0707171758
NGUYỄN THANH VÂN
Không phải sang Ả Rập ngồi đếm tiền như Cristiano Ronaldo hay gần đây là Karim Benzema và N'Golo Kante, cũng chẳng phải về lại Barcelona để giải nghệ, Lionel Messi đã chọn bến đỗ mới là Inter Miami, đội bóng của ông bầu David Beckham. Những lý do cho việc sang Mỹ chơi bóng thì đã được đề cập quá nhiều rồi, mình xin phép không bàn luận thêm, vì trong đó có cả chuyện riêng tư gia đình nhà Messi. Vả lại, những lý do ấy đều chẳng liên quan gì đến công nghệ cả.
Về mặt truyền thông, giải MLS mà có sự xuất hiện của một trong những cái tên vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, lại còn vừa có World Cup, sức hút sẽ không phải bàn, nhất là ở một thị trường mà bộ môn thể thao vua còn đang trầy trật tìm khán giả, chứ không phải bộ môn thu hút gần nửa dân số thế giới theo dõi, như con số hơn 3 tỷ người xem trận chung kết World Cup 2022.
Chắc chắn sẽ có nhiều bên được hưởng lợi từ việc Messi về MLS, về Inter Miami chơi bóng. Chủ quản CLB, hay chính bản thân ban tổ chức giải MLS là một ví dụ. Nhưng trong số đó, có một kẻ được hưởng lợi mà không mấy ai để ý, đấy chính là Apple.
Và đó cũng chính xác là lý do mấy ngày vừa rồi, có thông tin nói rằng để giúp Inter Miami có được chữ ký của Lionel Messi, thì cả hai cái tên Apple và adidas đều đã có những trợ giúp về mặt tài chính. Họ được cho là sẽ chia cho Messi một khoản doanh thu. adidas được cho là sẽ chia riêng cho Messi doanh số bán áo đấu. Còn Apple sẽ chia cho Messi một khoản từ doanh thu người dùng mua gói cước Apple TV+, trong đó có cả bản quyền chiếu những trận đấu trong khuôn khổ Major League Soccer.
Tất cả những điều đó đến khi chúng ta vẫn còn mải tranh luận hay háo hức với cặp kính Apple Vision Pro vừa được giới thiệu ở WWDC hồi đầu tuần.
Hệ sinh thái 2.0 của Apple
Tỷ lệ những anh em dùng một thiết bị nào đó của Apple để đọc chính bài viết này là cực kỳ cao. Nhưng điều ít người để tâm, đó là hiện giờ Apple đang xây dựng hệ sinh thái phiên bản thứ 2 xoay quanh những thiết bị phần cứng do hãng tạo ra, bán ra thị trường.
Nói thì dễ, làm mới khó, nên chúng ta có thể quy thành công của Apple về một mô hình duy nhất: Bán sản phẩm công nghệ ở tầm giá cao cấp. Kết hợp mô hình kinh doanh ấy với những sản phẩm được thiết kế tỉ mỉ, đủ tạo ra cảm giác đẳng cấp rất khác trong tư duy của người dùng, thế là xong.
Đấy là phần dễ. Còn phần khó là làm thế nào để hàng tỷ thiết bị ấy tạo ra một hệ sinh thái đóng, giữ chân hàng tỷ người trên toàn thế giới không chỉ sở hữu một, hay vài sản phẩm Apple, mà còn chấp nhận vài năm sau bỏ tiền nâng cấp tiếp. Chê đồ Apple tạo ra một hệ sinh thái kín mít hay đắt đỏ, thì cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng sự trung thành của người dùng với thương hiệu Apple là thứ hãng nào cũng thèm muốn.
Chính nhờ những yếu tố ấy kết hợp lại, chúng ta có một tập đoàn giá trị vốn hóa gần 3 nghìn tỷ USD.
QUẢNG CÁO
Nhưng giữa những thành công ấy của Apple, thì mình chắc chắn trong đầu Tim Cook có một trăn trở rất lớn: Nhỡ một ngày không ai mua iPhone nữa thì sẽ ra sao?
Phân nửa tổng doanh thu Apple đến từ 1 sản phẩm duy nhất: iPhone. Trong mắt những tập đoàn khác, đó là ước mơ. Chỉ cần làm 1 sản phẩm mà ngồi đếm tiền từ ngày này qua tháng nọ. Nhưng trong mắt của ban lãnh đạo Apple, đó là thứ họ cần phải thay đổi càng sớm càng tốt. Vậy là chúng ta có một mảng nữa đang gặt hái rất nhiều thành công của Apple: Dịch vụ.
