Ở thị trường F&B Việt Nam chúng ta đang kinh doanh, sự sao chép diễn ra rất nhanh, nếu bạn đang kinh doanh một sản phẩm gì đó thành công ở địa phương (cụ thể là khách đông) thì trong 1 thời gian ngắn (tầm 1 – 3 tháng) sẽ xuất hiện những quán/ sản phẩm tương tự như bạn đang kinh doanh.
Nó không làm bạn thất bại vì có thể bạn tiên phong trong sản phẩm đó nhưng có thể nó làm ảnh hưởng đến lượng khách hàng mà bạn đang phục vụ và nếu đối thủ kinh doanh cùng sản phẩm họ ra sau và phân tích kỹ những điểm yếu của bạn để khắc phục cho họ thì bạn sẽ khá mệt.
Bên cạnh đó, việc đối thủ xuất hiện dày đặc sẽ làm bảo hòa sản phẩm bạn đang kinh doanh và khi doanh thu đạt dưới mức điểm hòa vốn, bạn có thể đóng cửa, đó cũng là vì sao mà một thương hiệu F&B tự phát không thể trụ quá 3 năm, đa phần sẽ ch.ê.t ỉu trong 1 - 2 năm đầu tiên.
Việt Nam có nền ẩm thực phong phú và du nhập từ nước ngoài vào cũng rất đa dạng, điều đó làm cho thị trường F&B Việt Nam luôn đón nhận những sản phẩm mới/ thương hiệu mới/ phong cách ăn uống mới mà mọi người hay gọi là HOT TREND. Khách hàng bây giờ chịu sự tác động nhiều từ mạng xã hội nên sự thay đổi hành vi tiêu dùng ăn uống dựa theo các trend trên các mạng xã hội hiện tại.
Điều đó làm chủ quán phải trong tâm thế phải chạy đua với sự đổi mới trong sản phẩm, phong cách dịch vụ và marketing. Điều này làm nhiều bạn đuối sức đặc biệt phục vụ cho nhóm đối tượng gen alpha & gen Z với việc 100% sử dụng mạng xã hội và chịu sự tác động của mạng xã hội.
Vì vậy nếu gia nhập ngành F&B, chúng ta phải luôn trong tâm thế đổi mới, đổi mới liên tục không ngừng nghỉ, đôi khi sự đổi mới thôi chưa đủ còn phải chủ động xây dựng cho mình năng lực lõi để có được nền tảng vững chắc hơn.
Hiện nay chúng ta kinh doanh F&B, 99.9% thường lệ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu đầu vào của các nhà cung cấp mà chúng ta không thể tự sản xuất (kiểm soát được chất lượng đầu vào). Điều này tạo nên tính không ổn định về sản phẩm đầu ra. Hôm nay chất lượng khác, mai chất lượng khác, một phần là do nguồn NVL không ổn định chất lượng (đặc biệt nguyên vật liệu tươi), một phần do năng lực xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của người Việt chúng ta.
Chúng ta hay đánh giá chất lượng theo cảm tính, ví dụ nêm nếm gia vị theo hướng tổ tiên mách bảo, lỡ hôm nay có nhạt miệng tí thì sẽ nếm mặn tí mà không biết và chúng ta thiếu đi năng lực xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ đầu ra.
Chính vì không kiểm soát được tính ổn định của sản phẩm nên thương hiệu thường bị mất khách qua chất lượng thay đổi theo thời gian và dần bị đào thải. Nếu các bạn để ý thì các chuỗi F&B ở nước ngoài du nhập vào thị trường Việt Nam ngoài năng lực tài chính thì họ còn có nhiều thứ rất mạnh: hệ thống vận hành, tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, quy trình kiểm soát chặt chẽ,... Chính những điều này đang giúp họ từng bước giành lấy thị phần từ tay người Việt chúng ta.
Nguồn: Brian Dang