Làn sóng làm hai việc cùng lúc tại Thung lũng Silicon

Từ Minh Quân

Well-known member
Nhiều kỹ sư công nghệ tại Thung lũng Silicon đang âm thầm làm 2-3 công việc toàn thời gian cùng lúc mà công ty chủ quản không hay biết.

Đầu đại dịch, Bryan Roque mất công việc kỹ sư phần mềm tại Amazon. Ban đầu, anh thấy nhẹ nhõm khi được nghỉ ngơi sau hàng năm trời làm cật lực đến kiệt sức. Sau đó, anh tìm được vị trí mới ở IBM. Chưa đầy một năm, anh nhận được cuộc gọi từ Meta. Nếu như trước, anh sẽ nghỉ ở công ty cũ rồi sang nơi mới. Nhưng Roque chợt nghĩ: Sao mình không giữ công việc hiện tại và bí mật kiêm nhiệm thêm vị trí ở nơi mới?

Minh họa về những người làm nhiều công việc tại nhiều công ty cùng lúc. Ảnh: Business Insider


Minh họa về những người làm hai việc tại hai công ty cùng lúc. Ảnh: Business Insider

Theo Business Insider, một người làm tại nhiều công ty không phải chuyện hiếm, nhưng đang trở thành làn sóng mới. Trong cộng đồng riêng, họ được gọi là "Overemployed" - người làm hai công việc toàn thời gian nhưng hai công ty đó không hề hay biết. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm Overemployed cũng được lập ra, có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn về cách để lách quy định tại doanh nghiệp.

Theo McKinsey & Company, tính đến tháng 9, một công ty điển hình tại Mỹ có khoảng 5% nhân viên làm hai công việc cùng lúc. Còn theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến hết tháng 10, 412.000 người Mỹ đang làm hai việc toàn thời gian cùng một lúc, tăng 105.000 so với năm 2019. Một thống kê khác cho thấy khoảng 300.000 thành viên Overemployed đang có mặt trên Discord và Reddit. Họ ăn mừng thành công của nhau, động viên nếu gặp khó và trao đổi những bí mật để đánh lừa sếp tại những công ty đang làm việc.

Roque tham gia một trong những hội nhóm đó. Không chỉ ở IBM và Meta, anh còn nhận lời đề nghị khác từ Tinder. Đến nay, những công việc này mang lại cho anh khoản lương tổng cộng 820.000 USD mỗi năm.

Isaac, người lập blog Overemployed năm 2021, cho biết chính sách cho phép nhân viên làm việc linh hoạt từ xa đã thúc đẩy nhiều người kiếm thêm việc bên ngoài. "Đó không chỉ là điều cấm kỵ về mặt văn hóa doanh nghiệp và đối mặt nguy cơ sa thải, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận rủi ro", Isaac nói.


Những người làm nhiều việc toàn thời gian cùng lúc thường xếp hạng theo thứ tự ưu tiên. J1 là công việc có độ ưu tiên cao nhất, được làm trước tiên, sau đó đến J2, J3. Họ cũng không cập nhật hồ sơ LinkedIn hay bàn luận về công việc. "Họ sẽ không nói cho ai biết họ đang làm gì trừ vợ/chồng, hoặc tỏ ra ngạc nhiên khi ai đó nhắc đến một người làm việc nhiều nơi", Isaac nói.

Khi J2, J3 có khối lượng công việc lớn hơn thông thường, các Overemployed thường xin nghỉ phép hoặc nghỉ đột xuất ở J1 để giải quyết. "Họ cố gắng hoàn thành mọi việc tốt nhất có thể. Trong cộng đồng này, cách tốt nhất để sếp không biết mình làm gì là đừng để cho họ có lý do để nghi ngờ", Isaac tiếp tục.

George, một kỹ sư phần mềm từng đảm nhiệm bốn việc cùng một lúc, cho biết: "Lý do khiến mọi người bị phát hiện là vì họ lười biếng. Tôi chưa bao giờ bị bắt vì bản thân thực sự siêng năng".

Bên cạnh sự chăm chỉ và biết cách "lách" quy định, hầu hết Overemployed là người tài giỏi. Allison, có 16 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình và kiêm nhiệm hai công việc, nói cô "đang ở đỉnh cao nghề nghiệp". "Khi nộp đơn xin công việc thứ hai, tôi đã chắc chắn nó phù hợp với kỹ năng hiện có của mình", Allison cho hay.

Những người khác lại kiêm nhiệm việc mới khi công việc hiện tại quá nhàn hạ. "Tôi cảm thấy mình có nhiều thời gian và nghĩ mình có thể sử dụng thời gian đó hiệu quả hơn là chỉ xem video trên YouTube", Cole, một kỹ sư phần mềm, cho biết anh tìm đến J2 vì J1 chỉ cần vài tiếng mỗi tuần để hoàn thành.

Theo Matthew Berman, luật sư chuyên giải quyết vấn đề nhân sự, hầu hết công ty phát hiện nhân viên làm việc bên ngoài đều không khởi kiện hay phạt họ. Dù vậy, dành quá nhiều thời gian cho công việc có thể khiến hạnh phúc gia đình gặp trục trặc. Trên một kênh Discord dành cho Overemployed có hơn 100.000 thành viên, câu hỏi thường xuất hiện là: "Sự quan tâm của bạn dành cho bạn đời thế nào?".

Mối lo ngại lớn hơn hiện nay là hầu hết công ty bắt đầu yêu cầu nhân viên quay lại văn phòng. Roque buộc phải đến trụ sở Meta 2-3 ngày một tuần. Không ít lần, anh ngồi ở văn phòng Meta, kết nối wifi trong tòa nhà để họp với Tinder và IBM. Một lần, phía Tinder nhận ra vấn đề và chất vấn, buộc Roque tìm cách nói dối.

Dù có nhiều mối lo, nguồn thu nhập lớn là lý do Overemployed vẫn chạy theo nhiều công việc. Bên cạnh Roque có thu nhập 800.000 USD mỗi năm, Isaac là 600.000 USD hay Cole là 500.000 USD, một số người khác chia sẻ trên nhóm kín rằng họ có thể kiếm một triệu USD cho 5 công việc, thậm chí tới hai triệu USD cho 9 công việc cùng lúc. Tuy nhiên, điểm chung của họ là không bao giờ nói quá nhiều đến công việc của mình với mọi người.

Đa số Overemployed cho biết làm nhiều việc quần quật nhằm tự chủ tài chính. Số khác nói muốn kiểm soát công việc và không sợ bị sa thải. "Tôi không phải lo lắng về việc quá phụ thuộc vào một công ty mà vẫn có nguồn tiền", Roque nói.

Một CEO công nghệ cho biết không khó nhận ra Overemployed. Tuy nhiên, dựa trên năng suất, họ cảm thấy không có lý do gì để đuổi việc một người đang làm tốt những gì được giao.

"Tôi đã được đánh giá xuất sắc ở cả hai công việc", Allison cho hay. Dù vậy, cô đối mặt với vấn đề nan giải khi quản lý trực tiếp ngày càng giao nhiều việc. Cô đòi tăng lương nhưng bị từ chối, nên quyết định nghỉ và chuyên tâm cho một nơi, dù nơi cũ sau đó đề nghị mức lương cao gấp đôi.
 
Bên trên