộ qua đây để đến phố cổ, do đó cửa hàng tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, lại tối ưu về chi phí mặt bằng so với thuê bên trong phố cổ.
Chúng tôi không chọn địa điểm trong phố cổ là vì địa điểm đó tiếp cận nhiều khách nước ngoài hơn khách Việt. Thương hiệu nhắm vào tệp khách hàng Việt Nam, nên chọn địa điểm mà khách Việt thuận tiện tiếp cận nhất. Hy vọng trong tương lai, sau khi trang trí lại theo chủ đề riêng, cửa hàng sẽ nổi bật và thu hút nhiều khách hơn nữa.
Doanh nghiệp của anh có ý định mở thêm tại điểm du lịch nào khác ở Việt Nam?
Với những tín hiệu tích cực hiện tại, chúng tôi có thể sẽ mở thêm cửa hàng tại các điểm du lịch khác, bao gồm Phú Quốc trong tương lai.
 
Bên trên