Làng chài Vung Viêng yên bình giữa vịnh Bái Tử Long

Hồ Thị Thanh Trà

Well-known member
Nơi bình yên giữa lòng di sản

Làng chài Vung Viêng (còn được biết đến với tên gọi làng chài Vông Viêng) tọa lạc tại vịnh Bái Tử Long, cách đất liền khoảng 25km. Ngôi làng được hình thành từ thế kỷ XIX, là nơi dừng chân, neo đậu và buôn bán của những ngư dân xưa.

Tên gọi Vung Viêng xuất phát từ một câu chuyện thú vị lưu truyền trong dân gian. Xưa kia, những tiểu thương từ Hải Phòng qua vùng này thường dừng lại nấu cơm vào buổi trưa. Sóng biển xô thuyền, khiến nắp nồi kêu “vung vênh”, rồi cái tên ấy dần được gọi chệch thành "Vung Viêng" như ngày nay.

Là một trong bốn làng chài nằm trong vùng Di sản thế giới của vịnh Hạ Long, làng chài Vung Viêng ít được du khách biết đến hơn Ba Hang, Cửa Vạn hay Cáp La. Có lẽ vì thế mà nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên bản và yên ả như chính nhịp sống của người dân làng chài.

Du khách đi thuyền khám phá làng chài Vung Viêng. Ảnh: Trung Hiếu
Du khách đi thuyền khám phá làng chài Vung Viêng. Ảnh: Trung Hiếu
Hành trình đến làng chài bắt đầu từ cảng Tuần Châu hoặc cảng Hòn Gai, du khách có thể thuê tàu hoặc đi theo các tour du lịch trên Vịnh. Sau khi đến điểm trung chuyển, du khách được lựa chọn những phương tiện mộc mạc như thuyền nan, ghe hoặc tự chèo thuyền kayak để vào làng. Thời gian từ điểm trung chuyển đến làng chài kéo dài khoảng 30 - 40 phút, đủ để du khách cảm nhận rõ sự thanh bình, hoang sơ của làng chài cách xa phố thị.

Ấn tượng đầu tiên với du khách phải kể đến cổng làng - hang Cao, một hang xuyên thủy hùng vĩ với vòm hang cao từ 5 đến 8 mét, rộng khoảng 50 mét. Tùy vào thời điểm trong ngày, khi mực nước biển lên xuống khác nhau giúp du khách có thể nhìn thấy cửa hang với độ rộng - hẹp, cao - thấp trên mực nước biển.

Đi qua hang, ngôi làng nổi hiện lên giữa biển trời, bao quanh là núi đá sừng sững như bức bình phong che chở cho làng. Đi thuyền quanh làng chài, du khách có thể thấy những mái nhà nhỏ nằm xen giữa các bè nổi, nơi người dân nuôi trồng thủy sản để cung cấp cho đất liền.

Giữa làng là khu nhà cộng đồng nổi, nơi từng là trường học, nơi họp bàn, tổ chức sự kiện của dân làng. Giờ đây, nhà cộng đồng trở thành điểm tiếp đón khách du lịch, nơi trưng bày hàng trăm bức ảnh đẹp, giá trị về vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ... cùng các dụng cụ để đánh bắt cá truyền thống như lưới bắt cá, rọ bẫy cua, ốc...

Cũng tại đây, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động độc đáo: Chèo thuyền kayak, cùng ngư dân thả lưới, khám phá các bè cá, thăm nơi nuôi ngọc trai hay đơn giản là ngồi lặng yên ngắm làng trôi nhẹ trong ánh hoàng hôn.

Du lịch thay đổi diện mạo làng chài

Trước kia, làng chài Vung Viêng là nơi lưu trú của hàng trăm hộ gia đình ngư dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản qua nhiều thế hệ. Từ năm 2014, chính quyền tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ di dời phần lớn các hộ dân lên bờ để cải thiện đời sống, sinh kế. Hiện chỉ còn lại một số hộ dân lưu lại để nuôi trồng thủy sản, làm du lịch và giữ gìn nét văn hóa truyền thống.

Ông Tăng Văn Phiến, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch làng chài Vung Viêng cho biết, ngày nay, Vung Viêng đã trở thành một điểm du lịch cộng đồng kiểu mẫu, nơi hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa truyền thống và du lịch bền vững.

Hợp tác xã du lịch làng chài Vung Viêng thành lập từ năm 2008, hiện có 110 thành viên là những bà con đã sống thủy cư tại đây và các làng chài lân cận.

Ông Phiến chia sẻ: “Từ khi phát triển du lịch, người dân sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, mỗi gia đình đều có thùng rác để giữ vệ sinh chung. Tất cả chi phí học tập, sách bút, quần áo của con em học sinh đều đến từ hoạt động du lịch.

Ngoài việc nuôi trồng, buôn bán thủy sản, dân làng còn có thêm thu nhập từ hoạt động chèo đò, thuyền nan, bán các vật phẩm thủ công, truyền thống, làm du lịch... ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”.

Du khách ghi lại những bức ảnh về vịnh Hạ Long được trưng bày tại nhà cộng đồng. Ảnh: Trung Hiếu
Du khách ghi lại những bức ảnh về vịnh Hạ Long được trưng bày tại nhà cộng đồng. Ảnh: Trung Hiếu
Theo ông Phiến, hiện làng chài Vung Viêng chỉ có 27 ô bè nuôi cá. Các ngư dân trực tiếp nuôi cá được phép ở lại sinh hoạt thường xuyên tại làng chài. Còn lại gia đình, con em và những người khác làm du lịch ở làng chài đều phải trở về đất liền sinh sống và học tập.

Ông Phiến cho rằng, điều quan trọng nhất để giữ gìn hồn cốt của làng chài Vung Viêng là giữ được sự hiện diện của người dân sinh sống tại đây.

“Ngư dân là cốt lõi, giúp kéo dài nghề ngư nghiệp truyền thống của ông cha. Phải có cuộc sống, sinh hoạt, hơi thở của con người thì làng chài mới được bảo tồn sống động. Một làng chài mà chỉ còn vài căn nhà, vài mái nước thì cũng không giải quyết được gì”, ông Phiến nói.

Ngày nay, với sự phát triển du lịch tại làng chài Vung Viêng, nơi đây không chỉ là điểm đến thu hút khách quốc tế mà còn hấp dẫn cả khách du lịch trong nước. Du khách có thể tham gia các lịch trình tour dài ngày hoặc trong ngày khám phá vịnh Hạ Long.

Giữa muôn trùng sóng nươc, Vung Viêng như một chiếc nôi nhỏ giữ lấy ký ức của làng xưa, của những giá trị đang dần mai một. Ngôi làng nhỏ bé yên bình giữa vùng di sản, không ồn ào, rộn rã nhưng đủ sâu để nhớ, đủ đẹp để quay lại.
 
Bên trên