Kỹ năng xử lý từ chối giúp tăng cơ hội chốt sale (P1)

Nhân viên bán hàng thường xuyên gặp phải những trường hợp từ chối mua hàng với những lý do như sản phẩm không đúng nhu cầu, cảm thấy phiền phức, sản phẩm quá đắt không đủ tài chính và hàng ngàn lý do khác. Những tình huống này rất phổ biến trong quá trình bán hàng. Vì vậy, trang bị kỹ năng vượt qua sự từ chối của khách hàng là điều mỗi nhân viên sale nên làm và các nhà quản lý cũng cần phải biết.

“Tôi không có nhu cầu. Sản phẩm của bạn quá đắt. Chị thấy sản phẩm của công ty A tốt hơn bên em. Đây chỉ là ba trong số hàng chục lời từ chối của khách hàng mà nhân viên bán hàng thường xuyên gặp phải.”

Là một người bán hàng, vậy bạn sẽ làm gì sau lời từ chối của khách hàng? Từ bỏ và tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm những khách hàng khác?

Đừng làm như vậy! Bạn không nên từ bỏ khách hàng tiềm năng một cách dễ dàng thay vào đó hãy tìm cách thay đổi suy nghĩ của họ.

“Những lời từ chối của khách hàng sẽ giúp bạn nhận ra những vấn đề trong kĩ năng thuyết phục khách hàng của mình. Những nhân viên bán hàng giỏi nhất coi sự phản đối hay từ chối của khách hàng là một cơ hội để điều chỉnh kịch bản thuyết phục khách hàng và cải thiện các kĩ năng để ngày càng hoàn thiện bản thân.”

Bài viết này sẽ phân tích những tình huống từ chối thường gặp và các kỹ năng xử lý lời từ chối của khách hàng giúp tăng cơ hội chốt sale.

1. Kỹ năng vượt qua sự từ chối của khách hàng là gì?
Có thể hiểu đây là cách thức xử lý từ chối mua hàng của người bán hàng. Nhân viên sale cần có biện pháp trong giao tiếp để làm khách hàng yên tâm khi họ có những mối lo ngại về sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Khi đã đập tan mối lo này, các thỏa thuận sẽ đi lên theo chiều hướng tích cực.

Sự từ chối thường xoay quanh các vấn đề như giá cả, chất lượng, tính năng của sản phẩm, so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Nhưng nhân viên bán hàng cần đưa ra những lý lẽ thuyết phục khiến người mua thay đổi suy nghĩ, giảm bớt nỗi lo và đưa ra quyết định mua hàng.

Đối với những trường hợp bị khách hàng từ chối, nhiều người đã tranh luận hoặc tỏ thái độ, gây áp lực lên khách hàng. Điều này tạo ra cảm giác phản cảm và bôi xấu hình ảnh thương hiệu.

Có 4 bước trong cách xử lý từ chối của khách hàng:
  • Bước 1: Lắng nghe khách hàng (cũng là tạo cơ hội cho khách hàng nói)
  • Bước 2: Xác nhận mối quan tâm (tóm tắt vấn đề)
  • Bước 3: Đưa ra câu hỏi (tìm hiểu lý do cơ bản dẫn đến việc khách hàng từ chối)
  • Bước 4: Giải tỏa băn khoăn của khách hàng (đưa ra khuyến nghị).
Trong mọi trường hợp, không nên đôi co với khách hàng vì đó không phải là kỹ năng vượt qua sự từ chối của khách hàng hiệu quả.

Những câu từ chối phổ biến của khách hàng có thể được phân loại thành 5 nhóm nguyên nhân chính bao gồm:

  • Nhóm nguyên nhân về giá cả
  • Nhóm nguyên nhân về thời gian
  • Nhóm nguyên nhân về đổi thủ cạnh tranh
  • Nhóm nguyên nhân về thẩm quyền
  • Nhóm nguyên nhân về nhu cầu và sự phù hợp
Hãy cùng phân tích những lời từ chối mà đội ngũ sale đang nghe từ khách hàng tiềm năng hàng ngày. Cho dù đó là về ngân sách hay nhu cầu đối với sản phẩm thì luôn có những cách để vượt qua sự từ chối và tiến tới bước chốt sale.
2. Cách xử lý lời từ chối xuất phát từ vấn đề giá cả
Trường hợp 1: Khách hàng thực sự không đủ khả năng mua sản phẩm/dịch vụ
Cách dễ dàng nhất để tránh việc gặp những lời từ chối mua hàng xuất phát từ lý do giá cả đó là hãy chắc chắn rằng bạn đang xác định đúng khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp mình.

