Làm gì khi nghi ngờ smartphone bị hack?

Ngô Nguyễn Anh Thư

Well-known member
Người dùng nên lập tức quét virus, kiểm tra và gỡ ứng dụng lạ nếu thấy điều bất thường trên smartphone.

Với thông số ngày càng mạnh mẽ, smartphone đã trở thành máy tính di động, có thể xử lý nhiều công việc mà không cần laptop hay PC, nhưng cũng là mục tiêu tấn công của hacker nhiều hơn. Nếu thiết bị có dấu hiệu bị tấn công, người dùng nên "hành động" ngay lập tức.

Một người dùng đang sử dụng iPhone của Apple. Ảnh: Reuters


Một người dùng đang sử dụng iPhone của Apple. Ảnh: Reuters

Đăng xuất, đổi mật khẩu

Nếu cảm thấy smartphone có dấu hiệu bất thường, việc đầu tiên người dùng nên đăng xuất toàn bộ tài khoản đang đăng nhập trên thiết bị như tài khoản máy, ngân hàng, ví điện tử, mạng xã hội. Sau đó, chuyển sang đăng nhập trên một máy khác và tiến hành đổi mật khẩu. Cách làm này nhằm đề phòng hacker đã đánh cắp được thông tin và dùng chúng cho mục đích bất chính.

Bên cạnh đó, người dùng cũng nên đổi mật khẩu điện thoại. Nếu có thể, nên kết hợp nhiều phương thức xác thực được hỗ trợ, như mật khẩu, mã PIN, vân tay, khuôn mặt để tăng độ bảo mật.


Tìm ứng dụng lạ

Những dấu hiệu lạ trên smartphone như nóng bất thường, ngốn dữ liệu mạng hoặc pin tụt nhanh có thể do ứng dụng chạy ngầm tiêu thụ tài nguyên quá mức.

Trên iPhone, vào Cài đặt, cuộn xuống để tìm các ứng dụng chưa từng cài đặt và gỡ chúng. Trên Android, vào Cài đặt > Ứng dụng > Trình quản lý ứng dụng và xem kỹ danh sách, chọn ứng dụng cần xóa và bấm Gỡ cài đặt.

Trong nhiều trường hợp, phần mềm độc hại chạy ngầm, khó phát hiện và khó gỡ hơn. Người dùng có thể cài ứng dụng bên thứ ba để quét như Certo hay Avast. Trên Android, có thể kích hoạt chế độ Safe Mode để tìm ứng dụng ẩn.

Quét virus

Thao tác này giúp phát hiện virus hoặc mã độc trên điện thoại và tiêu diệt chúng. Hiện đa số smartphone đã tích hợp công cụ quét virus mặc định và người dùng có thể dùng để tìm diệt phần mềm độc hại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dùng nên sử dụng sản phẩm chuyên dụng từ bên thứ ba để tăng khả năng phát hiện. Ngoài ra, cần cập nhật phần mềm này thường xuyên nhằm phát hiện các chủng mã độc mới nhất.

Khôi phục cài đặt gốc

Đây là cách bất khả kháng nếu vẫn nghi ngờ smartphone bị hack. Việc khôi phục cài đặt gốc đưa máy trở lại trạng thái ban đầu, nhưng toàn bộ dữ liệu trên máy cũng không còn.

Trước khi khôi phục mặc định ban đầu, người dùng nên sao lưu dữ liệu. Dù vậy, chỉ nên lưu loại dữ liệu thực cần thiết, bởi hành động này cũng vô tình có thể lưu cả phần mềm độc hại. Các chuyên gia cho rằng nếu có thể, nên sao lưu dữ liệu thường xuyên khi smartphone chưa gặp dấu hiệu bị virus, sau đó chọn một trong các bản cảm thấy an toàn nhất.
 
Bên trên