Loạn chi hoa hồng cho tài xế dẫn khách ở Phú Quốc

Từ Minh Quân

Well-known member
KIÊN GIANG - Để kéo thêm khách, nhiều nhà hàng ở Phú Quốc chi hoa hồng 20-30% cho các tài xế taxi, gây bức xúc về giá cả với khách du lịch.

Chị Nguyễn Cẩm Loan ở TP HCM bực bội sau chuyến du lịch gần một tuần tại Phú Quốc dịp 30/4. Khi gọi taxi chở đi ăn, chị được tài xế nhiệt tình giới thiệu một quán cơm niêu. Tuy nhiên, bữa ăn cho bốn người với các món bình dân gồm cơm, kho quẹt, rau luộc, cá kho, thịt kho có giá gần 1,3 triệu đồng.

"Lúc ra về tôi góp ý thẳng với tài xế. Cho dù được nhà hàng chi hoa hồng, họ cũng nên chọn quán chất lượng giới thiệu, nếu không sẽ mất khách trong tương lai", chị nói.

Đường Trần Hưng Đạo cửa ngỏ vào phường trung tâm Dương Đông, nơi tập trung nhiều hàng quán ở TP Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Khánh

Đường Trần Hưng Đạo cửa ngỏ vào phường trung tâm Dương Đông, nơi tập trung nhiều hàng quán ở TP Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Khánh

Thời gian qua, Phú Quốc thường xuyên bị du khách phàn nàn vì giá cả quá cao. Ngoài nguyên nhân khách quan như vị trí biệt lập, nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ đất liền, tài xế taxi được cho là một nhân tố đẩy giá dịch vụ, ăn uống lên cao.

Phương Linh, quản lý một nhà hàng ở Phú Quốc, cho biết nhiều nhà hàng đang cạnh tranh thiếu lành mạnh, phụ thuộc hoàn toàn vào tài xế taxi dẫn khách. Do Phú Quốc "sốt" từ sau dịch, các nhà hàng mới "mọc lên như nấm". Không thể cạnh tranh được với những nhà hàng tồn tại từ trước, họ chọn cách "đi nhanh" là chi hoa hồng đậm cho tài xế, trung bình từ 20-25%.

Linh cho biết việc chia hoa hồng hay trả tiền cảm ơn cho các tài xế vốn "không lạ và đã có từ lâu". Tuy nhiên, mức thông thường khoảng 10%. Vì vậy, số tiền hoa hồng tài xế nhận được càng nhiều, giá hàng hoá du khách phải trả càng cao. Nhà hàng của Linh chỉ có thể đáp ứng được khoảng 10% hoa hồng, nên "không tài xế nào chịu đưa khách đến". Cô từng đề cập tăng hoa hồng lên 12% nhưng được trả lời "19% cũng không".

Hoàng Trung, chủ một nhà hàng ở khu vực Dương Đông, thậm chí cho biết nhà hàng vẫn bị tài xế "nói xấu" vì chỉ đáp ứng hoa hồng 15%. Một số du khách muốn đến nhà hàng của Trung nhưng bị tài xế "bẻ" sang một nhà hàng khác để nhận hoa hồng cao hơn.

Ngọc Cường, từng làm quản lý taxi trong 7 năm, cho biết thời gian đầu, các quán ăn, cửa hàng, điểm vui chơi chi cho tài xế 10.000 đồng một khách, sau tăng lên 20.000 đồng và hiện là 35.000 đồng. Một số quán ăn, cửa hàng mới mở vì muốn kéo khách đã nâng mức chiết khấu lên 20% - 30% trên tổng hoá đơn, cá biệt các cơ sở massage sẵn sàng chi 50%. Các điểm vui chơi, tham quan, mức chi theo đầu xe 100.000 - 200.000 đồng một lượt đưa khách vào.

"Tài xế taxi ở Phú Quốc lương tháng khoảng 15-17 triệu đồng nhưng tiền hoa hồng đưa khách có khi gấp đôi. Nếu may mắn đưa khách sộp mua ngọc trai, hoa hồng mỗi lần lên đến vài chục triệu đồng", anh Cường cho biết.

Anh ước tính khoảng 75% nhà hàng ở Phú Quốc đang chi tiền cho tài xế để dẫn khách. Chính tình trạng lôi kéo khách, kinh doanh lệ thuộc vào taxi khiến một bộ phận tài xế có biểu hiện thao túng, o ép ngược lại những hàng quán không muốn chi hoa hồng. Các tài xế thậm chí lập một nhóm lớn hoạt động trên mạng xã hội để "đánh hội đồng" các nhà hàng "thiếu hợp tác".

Thống kê từ Đội Cảnh sát Giao thông, Công an TP Phú Quốc, cho thấy có khoảng gần 8.000 ôtô các loại ở "đảo ngọc". Theo tìm hiểu của phóng viên, xe taxi truyền thống và công nghệ có khoảng hơn 1.400, xe hợp đồng khoảng hơn 1.200; còn lại là xe gia đình và xe tải.

Một lãnh đạo Phú Quốc thừa nhận có tình trạng "hàng quán chung chi cho taxi như nhiều nơi khác", nhưng "tỉ lệ không nhiều". Dù vậy, lãnh đạo này cam kết sẽ chấn chỉnh, để đem đến hình ảnh đẹp, hài lòng cho du khách.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, nói việc ăn chia giữa nhà hàng và lái xe có thể xem như "cách làm truyền thống" của ngành du lịch. Ông cho rằng hoa hồng nên "ở mức 5-10%". Các điểm buôn bán như cửa hàng, nhà hàng thường có thể lãi 20-30%, nên để có lãi với hoa hồng cho tài xế ở mức 20 - 30%, chỉ có cách tăng giá sản phẩm và người mua phải chịu thiệt.

Ông lấy ví dụ tại Thái Lan, các điểm mua sắm thường hỗ trợ công ty du lịch bằng cách cho họ mượn xe ôtô để chở khách. Đổi lại, công ty phải đưa khách đến điểm mua sắm và dừng khoảng một tiếng. Một số siêu thị lớn như Big C có thể chia khoảng 5% tổng hóa đơn cho công ty đã ký hợp đồng dẫn khách.

"Giữa chia sẻ lợi nhuận và tăng giá để trả hoa hồng là ranh giới mỏng manh. Một bên là trích lợi nhuận từ mình, bên kia là lấy tiền từ khách", ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh nếu để du khách có cảm giác bị lừa, họ sẽ lên mạng chia sẻ, khiến hình ảnh điểm đến sụt giảm. Phú Quốc có nhiều lợi thế về cảnh quan, khí hậu để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, hội họp, nên không thể để hình ảnh "đảo ngọc" bị xấu đi trong mắt du khách.

Quản lý nhà hàng Linh cũng nhận thấy việc cố chi hoa hồng cao cho tài xế để kéo khách là "tư duy làm ăn chộp giật". Đầu tư vào chất lượng sản phẩm, quảng cáo có thể không đem lại kết quả ngay nhưng cô muốn kinh doanh bền vững, không muốn khách "đến một lần rồi quay lưng".
 
Bên trên