Làm gì để khách Trung đến nhiều, tiêu nhiều ở Việt Nam?

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Khách Trung Quốc hiện không chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu khi đi du lịch, dù giai đoạn cao điểm từng có hàng chục nghìn khách đến Nha Trang mỗi ngày.

Nghiên cứu được đưa ra hôm 18/9 của Viện Nghiên cứu dữ liệu Big Data, Công ty du lịch trực tuyến Qunar có trụ sở tại Bắc Kinh, cho thấy các điểm đến châu Âu được khách Trung Quốc quan tâm nhiều hơn trước. Tại châu Á, Bangkok, Seoul, Tokyo, Kuala Lumpur, Singapore là 5 điểm đến hàng đầu của họ và không có điểm đến nào ở Việt Nam. Trong khi đó, khảo sát hồi giữa tháng 9 cũng cho thấy 80% số người Trung Quốc được hỏi muốn đi du lịch quốc tế trong một năm tới, mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.

Du khách Trung Quốc nghe thuyết minh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm 16/3. Ảnh: Phương Nam Five Star Travel


Du khách Trung Quốc nghe thuyết minh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, hồi tháng 3. Ảnh: Phương Nam Five Star Travel



CEO Công ty lữ hành quốc tế Fantasea Đào Việt Long nói trước dịch, Việt Nam là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc nhờ tài nguyên du lịch biển, khoảng cách địa lý, hoạt động xúc tiến của nhiều công ty du lịch lớn trên khắp Trung Quốc qua việc tổ chức các chuyến bay charter (thuê bao cả chuyến) đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có khoảng 20.000 khách Trung Quốc tới Nha Trang. Tuy nhiên, ngay cả khi đó Việt Nam chưa hấp dẫn được tệp khách hàng trung và cao cấp Trung Quốc.

Theo ông, khách Trung Quốc ưu tiên các điểm đến xa hoa, thuộc các nước phát triển, có sự khác biệt về văn hóa hoặc thỏa mãn nhu cầu giải trí, mua sắm. Du lịch Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản, dịch vụ chưa đa dạng, chưa kích thích được nhu cầu mua sắm của khách Trung.

Việt Nam đang được coi là điểm đến giá rẻ do cách thức khai thác của ngành du lịch trước đây với những tour 0 đồng, tour giá rẻ đường bộ. Mức chi tiêu thấp còn xuất phát từ việc hầu hết các chương trình du lịch đều ngắn (4-5 ngày), phần lớn khách đi theo đoàn với dịch vụ trọn gói, ít chi tiêu bên ngoài.

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group kiêm chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng, cho biết thêm trước dịch Việt Nam đón nhiều khách Trung nhưng dòng khách đến từ các khu vực giàu có, phát triển như Thượng Hải, Bắc Kinh ít.

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc cho thấy trong 6 tháng đầu năm, nước này có hơn 40 triệu lượt khách xuất ngoại, bằng 23% so cùng kỳ năm 2019, riêng tháng 6, lượng khách Trung Quốc đạt gần 42% so với cùng kỳ trước dịch. Khách đi quốc tế chủ yếu là doanh nhân, người thăm thân, du học sinh, trong đó, gần 94% đến châu Á.

Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai gửi khách đến Việt Nam với hơn 557.000 lượt, là phần nhỏ trong số hơn 40 triệu lượt khách Trung du lịch quốc tế. Nguyên nhân một phần có thể do "Việt Nam thuộc các nhóm nước được Trung Quốc mở cửa muộn hơn, từ 15/3", ông Long nói.

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, trước dịch Trung Quốc nhiều năm liên tiếp giữ vị trí số một thế giới về mức chi tiêu khi du lịch nước ngoài. Dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Du lịch toàn cầu (GTERC) cho thấy, năm 2018 chi tiêu của khách Trung đi nước ngoài đạt 277 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng chi tiêu du lịch quốc tế của khu vực châu Á và 20% của thế giới.

Khách Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD một chuyến đi, nằm trong top ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Australia (3.370 USD) và Singapore (2.440 USD). Chi tiêu trung bình của một khách Trung đến Việt Nam năm 2019 là 1.022 USD.


Trung Quốc là thị trường lớn, đa dạng về phân khúc khách hàng (từ thấp, trung đến cao cấp), đa dạng về đối tượng (khách du lịch, khách hội thảo và sự kiện, khách thương vụ, khách công vụ). Họ được đánh giá "dễ thích nghi". Nhưng đây là cũng là thị trường tương đối nhạy cảm, đôi khi bị định hướng bởi các yếu tố chính trị, truyền thông, cũng là thị trường mang tính đám đông, phong trào, theo ông Long.

Với đại bộ phận khách Trung Quốc, ngoài những nhu cầu cơ bản của du lịch, họ quan tâm sự đến sự độc đáo, mới lạ, tính tiện nghi của điểm đến, hoạt động vui chơi giải trí. Họ có nhu cầu mua sắm cao, thích sự náo nhiệt.

Theo ông Phạm Hà, Trung Quốc là thị trường khách mà "nước nào cũng muốn". Nhắc đến khách Trung là nhắc đến "số lượng". Ông Hà cho rằng, sau dịch, Việt Nam cần thay đổi nội dung quảng bá, nâng cấp đất nước điểm đến sang trọng để thu hút tệp khách nhà giàu, chi tiêu cao.

"Chúng ta cần làm lại thị trường, tăng đường bay thẳng và nên miễn visa tạm thời như Thái Lan", ông Hà nói.

Theo ông Đào Việt Long, để thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều hơn, công tác xúc tiến điểm đến đóng vai trò quan trọng nhất, đặc biệt sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh. Các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né vẫn là những "quân bài chiến lược", cần được quảng bá rộng rãi và liên tục tại thị trường Trung Quốc.

Chính sách visa, thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch Trung Quốc cũng là yếu tố quan trọng. Theo ông Long, Thái Lan đang làm "rất quyết liệt" để thu hút khách từ thị trường tiềm năng này khi ban hành chính sách miễn thị thực tạm thời cho khách Trung Quốc trong 5 tháng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần kiểm soát tour không đồng, tour giá rẻ bằng đường bộ nhằm thay đổi quan niệm của thị trường Trung Quốc về điểm đến Việt Nam. Các đơn vị lữ hành cần phải xây dựng sản phẩm mới thay cho những sản phẩm mang tính đại trà trước đây, tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm khách hàng, ngày tour dài hơn, nhắm vào đối tượng khách hàng nhóm nhỏ, có khả năng chi tiêu cao.

"Đây là phân khúc mới, trào lưu mới của thị trường sau thời gian dịch bệnh", ông Long nói.
 
Bên trên