Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì?

Võ Xuân Trường

Well-known member
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì?

Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) hay còn được biết đến với tên gọi Tết diệt sâu bọ là một trong những ngày lễ được đông đảo người dân Việt quan tâm. Trong ngày này, theo từng vùng miền Bắc - Trung - Nam sẽ có sự chuẩn bị mâm cúng khác nhau từ hoa quả đến các món ăn, món bánh.
Trong mâm cúng tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ ở cả 3 miền sẽ đều có hương, hoa, vàng mã, nước, xôi chè, cơm rượu nếp và trái cây. Người ta quan niệm vị cay nồng của cơm rượu nếp sẽ loại bỏ các loại kí sinh trong cơ thể. Hạt cơm chắc mà dẻo quyện với chút cay cay nhẹ của men rượu nhưng vẫn có chút ngọt ở hậu vị. Còn với trái cây, từng vùng miền sẽ chuẩn bị những loại trái cây phù hợp theo mùa. Chủ yếu sẽ chọn các loại quả của mùa hè, có tính nóng, có vị chua ngọt và tươi ngon.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ được chuẩn bị tươm tất. Ảnh: ST



Mâm cúng Tết Đoan Ngọ được chuẩn bị tươm tất. Ảnh: ST
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc
Người miền Bắc thường chuẩn bị hai loại quả mận và vải. Đây là hai thức quả phổ biến nhất trong mùa Tết Đoan Ngọ mỗi năm. Ngoài ra trong mâm cúng của người miền Bắc không thể thiếu bánh gio (hay còn gọi là bánh tro). Bánh được làm bằng gạo nếp ngâm trong nước tro đốt, khi ăn sẽ được chấm cùng nước mật mía ngọt ngào hấp dẫn. Bánh phù hợp ăn mùa hè bởi độ thanh mát, ngọt nhẹ và rất dễ ăn.
Ngoài ra ở một vài địa phương còn chuẩn bị thêm bánh khúc người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai. Bánh khúc thơm ngon, bùi bùi của nhân đỗ, dẻo thơm của vỏ nếp khiến bạn càng ăn càng nghiền.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Trung
Thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Trung mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Họ quan niệm rằng từ ngày mồng 5 tháng 5 trở đi, vịt đã bắt đầu vào mùa. Lúc đó, những con vịt trở nên béo hơn và có thịt ngon, chắc hơn, không còn mùi hôi. Ngoài ra, thời điểm này thời tiết nóng nực vịt có tính hàn sẽ giúp cân bằng nhiệt. Vịt có thể chế biến thành nhiều món ăn như vịt luộc, cháo vịt, gỏi vịt, vịt tiềm thuốc bắc,...
Một món ăn khác được người dân miền Trung chuẩn bị trong ngày Tết Đoan Ngọ là chè kê. Chè kê có vị ngọt thanh mang lại cảm giác thanh mát dễ chịu. Người miền Trung thường ăn chè kê với bánh tráng vừng.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Nam
Trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Nam không thể thiếu bánh ú tro, chè trôi nước,... Trước ngày Tết lớn thứ hai trong năm này, bánh ú tro được bày bán rất nhiều ở các khu chợ lớn nhỏ. Bánh ú tro có hình chóp, sau lớp lá tre hoặc lá chuối là phần gạo nếp có màu nâu đẹp mắt, nhân bên trong là đỗ xanh giã nhuyễn. Bánh có độ dẻo quánh của gạo nếp, nhân đỗ bùi bùi béo béo, thanh mát và dễ ăn.
Chè trôi nước có phần vỏ là bột gạo nếp được nặn thành hình tròn bên trong là nhân đậu. Ngoài ra, nhiều người dân miền Nam còn chuẩn bị thêm bánh bá trạng, xôi gấc, xôi vò trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ.
 
Bên trên