Trong chiến lược bán hàng, doanh nghiệp chắc chắn đã phải vẽ chân dung khách hàng tiềm năng (đối tượng có khả năng chi trả cho sản phẩm doanh nghiệp đang bán). Vì vậy, nếu khách hàng từ chối mua hàng của bạn (trong trường hợp khách hàng trả lời thành thật) thì bạn cần xem lại tệp khách hàng đang tiếp cận liệu rằng đã đúng với chân dung khách hàng của doanh nghiệp bạn chưa. Nếu quá khó khăn trong việc vẽ chân dung khách hàng thì doanh nghiệp có thể sử dụng tới các phần mềm CRM tốt nhất hiện nay để tối ưu hiệu quả.


Nếu khách hàng thực sự không đủ khả năng để chi trả sản phẩm bạn bán thì cách tốt nhất là hãy đánh dấu cold lead (nhóm khách hàng không quan tâm tới dịch vụ/sản phẩm của công ty) và đừng lãng phí quá nhiều thời gian để tìm cách thuyết phục họ thực hiện hành động mua.

Tuy nhiên đừng thay đổi thái độ khi biết rằng những người này không phải khách hàng tiềm năng. Hãy khiến cho những đối tượng này cảm thấy thoải mái và khéo léo nói với họ rằng bạn vẫn nghĩ họ có thể tìm thấy giá trị trong giải pháp của bạn vào một thời điểm nào đó sau này bằng cách nói:

VD: “Cảm ơn anh/chị đã dành thời gian trao đổi với em. Em cũng biết hiện tại giá sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của anh/chị. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới nếu ngân sách cho phép, anh/chị cân nhắc về gói sản phẩm bên em nhé”.

Trường hợp 2: Khách hàng đủ khả năng chi trả nhưng chưa tin tưởng sản phẩm/dịch vụ



Trường hợp khách hàng thực sự không có khả năng mua sản phẩm có lẽ sẽ ít gặp trừ khi đội ngũ sale đang tiếp cận sai tệp khách hàng mục tiêu của mình.

Một trường hợp dễ gặp hơn đó khách hàng có đủ ngân sách nhưng họ từ chối mua vì đơn giản là bạn chưa thuyết phục được họ rằng sản phẩm của bạn đem lại những giá trị đáng để họ đầu tư.

Khi khách hàng tiềm năng từ chối mua hàng vì lý do giá cả, vậy thì vấn đề nằm ở chính nhân viên bán hàng. Kỹ năng thuyết phục của bạn đang chưa đủ tốt để khiến khách hàng tiềm năng tin vào giá trị giải pháp bạn đang bán.

Vậy thì cách xử lý từ chối ở đây là gì?

Nếu bạn đã xác định chắc chắn rằng đối tượng là khách hàng tiềm năng (có đủ khả năng chi trả cho gói sản phẩm) vậy thì đừng bị hạ gục bởi những lời nói như:

“Chị không có đủ khả năng tài chính đâu.”

“Sản phẩm này đắt quá!”

“Anh có thể mua cái này rẻ hơn rất nhiều so với giá bên em.”



Hãy quyết đoán và nhắc nhở đối tượng về những cuộc thảo luận trước đó khi họ bày tỏ về nhu cầu và ngân sách của mình. Bạn cần phải điều chỉnh lại nội dung cuộc nói chuyện và tập trung trình bày về giá trị sản phẩm thay vì bài toán chi phí.

Vậy làm cách nào để bạn kết nối lại với khách hàng tiềm năng và định hình lại nhận thức của họ về giá trị?

Lời khuyên là hãy tìm ra gốc rễ của vấn đề giá cả. Giải quyết vấn đề này bằng cách tìm hiểu sâu hơn về sự từ chối bằng cách đặt những câu hỏi sau:

  • Anh/chị hiện tại/ trước đó có sử dụng một giải pháp/sản phẩm/dịch vụ tương tự nào không ạ? Anh /chị chi bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó? Trải nghiệm của anh/chị với sản phẩm đó như thế nào?
  • Bỏ qua vấn đề giá cả thì anh/chị sẽ mong đợi điều gì nhất từ sản phẩm ạ?
Đặt những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lý do tại sao giá cả lại là một vấn đề với khách hàng tiềm năng của bạn. Một khi bạn có hình dung rõ ràng về tình hình của họ, bạn sẽ dễ dàng lên kế hoạch cho bước tiếp theo của mình.