Hệ sinh thái 1.0 của Apple tạo ra những phần cứng vận hành hoàn hảo khi đặt cạnh nhau. Và hệ sinh thái 2.0 được xây dựng để cho người dùng kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của họ thông qua những thiết bị Apple. Anh em hàng ngày coi MXH bằng iPhone, làm việc bằng MacBook, lưu trữ bằng iCloud, nghe nhạc qua Apple Music, xem phim bằng Apple TV+, theo dõi sức khỏe bằng Apple Watch, tập luyện thể dục thể thao với Apple Fitness, mua sắm và thanh toán bằng Apple Pay, quản lý các thiết bị thông minh trong nhà bằng HomePod…
Càng nhiều người sở hữu thiết bị Apple, tỷ lệ bỏ tiền cho một trong số những dịch vụ kể trên sẽ càng cao. Điều này là sự thật chứ không phải suy đoán. Con số 79.4 tỷ USD mà mảng dịch vụ của Apple đem về cho tập đoàn vào năm 2022 cao hơn cả doanh thu của Boeing, cao hơn cả Nike và McDonald's cộng lại. Và nhiệm vụ của Tim Cook cùng các đồng sự là khiến con số ấy năm sau phải cao hơn năm trước.
Và trong cuộc chơi ấy, nội dung streaming từ Apple TV+ là một phần vô cùng quan trọng. Không chỉ riêng phim ảnh hay series, Apple còn muốn tiếp cận một nguồn khách hàng hoàn hảo đối với Apple TV+: Khán giả thể thao.
Ông lớn công nghệ và bản quyền bóng đá
Điều đó đưa chúng ta đến với thực tế là Apple đã bỏ con số khổng lồ 2.5 tỷ USD mua bản quyền chiếu tất cả các trận bóng đá của giải Major League Soccer bên Mỹ trong vòng 10 năm trên Apple TV+. Gọi là khổng lồ, vì dù chỉ bằng một nửa so với con số 5.1 tỷ Bảng để mua bản quyền phát sóng 3 mùa Premier League từ 2022 đến 2025, sức hút của MLS thì thấp hơn rất rất nhiều. Có khi nếu đem so với Bundesliga hay La Liga, MLS cũng ở một tầm rất thấp nếu nói về mức độ quan tâm của công chúng.
Nhưng vấn đề là, thời thế đã thay đổi, và các tập đoàn công nghệ khổng lồ đều đã nhảy vào cuộc chơi phát sóng thể thao, thậm chí cạnh tranh trực tiếp với truyền hình truyền thống. Nếu các nhà đài bỏ tiền mua bản quyền truyền hình và hy vọng sẽ kiếm lời từ chi phí quảng cáo, với các thương hiệu mua slot quảng cáo ở thời điểm hàng trăm triệu người ngồi trước màn hình TV, thì Amazon hay Apple cần thứ khác, đó là người dùng bỏ vài USD một tháng để mua gói cước như Prime Video và Apple TV+.
Đến đây thì rõ ràng những hạn chế của các nhà đài được phô bày khá rõ ràng. Lấy ví dụ Apple, với số tiền mặt trị giá 55.9 tỷ USD họ đang nắm giữ, không một thương vụ nào khiến họ ngán cả. Mà thậm chí là nếu Tim Cook muốn, thì hai CLB bóng đá giá trị nhất hành tinh bây giờ là Real Madrid (6.07 tỷ USD) và Manchester United (6 tỷ USD) cũng sẽ được mua đứt chỉ trong nháy mắt, không phải đi vay ngân hàng.
Dĩ nhiên đấy chỉ là ví dụ vui để chứng minh cho sức mạnh tiền tươi thóc thật của Apple, hay Amazon, tập đoàn thậm chí còn nhiều tiền mặt hơn cả Apple (64.4 tỷ USD).
Không một nhà đài nào cạnh tranh được với họ về khía cạnh thanh khoản. Và vì mục tiêu khác, nên các tập đoàn công nghệ cũng sẵn sàng chi ra mức giá khủng khiếp hơn nhiều so với các nhà đài chỉ để sở hữu thứ nội dung độc quyền mà hàng tỷ người trên toàn thế giới theo dõi hàng tuần.
