Lỗ hổng của du lịch Việt

Nguyễn Thị Hồng

Well-known member
Đến đêm thứ hai, hướng dẫn viên du lịch Lê Hải Đăng đã không biết dẫn khách đi đâu chơi ngoài quanh quẩn vào bar hoặc phố Tây Tạ Hiện ở Hà Nội.

"Tiền khách không thiếu, mỗi tội không biết tiêu gì", Lê Hải Đăng, hướng dẫn viên du lịch 20 năm kinh nghiệm sống tại Hà Nội, nói.

Khảo sát từ Tổng cục Du lịch chỉ ra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56-60%). Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Nếu chỉ tính tham quan kèm vui chơi, chi phí bỏ ra chỉ bằng 7-10% tổng chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40-50%, thậm chí 70%.

Gustavo Romero (giữa) đến từ Tây Ban Nha cùng bạn bè vui chơi trên phố Tây Bùi Viện, TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng


Gustavo Romero (giữa) đến từ Tây Ban Nha cùng bạn bè vui chơi trên phố Tây Bùi Viện, TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Năm 2009, mức chi tiêu của khách nước ngoài ở Việt Nam là 1.000 USD. 10 năm sau chỉ tăng lên 1,2 lần. Các khoản chi cho ăn uống, đi lại, mua sắm tăng lên nhưng chi tiêu cho giải trí, tham quan gần như không đổi.

Năm 2019 là năm "đỉnh cao" của du lịch khi Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), trung bình một khách chi tiêu tại Việt Nam là 1.200 USD với thời gian ở trung bình hơn 9 ngày mỗi người. Tại Thái Lan, quốc gia đón 40 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, khách chi tiêu cao gấp đôi, đạt 2.400-2.500 USD với thời gian lưu trú trung bình tương đương.

Từ các con số thống kê trên cho thấy bức tranh chung của ngành du lịch vẫn tập trung chính vào vận chuyển, lưu trú và ăn uống còn mảng khách tiêu tiền nhiều nhất là vui chơi, giải trí vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

"Khách quốc tế và nội địa không chi cho hoạt động vui chơi tại Việt Nam không phải không muốn mà có lẽ vì nước ta chưa có nhiều điểm giải trí thú vị", Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng nói. Còn theo các chuyên gia và doanh nghiệp, thiếu khu vui chơi đẳng cấp quốc tế đang là lỗ hổng lớn cho ngành du lịch Việt Nam.


Hiện chính phủ thông qua đề xuất nâng hạn visa điện tử lên 90 ngày. "Như vậy khách có thể ở lại Việt Nam dài ngày hơn, số đêm ở mỗi địa điểm cũng tăng lên 2-3 đêm", hướng dẫn viên Hải Đăng nói. Vấn đề khách của anh đang gặp là "không có gì để chơi khi ở lại nhiều hơn một đêm tại một tỉnh thành".

Nam hướng dẫn viên chỉ ra "âm nhạc và kịch nghệ thuật toàn tiếng Việt, sao khách hiểu". Hai đêm ở Hà Nội, khách "loanh quanh mỗi phố Tây Tạ Hiện". Các chương trình nổi tiếng như Khám phá Hỏa Lò - tour Đêm Thiêng Liêng chỉ có vào thứ sáu và bảy hàng tuần. Tinh hoa Bắc bộ, Ký ức Hội An, À ố Show tại TP HCM có một đêm trong tuần còn Rối nước thì "quá trẻ con", Hải Đăng chỉ ra các hạn chế về ngành kinh tế đêm của Việt Nam.

Nhìn sang nước khác trong khu vực, bà Hoàng nói Thái Lan có trung tâm chỉ đạo quốc gia về du lịch với đội phản ứng nhanh, giải quyết các vấn đề được cho là rào cản để thúc đẩy, mở cửa du lịch. Song song đó là chính sách phối hợp đồng bộ các ngành nghề liên quan để giảm giá dịch vụ du lịch, vé máy bay, lưu trú, tạo ra nguồn thu du lịch ổn định cho người dân. Singapore với các chính sách kích cầu lớn, các chương trình xúc tiến liên tục, hấp dẫn du khách.

Cuộc sống về đêm tại một quán bar ở Singapore. Ảnh: Zouk

Cuộc sống về đêm tại một quán bar ở Singapore. Ảnh: Zouk

Cả Thái Lan và Singapore có nền kinh tế ban đêm rất mạnh và phần lớn chi tiêu của du khách tập trung vào các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm. Bangkok, Singapore đều được biết đến với biệt danh "thành phố không ngủ".

Châu Á đang là khu vực phát triển mạnh và nhanh thứ hai trên thế giới về ngành công nghiệp vui chơi giải trí. Nhu cầu đi du lịch không chỉ tham quan mà còn mua sắm, tiêu khiển. Ban ngày khách đi các điểm tham quan, buổi tối đến các điểm thư giãn.

"Sản phẩm mua sắm và giải trí đêm là bài toán chiến lược cho ngành du lịch hiện nay", bà Hoàng nói về giải pháp giúp khách tiêu nhiều tiền hơn khi đến. Các hoạt động khai thác kinh tế ban đêm sau 17h cho đến 6h có thể gồm mua sắm ở chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/4, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các điểm du lịch chỉ mở vào đêm...

Hướng dẫn viên tại nhà tù Hỏa Lò đang thuyết minh cho khách. Ảnh: Ngân Dương

Hướng dẫn viên tại nhà tù Hỏa Lò đang thuyết minh cho khách. Ảnh: Ngân Dương

Bà Hoàng nhận xét thời gian qua nhiều địa phương đã quan tâm đến việc xây dựng, phát triển các phố đi bộ đêm. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch hợp lý nên những mô hình chưa mang lại hiệu quả cao. Tại nhiều nơi, các chương trình giải trí, văn hóa và ban đêm ít nên không hấp dẫn khách.

Theo Hải Đăng, ngành du lịch còn cần "Tây hóa" các yếu tố kịch, nghệ thuật, ca múa nhạc để "có cái cho khách xem". Nâng cao dịch vụ trong đó có năng lực ngoại ngữ, chất lượng nhân sự du lịch là điều cần làm. "Khách Tây không hiểu quyền lợi được đi đâu, khám phá thế nào thì họ sẽ không mua" dịch vụ vui chơi, giải trí, Đăng nói.

Ngoài ra, nếu chưa thể xây ngay các khu giải trí đẳng cấp quốc tế, Việt Nam cần phải đẩy mạnh quảng bá du lịch về những thứ đã có sẵn gồm đẩy mạnh quảng bá du lịch về điểm đến, các chương trình vui chơi giải trí. "Chúng ta phải khoe ra những thứ sẵn có thì khách mới biết đến", nam hướng dẫn viên nói.
 
Bên trên