Tiếp đó, hãy nói với khách hàng tiềm năng rằng bạn hiểu trường hợp của họ:

VD: “Dạ thưa anh, điều anh lo lắng là rất đúng ạ. Em rất hiểu và em chắc chắn rằng giải pháp của công ty em sẽ giúp anh giải quyết những vấn đề anh đang gặp phải ạ”.

Hãy để khách hàng tiềm năng thấy bạn đang thực sự quan tâm tới họ và là người đem lại giải pháp giúp họ giải quyết những khó khăn hay nỗi đau. Hướng dẫn và nói với họ cách bạn sẽ giúp đỡ họ bằng sản phẩm bạn đang bán là gì.

VD: “Thưa anh, giải pháp của công ty em đã giúp đỡ cho rất nhiều khách hàng cũng gặp vấn đề tương tự như anh. Với những tính năng ưu việt, sản phẩm của công ty em đã giúp khách hàng giải quyết nhiều bài toán. Như trước đây anh cũng đã từng nhắc tới những lo lắng này, em tin rằng sản phẩm của bên em sẽ đáp ứng được nhu cầu của anh”.

Bạn nên tránh việc nói về giá cả đầu tiên khi nói chuyện với khách hàng tiềm năng. Hãy thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm bạn bán sẽ giúp họ giải quyết các nỗi đau và mang lại lợi ích trước tiên. Một khi khách hàng tiềm năng đã nhìn thấy lợi ích cụ thể mà sản phẩm của bạn đem lại thì quyết định của họ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá cả hơn.
3. Cách xử lý từ chối xuất phát từ vấn đề thời gian
Những lời từ chối thường gặp trong nhóm này đó là:

“Chị cần thời gian để suy nghĩ.”

“Chị chưa cần mua bây giờ. Chắc quý sau chị mới cần tới.”

“Chị đang bận lắm, không có thời gian nói chuyện đâu em.”


Hãy cùng lý giải động cơ đằng sau những lời từ chối này và cách để xử lý những từ chối xuất phát từ lý do thời gian.

Trường hợp 1: “Anh cần thời gian để suy nghĩ.”


Nếu một khách hàng tiềm năng nói rằng họ cần thời gian suy nghĩ về việc mua hàng của họ thì điều đó có nghĩa rằng họ vẫn đang chưa chắc chắn về giá trị giải pháp của công ty bạn. Vậy nên đừng nên mặc kệ khách hàng suy nghĩ mà hãy tìm hiểu xem họ đang không chắc chắn về điều gì.

Hãy nhắc lại các cuộc trò chuyện trước đó và khéo léo hỏi xem khách hàng tiềm năng đang suy nghĩ điều gì.

VD: “Dạ thưa chị, em hiểu rồi. Chị ơi như chị em mình đã trao đổi thì hiện tại chị đang muốn [nhu cầu của khách hàng]. Không biết chị có thể chia sẻ với em rằng chị đang cần phải suy nghĩ thêm về vấn đề gì không ạ? Em sẽ cố gắng hỗ trợ chị tốt nhất ạ.”

Một phản hồi như trên có thể giúp bạn xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với khách hàng tiềm năng, vì nó thể hiện sự tự tin vào giải pháp mà bạn đang bán. Từ đó, khách hàng sẽ ít có cơ hội từ chối bạn hơn.

Tuy nhiên bạn sẽ vẫn gặp một số cản trở nếu như khách hàng tiềm năng của bạn không phải là người có quyền quyết định mà họ cần phải có sự chấp thuận từ các cấp cao hơn để thực hiện hành vi mua hàng; hoặc giá trị đơn hàng lớn. Hai trường hợp này thường thấy khá phổ biến trong hoạt động bán hàng B2B.

Trong tình huống này hãy khéo léo hỏi khách hàng đánh giá thế nào về sản phẩm của bạn. Thêm vào đó hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp họ truyền đạt các giá trị của sản phẩm với sếp của họ hay không. Hãy cung cấp cho đối tượng những gì họ cần và trao quyền để họ đạt được mục tiêu của mình.

Trường hợp 2: “Chị chưa cần mua bây giờ. Chắc vài tháng sau chị mới cần tới.”