Hồi tháng 3 từng có tin, Apple còn đang cân nhắc việc chạy đua với Amazon mua bản quyền chiếu Premier League. Dám khẳng định, không một bộ phim bom tấn hay series nào thu hút được lượng người xem đông đảo một cách đều đặn như bóng đá. Thay vì phải bỏ tiền phát triển kịch bản, thuê diễn viên, rồi cân nhắc xem dự án phim nào đủ sức hút, phải đối mặt với bom tấn bom xịt, thì thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là thứ luôn có cung và cầu cực lớn.
Rồi từ những trận bóng ngoài đời thực, cơ hội mở rộng thương hiệu cũng rất lớn. Lấy ví dụ phép thử cực kỳ thành công của Apple TV+ mang tên Ted Lasso, hay series All or Nothing của Amazon Prime Video, lấy bối cảnh những đội bóng Manchester City, Tottenham Hotspur, Arsenal và Juventus. Những nội dung ấy là quá hoàn hảo để trám vào kỳ nghỉ mấy tháng giữa các mùa giải, giúp các fan của bộ môn thể thao vua không bị “đói bóng” ở thời điểm những năm không có World Cup hay Euro được tổ chức.
Đối với Apple, đó không phải một canh bạc giống như Apple Vision Pro. Con số thực tế: Amazon Prime Video có số tài khoản đăng ký dịch vụ tăng 35% kể từ khi dịch vụ chiếu trực tiếp những trận bóng thuộc Premier League.
Messi về Mỹ và cái lợi cho Apple
Apple không cần phải chứng minh bóng đá là thứ nội dung hoàn hảo cho một dịch vụ streaming, vì Amazon hay các ứng dụng của các nhà đài đều đã làm điều đó rồi. Vấn đề của Apple, cho tới hai ngày trước, chỉ là họ nắm trong tay một giải đấu bóng đá Mỹ, bộ môn ít được quan tâm trong mắt chính người dân nước này, với sức hút dĩ nhiên không thể sánh được như những giải ở châu Âu.
Thế rồi Messi đến Miami.
Nếu những thông tin hành lang liên quan tới giao kèo của Apple hay adidas là chính xác, thì Apple không đơn thuần là kẻ được hưởng lợi một cách bất ngờ, mà chính họ đã tự thúc đẩy để tạo ra lợi ích ấy. Giờ những người muốn xem thần tượng của mình thi đấu trong chiếc áo hồng, họ chỉ có một cách duy nhất đó là mua gói cước Apple TV+ để xem Inter Miami thi đấu hàng tuần, ở bảng xếp hạng những liên đoàn bóng đá phía Đông.
Và một phần số tiền mà Apple hay bất kỳ ông lớn nào bỏ ra mua bản quyền phát sóng sẽ được chuyển cho chính những đội bóng tham gia giải đấu, giúp giải đấu phát triển cả về chất lượng lẫn sức hút. Đấy dĩ nhiên là trong trường hợp lý tưởng.
Chiến lược của Apple hay Amazon rất có thể sẽ là mối nguy với truyền hình truyền thống. Họ không chỉ đủ tiền sở hữu bản quyền các giải lớn, thậm chí dám chịu chơi đầu tư sản xuất những nội dung khác có liên quan, những thứ mà các đài truyền hình không thể làm được vì giới hạn kinh phí. Rồi kết hợp tất cả những nội dung độc quyền trên Apple TV+ hay Amazon Prime Video lại với nhau, từ TV series đến bóng đá, từ phim điện ảnh đến phim truyền hình, những gói cước xem stream trực tuyến luôn có sức hút với người dùng cá nhân hơn so với những gói cước xem TV truyền thống. Vừa không cạnh tranh được về nội dung, không cạnh tranh được cả về khả năng mua bản quyền phát sóng, mối nguy là rất rõ ràng.
Đến lúc nội dung đủ hấp dẫn, bỗng nhiên Apple sẽ tạo ra được tác động ngược hoàn toàn. Mấy năm qua họ phải nhờ tới hệ sinh thái người dùng thiết bị phần cứng Apple để đẩy doanh thu dịch vụ. Nhưng rồi sẽ tới lúc, nhờ dịch vụ tốt, Apple sẽ càng bán được nhiều thiết bị hơn.
Có lẽ cũng không phải trùng hợp, khi hôm mùng 6/6 vừa rồi, Apple công bố sẽ chiếu 4 tập phim tài liệu về Messi trên Apple TV+.