Lời từ chối này ngụ ý rằng cần có sự thay đổi nào đó để đầu tư và triển khai giải pháp của bạn. Hãy tìm hiểu xem điều gì đã thay đổi dẫn tới việc giảm mức độ ưu tiên triển khai sản phẩm như vậy. Đó có thể là những thay đổi trong cơ cấu tổ chức nội bộ, người ra quyết định rời bỏ tổ chức hay có các mục tiêu kinh doanh khác được ưu tiên hơn.

Để xử lý từ chối này, hãy nhắc lại nội dung cuộc trò chuyện trước đó xác thực mức độ thành thật của khách hàng tiềm năng.

VD: “Trước đó chị có đề cập rằng [vấn đề] cần phải được giải quyết sớm phải không ạ? Nếu chị trì hoãn, vậy thì vấn đề của chị vẫn sẽ không được giải quyết và chắc chắn điều này sẽ [nêu thiệt hại nếu không sử dụng sản phẩm]. Vậy chị đã có phương án nào chưa ạ? Em muốn cùng chị chia sẻ vấn đề và hy vọng có thể giúp chị tìm ra phương án giải quyết tốt nhất.”

Hãy cố gắng dẫn dắt khách hàng tiềm năng đến một kết luận thuận lợi cho bạn. Tuy nhiên cũng đừng khiến cho khách hàng tiềm năng cảm thấy bạn đang ép buộc họ.

Sau đó, hãy hỏi khách hàng tiềm năng “lý do tại sao trong quý tới” và nếu họ đưa ra câu trả lời chính đáng, hãy sử dụng câu này để bắt đầu một cuộc đối thoại mới.

Trường hợp 3: “Cảm ơn em! Chị sẽ liên hệ với em sau.”
Lời từ chối này mơ hồ tới mức việc đưa ra các giả định về ý nghĩa câu nói có thể làm nản lòng đội ngũ bán hàng.

Cách tốt nhất để xử lý từ chối này đó là xác định rõ ràng ý nghĩa lời từ chối này là gì. Hãy đặt câu hỏi một cách thẳng thắn.

Đặt những câu hỏi thẳng thắn sẽ giúp bạn nhận về những câu trả lời trung thực của đối tượng. Hãy hỏi họ xem họ có thực sự tin rằng giải pháp của bạn có thể giải quyết vấn đề của họ hay không.

VD: “Dạ chị ơi, để tránh làm mất thời gian của chị thì chị có thể cho em biết chị có quan tâm tới giải pháp bên em không ạ?

Hãy khéo léo bày tỏ rằng một câu trả lời trung thực sẽ giúp bạn phục vụ khách hàng tiềm năng tốt hơn và giúp tiết kiệm thời gian cho đối phương. Khách hàng có nhu cầu hay không? Bạn cần sự rõ ràng ở đây để tránh mất thời gian.

Trường hợp 4: “Chị không có thời gian nói chuyện lúc này.”

Hãy nhớ rằng bạn cần phải tôn trọng thời gian của khách hàng tiềm năng. Là một nhân viên bán hàng, việc thiếu đi sự đồng cảm có thể hủy hoại đi tất cả những thiện cảm bạn đã cố gắng xây dựng.

Nếu khách hàng từ chối nói chuyện trong giai đoạn tìm kiếm hoặc giai đoạn khám phá bán hàng, hãy khéo léo đặt một lịch hẹn khác với họ. Nếu bạn cảm thấy khácH hàng đang cảm thấy khó chịu vì cuộc gọi của bạn, hãy kết thúc cuộc gọi càng nhanh càng tốt mà không thúc ép họ phải cho bạn một lịch hẹn khác. Đơn giản bạn chỉ cần ghi chú để gọi lại vào một ngày khác.

Khi ở giai đoạn thuyết trình hoặc demo sản phẩm thì cuộc họp đã lên lịch sẽ được hai bên đồng ý trước. Trong trường hợp khách hàng tiềm năng đến muộn hoặc có điều gì khác xuất hiện thì cũng đừng rút ngắn cuộc họp. Nếu khách hàng bỏ lỡ buổi thuyết trình hãy cố gắng sắp xếp một buổi khác thay thế.

VD:”Em biết chị rất bận và không có nhiều thời gian cho buổi demo hôm nay. Không biết em có thể hẹn chị vào thời gian nào để có thể demo sản phẩm cho chị ạ?”

Tuy nhiên hãy lưu ý đối với những khách hàng quá bận rộn và từ chối cuộc hẹn với bạn quá nhiều lần. Nó cho thấy những đối tượng này không thực sự nghiêm túc về giải pháp của bạn. Vì vậy đừng lãng phí thời gian của bạn.
 
Bên trên